Những nghi lễ tặng phẩm xa xỉ của người Alaska

(PLO) -Hai bộ lạc Tlingit và Haida là những cộng đồng ngư dân sinh sống ở phía Đông Nam Alaska- Mỹ và một phần phía Tây Canada trong hơn 10.000 năm qua, nổi tiếng là những người hào phóng nhất trên thế giới. 
Người dân bản địa ở Alaska.
Người dân bản địa ở Alaska.

Alaska là một tiểu bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nằm tại đầu Tây Bắc của lục địa Bắc Mỹ. Alaska giáp với Canada ở phía Đông, giáp với Bắc Băng Dương ở phía Bắc, và giáp với Thái Bình Dương ở phía Tây và phía Nam, đối diện với Nga qua eo biển Bering. Alaska là bang có diện tích lớn nhất, ít dân thứ 4 và thưa dân nhất tại Hoa Kỳ (do phần lớn diện tích nằm trong vùng cực Bắc). 

Cho đi mọi thứ đã tích cóp

Người bản địa chiếm giữ vùng đất Alaska bắt đầu từ hàng nghìn năm trước khi những người châu Âu tiếp cận khu vực này. Người dân bộ lạc Tlingit phát triển một xã hội theo hệ thống mẫu hệ về thừa kế tài sản. Cũng trong khu vực Đông Nam còn có người Haida, hiện nay được biết đến nhiều nhờ tài nghệ thuật độc đáo của họ. Người Tsimshian đến Alaska từ British Columbia vào năm 1887.

Điều đặc biệt của những bộ lạc này vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ, đó là họ có tập tục thể hiện sự biết ơn rất đáng ngạc nhiên và gần như không thể tưởng tượng được trong thời đại hiện nay- họ có thể cho đi mọi thứ đến khi gần như không còn giữ lại gì cho mình. 

Người Tlingit và Haida có một lễ hội lớn được gọi là ku.éex hay còn được gọi là nghi lễ tặng phẩm xa xỉ. Tập tục này đã tồn tại với cuộc sống của những ngư dân này hàng ngàn năm.

Chủ nhà sẽ mời hàng trăm khách mời bao gồm anh em huyết thống trong gia đình và tất cả họ hàng trong gia tộc, họ hàng với góa phụ (nếu nam giới trong gia đình qua đời), hàng xóm xung quanh, bạn bè ở các làng lân cận.

Sau đó tặng họ những món quà lớn từ tiền mặt cho đến vật phẩm mà họ đã tích cóp trong cả năm trời. Không chỉ được tặng phẩm mang về, khi được mời tham gia lễ hội, khách mời còn được phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí bao gồm ca hát, nhảy múa, tham gia các cuộc thi ăn uống… 

Lễ hội ku.éex thường được sử dụng trong những dịp khác như: tôn vinh người chết, sinh nhật, ngày cưới hay sự thay đổi thứ hạng trong xã hội… và thường kéo dài cả tuần, cho đến khi gia chủ không còn chút tài sản nào giữ lại. Đối với họ, việc này hoàn toàn xứng đáng nếu như nó giúp họ nâng cao thanh thế, uy tín cho bản thân và gia tộc. 

Một hòn đảo phía Đông Nam Alaska là nơi sinh sống của các bộ lạc bản địa.
Một hòn đảo phía Đông Nam Alaska là nơi sinh sống của các bộ lạc bản địa. 

Bị cấm đoán 

Nhưng khi các nhà truyền giáo Kito giáo và nhiều người ngoài khác đến đây, chứng kiến tập tục và cho rằng đó là sự lãng phí không đáng có. Trong năm 1867, tập tục bắt đầu bị chính quyền liên bang cấm đoán, chính quyền dân sự và các nhà truyền giáo lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Từ đó, nhiều tộc trưởng, phụ nữ quý tộc bị bỏ tù, nhiều ngôi nhà bị phá hủy, những đồ lễ vật dùng trong nghi lễ bị đem đi đốt hoặc mang đến trưng bày ở các bảo tàng của Mỹ và Canada. 

Phải cho đến tận năm 1951, lệnh cấm này mới được xóa bỏ và may mắn thay tập tục này không bị mai một mà mất đi. Trong nhiều năm, người dân bộ tộc Tlingit và nhiều nhóm bản địa khác dần dần phục hồi lại các tập quán văn hóa của mình.

Mặc dù nghi thức tặng quà xa xỉ giờ đây đã không còn được như trước, nhiều người nói rằng sự cấm đoán suốt gần một thế kỷ đã khiến tập tục mất đi sự linh thiêng. Tuy nhiên, những người lớn tuổi vẫn luôn thích tập tục truyền thống ku.éex này. 

Dần được phục hồi

Thành phố Klawock là nơi vẫn còn giữ gìn truyền thống lâu đời này ở Alaska. Để đến được đây, du khách phải đi xuồng máy từ trung tâm du lịch Ketchikan, lướt qua khung cảnh mờ ảo, huyền diệu với bao nhiêu ngọn núi phủ đầy cây xanh, đỉnh núi bị che phủ bởi sương mù, bên dưới là dòng nước trong xanh sâu thẳm với đầy những chú cá voi lưng gù.

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ là bạn có thể đến với một ngôi làng của bộ tộc Tlingit với khoảng 900 người sinh sống, nằm ở phía Đông Nam của Đảo Prince of Wales. 

Người dân bản địa nơi đây thường tổ chức tập tục ku.éex trong 2-3 ngày vào mùa thu, cuối mùa đánh cá. Tổng cộng có khoảng 30 lễ ku.éex’ được tổ chức hàng năm dọc theo khu vực Đông Nam Alaska.

Không đến mức là phải mời quá nhiều khách, ăn uống linh đình trong nhiều ngày, tặng quà xa xỉ phẩm đến mức cạn kiệt tài sản, nhưng chủ nhà vẫn tặng những món quà vừa phải đủ để không cảm thấy mất mặt. Những món quà chủ yếu là chăn, xuồng, máy khâu, bột mì, ấm đun nước…

Tuy nhiên, giá trị quà tặng và tiền trao đổi giữa các thành viên trong gia tộc vẫn lên tới 2 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, ăn uống, nhảy múa, ca hát và các hoạt động giải trí khác vẫn được duy trì và bây giờ trở thành nét văn hóa thu hút khách du lịch khi tới đây. 

Người dân bản địa ở Alaska.
Người dân bản địa ở Alaska.

Trong nghi lễ sẽ có các món ăn như: món ốc măng tây giòn rụm, cơm rong biển cùng hàng chục đĩa cá hồi và cá bơn xông khói. Các món cá được sắp xếp theo hình dạng của một chiếc bánh và được phủ kem chua cùng hẹ tây. Toàn bộ cá bơn sẽ được ăn cùng với mayonnaise, tiêu chanh và tỏi theo đúng kiểu của nó. 

Món tráng miệng thường là bánh nhân quả dâu dại, được làm từ những trái mâm xôi và việt quất thơm ngon của địa phương. Điều đặc biệt là tất cả những món ăn trên đều được chính tay gia chủ chọn lựa hoặc đánh bắt rồi chuẩn bị, từ ốc, măng tây, rong biển và các loại hoa quả… cho thực khách sử dụng. Đây là cách họ thể hiện lòng hiếu khách khi có ai đó đến đây để tìm hiểu thêm về cộng đồng của họ. 

Nếu muốn tìm hiểu kỹ càng hơn nữa về nghi lễ này hãy tìm đến Ông Rosita Kaa háni Worl, chủ tịch Viện Di sản Sealaska, một tổ chức bảo tồn văn hóa, sáng tạo, ủng hộ và giáo dục cho các nghệ sĩ Alaska bản xứ. Ông Rosita sẽ giải thích ngọn ngành mọi thứ về tập tục này:

“Chúng tôi may mắn được sống trên một vùng đất đẹp tuyệt vời và dễ khiến người khác cảm thấy say lòng. Nơi đây là một khu rừng nhiệt đới đầy sức sống, nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, đặc biệt nguồn sống lớn nhất của chúng tôi là biển cả, biển cung cấp cho chúng tôi cá hồi, loại thực phẩm không thể thiếu trong đời sống. Cây cối cung cấp gỗ cho nghệ thuật xây tượng đài, nhà ở và xuồng để chúng tôi có thể thực hiện những chuyến đi xa, lênh đênh trên biển đi đến tận bang Oregon và khu vực phía Bắc”.

Tóm lại, những nghi lễ tặng phẩm xa xỉ này không chỉ là nét  văn hóa của người dân bản địa mà còn thể hiện sự gắn kết giữa kinh tế, xã hội, tôn giáo và chính trị. Theo như ông Worl thì “những buổi lễ mang con người đến gần nhau hơn, giúp tạo ra sự cân bằng giữa các bộ tộc, hội nhóm, gia tộc, dòng họ và tổ tiên của chúng tôi”. Nó làm hài hòa cấu trúc xã hội vốn đã phức tạp và thực sự đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng. 

Những bài hát, món ăn, hoạt động giải trí trong nghi lễ ku.éex đại diện cho nét văn hóa độc đáo có từ ngàn năm trước, giờ đây đang được nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Nhiệm vụ của người dân bản địa nơi đây là tiếp tục  bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của tập tục thú vị này. 

Đọc thêm