Nỗi lo thời 'bùng nổ' game show nhí

(PLO) - Game show dành cho người lớn đa dạng bao nhiêu thì hiện nay game show “nhí” cũng phong phú bấy nhiêu. Tuy nhiên những chuyện hậu trường của nó còn tốn nhiều giấy mực hơn.
Nhan nhản gương mặt nhí xuất hiện trên các game show truyền hình thời gian gần đây.
Nhan nhản gương mặt nhí xuất hiện trên các game show truyền hình thời gian gần đây.

“Bùng nổ” game show nhí

Tiên phong cho các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng nhí đầu tiên tại Việt Nam được kể đến là chương trình “Đồ Rê Mí”. Tuy nhiên, đánh dấu sự “bùng nổ” các sân chơi dành cho các nhân tố nhí phải nhắc đến “Giọng hát Việt nhí”. Sự thành công dành cho mọi thứ liên quan đến chương trình này, thậm chí đánh bại rất nhiều cuộc thi dành cho người lớn tại thời điểm hoặc cùng khung giờ đó.

“Giọng hát Việt nhí” mang lại thời kì hoàng kim cho nhà sản xuất bởi đến cả quảng cáo được cài cắm trong chương trình đó cũng có mức phí quá “khủng”. Nhiều nhà sản xuất đã thấy được tiềm năng to lớn của các sân chơi dành cho đối tượng này. Kể từ đó, liên tiếp các cuộc thi dành cho trẻ em ra đời, khai thác đủ mọi tài năng từ ca hát, nhảy múa, diễn xuất…

Và thường cái gì nhiều quá cũng sẽ khiến khán giả cảm thấy “nhàm” và khó lựa chọn. Những cuộc tranh cãi liên tục nổ ra xoay quanh chương trình nào hay hơn, dở hơn. Rồi thi thố, rồi sự kêu gọi khán giả đưa các em đến vinh quang nhưng liệu thành công có đến sau này mới là quan trọng? Liệu có quá nhiều tài năng nhí được tung hô trong mỗi game show ở chốn showbiz thị phi này? Liệu sau này các em có còn là “nguyên bản” như khi đăng quang nữa hay không?

Tuy nhiên, về phía nhà sản xuất, có lẽ doanh thu vẫn là ưu tiên hàng đầu nên khi các chương trình còn sinh lời, họ vẫn tiếp tục khai thác triệt để với sự ra đời lần lượt của “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”, “Vũ điệu đam mê”… Mới nhất có “Siêu nhí tranh tài” phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long (THVL).


Trong mùa thứ 3 của “Giọng hát Việt nhí”, khán giả dễ dàng nhận ra các thí sinh không còn độ “chất” như 2 năm trước đó. Không hề có “cơn gió lạ”  nào xuất hiện để đi sâu vào lòng công chúng. Với lẽ đó, nhiều người “khuyên và mong” chương trình nên tạm dừng 1 năm để có thể xuất hiện các nhân tố mới, nhưng chương trình vẫn tuyển sinh mùa 4 cách đây không lâu. Tương tự là chương trình “Người hùng tí hon” cũng vừa công bố thông tin tuyển sinh rộng rãi cho mùa thứ 2 khi mùa 1 vừa kết thúc vài tháng. 

“Vietnam Idol đi đến mùa thứ 6 và có dấu hiệu mất dần sự quan tâm của người xem, lập tức phiên bản “nhí” xuất hiện như một vị cứu tinh để làm nóng lại thương hiệu này. Nhiều thông tin cho biết, trong năm nay, đơn vị sản xuất cũng sẽ triển khai “X-Factor” phiên bản dành cho trẻ em dù phiên bản người lớn mùa đầu tiên cũng không hấp dẫn là bao.

Và dấu chấm hỏi đặt ra là làm thế nào để các chương trình dành cho trẻ em không đứng trước nguy cơ “bão hòa” về chất lượng lẫn số lượng người xem như một số chương trình người lớn khi sự ra đời của các game show chưa hề có dấu hiệu dừng lại?

Phải “tỏa sáng” để tồn tại

Tuy nhiên, dù người lớn hay trẻ em, sân chơi dành cho họ nhiều nhưng mỗi chương trình vẫn luôn có một lượng khán giả quan tâm cố định. Nhiều chương trình tổ chức thường niên nhưng lượng thí sinh không vì thế mà giảm đi. Nhiều người có thể vì năm trước lỡ hẹn hoặc bây giờ mới đủ mạnh dạn đi thi nên dù bị cho là “cũ” nhưng thí sinh dự thi vẫn rất hùng hậu.

Mở đầu năm 2016 là cuộc ra quân hàng loạt game show nhí, dự đoán cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt về thí sinh lẫn nhà sản xuất. Chưa bàn về kết quả của cuộc chạy đua đường dài này, nhưng chắc chắn người ta đoán được sự “vất vả” mà các nhà sản xuất sắp phải đối mặt nhằm tạo ra sự khác biệt cho riêng mình lớn đến cỡ nào.

Còn về phần thí sinh dự thi và gia đình, điều cốt lõi nhất ngoài việc tạo cho mình  cơ hội trải nghiệm thì tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức phát hiện. Cần một quá trình rèn giũa lâu dài, và con đường đi tìm bản năng thật của mình chứ không phải chỉ riêng ở cuộc thi là đủ, mà Thanh Bùi là một ví dụ điển hình. Anh xuất phát từ một thí sinh cuộc thi Idol của Úc. Nhưng phải mất đến 15 năm sau anh mới có thể thành công như hiện tại.

Nam nhạc sĩ chia sẻ, mọi thứ đều cần thời gian luyện tập, chuẩn bị và tìm ra được giá trị cốt lõi mà mình theo đuổi. Thế mới nói, chiến thắng rồi cũng sẽ thuộc về giây phút của quá khứ, chỉ có cố gắng mới có được tương lai./.

Đọc thêm