Hoành tráng Ben-Hur xưa và nay

(PLO) - Ben-Hur ra rạp Việt từ ngày 19/8 với nhiều nét khác biệt so với phiên bản năm 1959 giành tới 11 giải Oscar. 
Hai diễn viên chính trong Ben-Hur (2016) tự đóng hầu hết các cảnh nguy hiểm
Hai diễn viên chính trong Ben-Hur (2016) tự đóng hầu hết các cảnh nguy hiểm

Ben-Hur (1959) của đạo diễn William Wyler là bản làm lại của phim câm cùng tên sản xuất năm 1925, chuyển thể từ tiểu thuyết Ben-Hur: A Tale of the Christ (1880) của luật sư, chính khách Mỹ Lew Wallace.

Nhân vật (hư cấu) trong tiểu thuyết là Judah Ben-Hur – một người Do Thái bị vu oan âm mưu ám sát một quan chức La Mã. Anh bị bắt lao động khổ sai (chèo chiến thuyền), rồi trở thành người lái xe ngựa trên đấu trường sinh tử, quyết trả thù xưa. Nhân vật Judah Ben-Hur do tài tử Mỹ Charlton Heston (1923-2008) đảm nhiệm. 

Ben-Hur (2016) do Timur Bekmambetov, sinh năm 1961 ở Kazakhstan, làm đạo diễn. Đây là bản chuyển thể thứ 5 của tiểu thuyết Ben-Hur: A Tale of the Christ (trước đó là phim câm năm 1907, phim câm năm 1925, phim năm 1959 và phim hoạt hình năm 2003). Các vai chính trong phim do Jack Huston, Morgan Freeman, Toby Kebbell, Nazanin Boniadi, Haluk Bilginer và Rodrigo Santoro đảm nhiệm. 

2016: Bí mật đấu trường

Trong Ben-Hur (2016), cảnh đua xe ngựa nổi tiếng kéo dài khoảng 10 phút giống như trong các phiên bản phim trước đó. Theo kế hoạch ban đầu, cảnh này sẽ được quay ở đấu trường Circus Maximus tại Rome giống như bộ phim trước đó.

Tuy nhiên, cơ quan văn hóa của Ý từ chối cấp phép cho đoàn làm phim vào quay tại đấu trường vì sợ các cảnh quay nguy hiểm sẽ làm tổn hại công trình lịch sử mong manh.

Thị trưởng Rome Ignazio Marino nói: “Mục tiêu của chính quyền thành phố không phải là tăng thu từ việc cho sử dụng không gian công cộng. Mục tiêu, nhiệm vụ của chúng ta là đưa Rome trở lại vai trò to lớn trong cộng đồng quốc tế”.

Theo các nguồn tin mà báo Anh The Guardian có được, quyết định cấm cửa đoàn làm phim Ben-Hur chỉ là do các vấn đề “kỹ thuật”. Các chuyên gia khảo cổ học cho rằng, việc đưa tới đấu trường hàng loạt xe cộ hạng nặng phục vụ việc quay phim cùng hàng trăm diễn viên quần chúng có thể gây nhiều tổn hại tới công trình cổ.

Vì thế, nhà sản xuất Ben-Hur buộc phải quay cảnh đua xe ngựa chiến đấu tại phim trường của hãng Cinecittà Studios ở Rome. Nhiều cảnh trong Ben-Hur (1959) cũng được quay tại đây.

Để tái tạo cảnh đua ngựa chiến đấu, các nhà sản xuất và chuyên gia trường đua ngựa xây dựng một đấu trường dài 300m, gồm đường đua dài 250m, rộng 50m, các khán đài và cổng ra vào. Đấu trường Circus Tiberius được xây dựng tại công viên Cinecittà World.

Theo nhà thiết kế sản xuất Naomi Shohan, các thiết kế đấu trường được tổng hợp từ hồ sơ khảo cổ của nhiều đấu trường La Mã thời xa xưa. Một phần sáu của đấu trường được xây dựng trên thực tế; phần còn lại được bổ sung bằng đồ họa máy tính. Các cỗ xe ngựa độc đáo cũng được đóng theo các tài liệu gốc. 

Chuyên gia về ngựa Steve Dent cung cấp cho đoàn làm phim 86 con ngựa. Chúng được huấn luyện trong vài tháng để có thể đua với vận tốc 64 km/h. Trong phim có cảnh đua xe tứ mã, nên có 12 con ngựa được chia làm 3 nhóm để sử dụng luân phiên để ngựa thời gian nghỉ ngơi.

Ngoài ra, có tổng cộng 60 nài ngựa. Xe ngựa trong Ben-Hur (1959) nặng hơn 400kg, do các thợ thủ công Ý đóng. Xe ngựa trong phiên bản 2016 nhỏ và chạy nhanh hơn nhiều. Mỗi nhân vật có một loại xe ngựa riêng; một số có phanh, một số có khoảng trống để đặt camera hoặc nhồi thêm một “tài xế” bí mật.

Giám đốc nghệ thuật Massimo Pauletto nói rằng, nhóm của ông phải tái phát minh một loại xe ngựa đã bị lãng quên từ lâu và vấn đề khó nhất là khớp nối nhu cầu thực tế với nhu cầu kỹ xảo. Các vấn đề phát sinh hàng ngày vì chốt xe bị ngựa làm gãy, các thanh ngang giữ ngựa bị cong. Kết quả là đoàn làm phim thường xuyên phải đóng các cỗ xe ngựa mới. 

Để nắm bắt không khí bùng nổ của cuộc đua, đoàn làm phim gắn microphone vào các con ngựa để ghi lại âm thanh móng guốc nện trên nền đấu trường. Camera cũng được gắn vào xe ngựa hoặc người.

Diễn viên gạo cội Morgan Freeman (trái) vào vai nhân vật đào tạo Judah Ben-Hur thành người điều khiển xe ngựa.
Diễn viên gạo cội Morgan Freeman (trái) vào vai nhân vật đào tạo Judah Ben-Hur thành người điều khiển xe ngựa.

Có chiếc camera được gắn vào quả bóng đá đặt ở giữa đường đua mà ngựa chạy qua. Diễn viên Anh Jack Huston (vai Judah Ben-Hur) và người đồng hương Toby Kebbell (vai Messala) phải dành 2 tháng rưỡi để chuẩn bị và tập dượt, học cách lái xe ngựa ở Ý, 6 ngày một tuần.

Các diễn viên đóng thế cũng phải học cách lái xe ngựa, nhưng họ chỉ được thế vai trong những cảnh cực kỳ nguy hiểm. Tổng cộng 20 cỗ xe ngựa được dùng đến. Ngoài ra, khoảng 400 người vào vai khán giả trên đấu trường. Với sự trợ giúp của kỹ xảo, số người này tăng lên 100.000 trong phim…

1959: Lập nhiều kỷ lục

Tính đến thời điểm ra đời, Ben-Hur (1959) là bộ phim có vốn đầu tư lớn nhất (gần 15,2 triệu USD), trường quay lớn nhất. Dưới trướng của người thiết kế trang phục Elizabeth Haffenden có 100 nhân viên may quần áo và 200 công nhân, thợ thủ công làm hàng trăm trụ ngạch và tượng.

Phim sử dụng hơn 200 con lạc đà, 2.500 con ngựa và khoảng 10.000 diễn viên quần chúng. Cảnh thủy chiến sử dụng các mô hình thu nhỏ để trong một bể nước khổng lồ ở phim trường của hãng MGM tại bang California.

Cuộc đua ngựa chiến đấu kéo dài 9 phút đã trở thành một trong những cảnh quay nổi tiếng nhất của ngành điện ảnh. Nhạc phim Ben-Hur (do nhà soạn nhạc người Hungary Miklós Rózsa sáng tác và chỉ huy dàn nhạc) là phần nhạc phim dài nhất soạn cho một bộ phim và có ảnh hưởng đáng kể trong ngành điện ảnh trong hơn 15 năm. 

Ben-Hur đạt doanh thu lớn nhất trong số các phim chiếu năm 1959 và trở thành phim có doanh thu lớn thứ nhì trong lịch sử điện ảnh tính đến năm đó, chỉ đứng sau Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió).

Ben-Hur giành được số giải Oscar kỷ lục – 11 giải, gồm phim truyện hay nhất, đạo diễn, diễn viên chính, diễn viên phụ xuất sắc nhất. Mãi về sau này mới có 2 phim đạt được kỷ lục 11 giải Oscar như vậy (Titanic năm 1997 và The Lord of the Rings: The Return of the King năm 2003).

Ben-Hur còn đoạt giải Quả cầu vàng ở 3 hạng mục (phim truyện, đạo diễn và diễn viên phụ xuất sắc nhất).

Ngày nay, Ben-Hur (1959) được coi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh. Năm 1998, Viện Phim Mỹ xếp Ben-Hur ở vị trí 72 trong số các phim Mỹ hay nhất và ở vị trí số 2 trong số phim sử thi Mỹ hay nhất. Năm 2004, Ban Bảo tồn phim quốc gia chọn Ben-Hur để bảo tồn, lưu trữ trong Thư viện Quốc hội vì có giá trị cao về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ.

Theo hãng phim MGM, khi quay Ben-Hur (1959), người ta dùng dây bẫy chằng sát mặt đất để tạo cảnh ngựa ngã, dẫn tới sự cố ngoài ý muốn là một số diễn viên đóng thế thiệt mạng. Với Ben-Hur (2016), những cảnh quay tai nạn xe ngựa đều được xử lý bằng máy tính.

Tuy nhiên, có một diễn viên đóng thế văng ra khỏi xe và bị bánh xe của cỗ xe khác chèn qua người, phải nhập viện. Đạo diễn Bekmambetov nói rằng, trang phục La Mã thứ thiệt với đai da quanh ngực người điều khiển xe ngựa đã khiến vết thương không quá trầm trọng.

Một số cảnh đua xe ngựa trong Ben-Hur (1959)
Một số cảnh đua xe ngựa trong Ben-Hur (1959)

Tuy nhiên, nhà sản xuất Sean Daniel nói với báo Mỹ Wall Street Journal rằng, tất cả người điều khiển xe ngựa đều mặc áo giáo Kevlar.

Đọc thêm