Lên rừng ở biển Phú Yên

(PLO) -Chỉ cần rời khu resort hiện đại ở bờ biển Phú Yên chừng vài chục cây số, người ta lại có thể bắt gặp những buôn làng nguyên sơ của người Ê đê, Ba na, Mơ nông, Chăm, Raglai… Phú Yên là nơi tập trung tới gần 30 dân tộc chung sống.
Hình minh họa
Hình minh họa

Ngược lên thị xã Sông Hinh, chúng tôi được thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân tộc Ê đê. Người Ê đê thích nấu các món canh. Trong một bữa ăn sáu món mà khách được phục vụ tới ba món canh, cũng có thể gọi là canh ớt hoặc canh lá.

Vì món canh nào cũng nấu kèm với ớt quả, là loại ớt sim nhỏ xíu để nguyên quả, cho vị thơm đặc trưng mà cay xé lưỡi, rồi đầu bếp bỏ thêm các loại lá vào. Canh cá nấu với măng rừng và lá rang. Canh bò nấu lá é.

Ngon nhất là canh nấm rừng, loại nấm thơm và dai như thịt gà, nấu với lá lốt. Còn một đặc sản không thể không nhắc đến của người Phú Yên là “bò một nắng”. Mặc dù ngồi uống bia tươi trên bãi biển, bạn vẫn có thể nhấm nháp món ăn núi rừng này. 

Bài chòi cũng là một đặc sản nữa của Phú Yên. Bài chòi cất lên, xong câu nào người ta cười rộ lên câu ấy, người Bắc nghe chả ai cười, vì có hiểu gì đâu để mà cười. Người bên cạnh phải “phiên dịch” cho tôi từng câu, nghe xong hiểu ra, người ta hát xong 15 phút rồi mình mới cười phá lên, khi mà không còn ai cười nữa.

Lời bài chòi không hiểu nguyên gốc thế hay do người hát tự biên mà rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh đến mắc cười. Người ta bảo tôi không hiểu vì khi nghệ nhân đã hát bài chòi là phải hát bằng tiếng Nẫu. Tiếng Nẫu là tiếng gì chứ? Bữa trước có đọc một truyện ngắn của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, tổng biên tập báo Văn nghệ Phú Yên, có nhan đề “Nẫu về…”.

Đúng bữa ăn trưa ở thị xã Sông Cầu, tác giả lại ngồi ngay cạnh tôi, giải thích rằng tiếng Nẫu là tiếng của người miền biển ở Phú Yên, còn dân thành phố Tuy Hòa thì nói nhẹ hơn. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cũng bình luận rằng nhà thơ Phan Hoàng là một trong những người… có giọng nhẹ nhất vì sống ở Sài Gòn lâu rồi. Lúc ấy tôi không dám nói rằng nhiều bận nói chuyện với anh Phan Hoàng qua điện thoại, tôi cứ “dạ dạ, vâng vâng” vì không dám hỏi lại đến lần thứ tư “Gì cơ hả anh?”.

Những người sống ở Bình Đình và Phú Yên còn được gọi là người xứ Nẫu. Ngoài âm điệu nằng nặng đặc trưng, họ còn rất lắm phương ngữ mà nếu không phải người bản địa thì chịu chết, kiểu như “nẫu" (ngôi nhân xưng “họ”), "dẫy na"(vậy nha), "dẫy hửng" (vậy hả), "dẫy á" (vậy đó)… Người xứ Nẫu tự hào và thân thương với tiếng Nẫu, với những bài chòi mộc mạc, hồn nhiên được hát bằng tiếng Nẫu. Riết rồi tôi cứ nghe bài chòi là vỗ tay rồi cười theo dù không hiểu gì mấy.

Văn hóa ở vùng đất trấn biên 400 năm rất phong phú và dày dặn. Hết nghe tiếng Nẫu của người dân quê biển mặn mòi thì lại được nghe tiếng của người Ê đê, Ba na… Phú Yên hiện là một kho sử thi sống khổng lồ với 92 bộ sử thi của các dân tộc, nhưng mới chỉ xuất bản được 8 bộ sử thi, ghi âm và dịch thô 25 bộ sử thi, số còn lại thì… nằm trong đầu các nghệ nhân.

Trong các buôn làng ở đây có hơn 60 nghệ nhân biết kể sử thi, nhưng 2/3 trong số đó đã trên 70 tuổi. Nhiều nhà nghiên cứu lo lắng rằng trong một tương lai rất gần, các sử thi sẽ biến mất vào đất đen cùng với những nghệ nhân kia, khi mà chưa kịp ghi lại những lời kể của họ thì họ đã…

Tuy nhiên, để ghi lại sử thi là một điều khó khăn. Có những sử thi nếu kể liên tục thì phải mất tới 5 ngày 5 đêm, nếu ghi ra băng thì hết 100-150 băng cát sét. Rồi chẳng bao lâu nữa, như nhiều thứ đã dần biến mất khỏi mặt đất, hình ảnh những nghệ nhân người Chăm, Ba na, Ê đê… ngồi kể sử thi dưới ánh lửa bập bùng, khi ánh trăng lên cao, khi ché rượu cần được đong đầy, sau lưng là bóng nhà rông vững chãi, trước mặt là những người dân buôn làng ngồi im lặng xung quanh như những con thú rừng đại ngàn… rồi cũng sẽ biến mất. 

Phú Yên có lẽ là một tỉnh hiếm hoi có văn hóa pha trộn giữa biển cả và núi rừng. Ngoài những bãi cát trắng hoang sơ trải dài gần 180 km, Phú Yên còn có Tháp Nhạn ngự trên thế phong thủy mà theo như quan niệm của người địa phương, sông chính là Yoni còn núi là Linga; có Vịnh Vũng Rô với di tích tàu không số cách không xa bờ; Vịnh Xuân Đài lớp lớp núi non bao quanh như một phiên bản nữa của Vịnh Hạ Long; có ngọn hải đăng Đại Lãnh nằm trên núi cao, sẵn sàng hứng ánh bình minh sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam; và đặc biệt là Gành Đá Đĩa, một biểu tượng độc nhất vô nhị của Phú Yên với những lớp đá chằn chặn hình ngũ giác, lục giác thiên tạo xếp chồng lên nhau gọn gàng như có bàn tay khổng lồ sắp đặt.

Ấy vậy mà đã có một thời gian dài du lịch Phú Yên dậm chân tại chỗ. Một trong nhiều lý do là Phú Yên nằm lọt thỏm giữa hai trong số những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam: Đèo Cả phân cách địa phận Phú Yên và Khánh Hòa, đèo Cù Mông phân cách Phú Yên và Bình Định.

Trong thế “nội bất xuất ngoại bất nhập” như vậy, sự đi lại khó khăn khiến không mấy ai muốn tới Phú Yên. Mặc dù nơi này đang là một địa danh tiềm năng thu hút vô số nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có tập đoàn New City đang trên đà dự án xây dựng khu liên hợp với CLB du thuyền, sân gôn 36 lỗ, các biệt thự nghỉ dưỡng… dự kiến thu hút 12 triệu lượt khách mỗi năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn than phiền về cơ sở hạ tầng thấp đã hạn chế du lịch, hạn chế đầu tư.

Cuối năm 2013, Phú Yên đã có sân bay mới, với đường bay tiêu chuẩn có thể làm bãi đậu cho những chiếc Boeing trọng tải lớn. Và những người làm du lịch Phú Yên, dân làng chài Phú Yên, cả những người sống trong các buôn Ê đê, Ba na… tít trên cao nguyên đều khấp khởi mừng lòng về một hình ảnh tươi sáng của những bãi biển trải dài tấp nập khách du lịch.

Những việc nên làm:

- Bạn có thể đi du lịch Phú Yên vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng mùa hè vẫn là tuyệt vời nhất vì bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp trọn vẹn của biển và thưởng thức các loại hải sản.

- Các đặc sản ở Phú Yên nên thưởng thức là bánh tráng thịt heo, cá ngừ đại dương, ghẹ sông cầu, sò huyết Ô Loan, bánh xèo, bánh canh, bánh bèo, bánh ướt, bánh ít lá gai…

- Nếu bạn thích thưởng thức thêm không khí núi rừng thì hãy đi về các bản cách bãi biển chỉ vài chục cây số.

Đọc thêm