Kiến trúc kỳ lạ bên trong trụ sở TAND Tp. HCM

(PLO) - Trụ sở của TAND TP.HCM, công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2012, sắp tới sẽ được trải qua một cuộc “đại phẫu”. Tuy vậy, những đường nét kiến trúc bên trong vẫn còn nhiều bí ẩn.
Nét cổ kính của tòa nhà 130 tuổi.
Nét cổ kính của tòa nhà 130 tuổi.
130 năm vẫn dùng tốt
Tòa nhà được xây dựng trên diện tích khuôn viên rộng lớn, giáp bốn mặt đường là Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Lý Tự Trọng, mặt chính hướng ra sông Sài Gòn. Tòa nhà được hai kiến trúc sư người Pháp thiết kế và thi công trong suốt 5 năm trời (từ 1881 - 1885). 
Tòa nhà lúc đầu được xây dựng theo hình chữ H, gồm hai tầng và một tầng hầm. Mỗi tầng với chiều cao 5,2m2 để đón nhận những luồng gió từ không gian thoáng đãng quanh khuôn viên, lùa vào các hành lang dẫn vào phòng làm việc, hạn chế tối đa việc phải sử dụng năng lượng nhân tạo.
Vật liệu để xây nên tòa nhà này hầu hết được mang từ Pháp qua. Gạch thẻ được nung đạt đến trình độ rất cao nên đến nay dù đã 130 năm, những viên gạch ấy vẫn vô cùng chắc chắn. Điều quan trọng là chất kết dính giữa các viên gạch với nhau được tạo nên không phải bằng xi măng như ngày nay, mà bằng chất liệu vôi kết hợp với mật mía cùng nhiều nguyên phụ liệu khác để tạo nên một hỗn hợp ư bền vững.
Là nơi để xét xử, bảo vệ công lý nên tòa nhà này được xây dựng theo phong cách riêng biệt nhằm đảm bảo tính uy nghiêm. Từ các phòng xử cho tới các bức tượng đặt ở hành lang đều thể hiện được sự tôn nghiêm chốn công đường. 
Ở tầng trệt ngay sảnh chính được bố trí hai bức tượng lớn. Tượng được bố trí hai bên chân cầu thang dẫn lên tầng hai. Bên phải là tượng nữ thần Công lý, bên trái là tượng nữ thần Đoàn kết. Ở tầng trên được bố trí bốn bức tượng lớn, nhưng không hiểu vì lý do gì mà mất một bức tượng bên cánh trái.
Những bức tượng trong tòa nhà
Những bức tượng  trong tòa nhà 
 Ngoài những bức tượng, trên tường và trần nhà còn rất nhiều bức phù điêu và những hoa văn trang trí tuyệt đẹp. Các bức phù điêu này thể hiện từ cây cỏ cho tới hình ảnh trẻ con, người lớn quây quần bên nhau…
Tuy nhiên cho đến nay việc giải thích về những bức tượng và các bức phù điêu được trang trí này cũng chỉ là suy đoán, chứ không có một tài liệu chính thống nào lý giải việc có mặt của các bức tượng, bức phù điêu ấy.
Nguyên bản của tòa nhà do người Pháp xây không phải như những gì mà chúng ta được chiêm ngưỡng ngày hôm nay, mà lúc đầu họ chỉ xây ngôi nhà theo hình chữ H với mong muốn lấy được gió từ 4 hướng. Tuy nhiên vào những năm 1960 của thế kỷ trước, do tình hình xã hội thay đổi, lượng án nhiều nên chính quyền của chế độ cũ đã mở rộng bằng cách xây dựng thêm một tòa nhà phía đường Nguyễn Trung Trực bây giờ. Tòa nhà đó vẫn có lối kiến trúc giống như  người Pháp xây dựng, cũng được kết nối với tòa nhà cũ thành một hệ thống nhà hoàn chỉnh.
 Đến những năm 2000, do vẫn không đáp ứng được việc xét xử nên chính quyền đã cho xây thêm dãy nhà tôn và một dãy nhà ngói để phục vụ công tác xét xử, đồng thời cho xây một dãy căng tin để phục vụ những người tới tòa.
Tòa nhà sẽ được trùng tu ra sao?
Trải qua 3 thế kỷ, dưới sự tác động của con người và thiên nhiên, tòa nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều mảng trần đã bong tróc, mái ngói bị dột nát, rong rêu mọc nhiều, gạch nền hư hỏng…  
Phù điêu được trang trí khắp nơi trên trần tòa.
 Phù điêu được trang trí khắp nơi trên trần tòa.
Trước tình hình xuống cấp đó, năm 2002, lãnh đạo Tòa án đã có ý tưởng và xin chủ trương trùng tu tòa nhà này. Năm 2006, chủ trương đó được chấp thuận. Tuy nhiên để được chấp thuận thì hồ sơ phải khảo sát rất chi tiết, kỹ lương. 
Đích thân đại diện Sở Xây dựng, Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM), Cục Di sản văn hóa hướng dẫn thẩm định, chỉnh sửa nhiều lần mới có kết quả, rồi chuyển ra Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT-DL và cơ quan chủ quản phê duyệt. 
Trước đây có nhiều luồng ý kiến được đưa ra như xin cải tạo trong khuôn viên để làm vườn hoa, đài phun nước… nhưng đều không được chấp nhận, mà phải trả lại nguyên hiện trạng cũ. 
Theo đó những hàng cây tùng, phượng trong sân tòa đều bị đốn hạ để thay vào đó là những loại cây thấp để đón khí trời cho tòa nhà. Các dãy nhà tôn, nhà ngói và căng tin được xây dựng sau này đều bị đập bỏ. Việc trùng tu sẽ được thực hiện một cách tỉ mỉ, bảo đảm bảo tồn tốt nhất những gì có thể. Những viên gạch, tấm gỗ cầu thang… đều được chứ ý giữ gìn, chỉ thay thế khi không thể bảo tồn được. 
Việc trùng tu cũng sẽ hạn chế bớt những đường ống nước, dây điện, máy móc thiết bị chằng chịt như hiện nay.
Dự kiến tổng kinh phí để trùng tu tòa nhà này là 320 tỉ đồng, thời gian kéo dài trong vòng hai năm và thực hiện theo kiểu cuốn chiếu nên việc xét xử tại đây vẫn diễn ra bình thường. Hiện mọi công việc chuẩn bị đã gần xong, chỉ còn chờ kết quả đấu thầu để cuối năm nay chính thức khởi công./.

Đọc thêm