Phiến đá kỳ lạ, cứ xê dịch là làng "sinh chuyện"?

(PLO) - Phiến đá Cả ở làng Tiến Tiên, xã Tân Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) được người dân ví như “đá thần”. Có cụ già vô tình làm phiến đá bị lệch, đúng thời điểm trong làng có nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, cụ liền bị cả làng “ăn vạ”. Không chịu nổi áp lực dư luận, ông cụ phải thuê người dịch chuyển lại phiến đá về vị trí ban đầu, làm lễ linh đình tạ tội trước “thần đá”, mở tiệc “tạ lỗi” cả làng.
Được ngồi chơi hóng mát, nhưng làng tuyệt đối cấm di chuyển phiến đá
Được ngồi chơi hóng mát, nhưng làng tuyệt đối cấm di chuyển phiến đá
Truyền thuyết “bao vây” phiến đá lạ
Phiến đá nằm ngay ngắn, vuông vức bên đường thôn Tiến Tân, dưới tán cây lộc vừng tỏa bóng mát. Đá có chiều rộng khoảng 80cm, dài 120cm, dày 50cm. Phía dưới phiến đá có 5 vết lõm nhỏ được cho là vết bàn tay của “thần Sơn Tinh”.
Phiến đá này có từ khi nào không ai biết rõ. Ngay cả những cao niên nhất làng cũng chẳng thể xác định được. Theo cụ Hồ Văn Chuyên (84 tuổi), thì khi cụ còn là một cậu bé đã thấy phiến đá Cả. 
Hồi đó, cụ được các cụ già khác trong làng kể cho nghe câu chuyện về đá gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Phiến đá Cả ở làng Tiến Tiên là hòn đá cuối cùng Sơn Tinh cầm định ném đánh Thủy Tinh. Dấu tích còn lưu lại là dấu ngón tay của Sơn Tinh hằn trên phiến đá. 
Quan sát phiến đá sẽ thấy những chỗ lõm xuống đều nhau, giống dấu vết của ngón tay cầm.
Mặc dù đó chỉ là truyền thuyết, nhưng dân làng “ngại” phiến đá. Ông Nguyễn Văn Tư (55 tuổi, nhà gần phiến đá) cho biết hàng ngày ông thường xuyên túc trực để hễ có người lạ đến làng thì nhắc nhở họ tránh làm xê dịch phiến đá. Ông Tư nói: “Cứ lần nào phiến đá bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu dù chỉ là một chút là ở làng có “động”, lục đục sinh chuyện liền”.
Năm 1986, đường xá trong làng được làm mới, rất nhiều công nhân và máy móc được huy động, về dựng lều trại ăn nghỉ tại chỗ. Thấy phiến đá bằng phẳng lại to, công nhân tập hợp gần 20 người, khiêng phiến đá xuống bến sông để kê làm chỗ đứng giặt giũ quần áo. 
Vết lõm được người dân cho là vết tích ngón tay của thần Thủy Tinh
Vết lõm được người dân cho là vết tích ngón tay của thần Thủy Tinh 
Kê xong vài hôm sau, rất nhiều công nhân bất ngờ bị ốm. Nghe người làng kể chuyện, chủ thầu lập tức huy động công nhân khiêng phiến đá trở về vị trí cũ, đồng thời sửa lễ “tạ tội”. Bất ngờ hôm sau những công nhân bỗng dưng khỏe mạnh bình thường. 
Một câu chuyện khác vào năm 2008. Khi ấy mưa to ngập lụt khắp mọi nơi. Đến khi nước rút dân làng phát hiện phiến đá bị dịch chuyển, bẩn thỉu bùn đất. Ngay sau đó cả làng xảy ra dịch đau mắt. 
Người mê tín cho rằng “thần đá” ấm ức vì phải chịu bẩn ô uế thời gian quá lâu mà người dân không chịu để ý, lại còn bị dịch chuyển nên giờ cả làng bị “ngài” phạt. Dân làng tự động ra vệ sinh sạch sẽ cho “thần đá”, dịch lại vị trí cũ cho ngay ngắn. Không lâu sau thì cả làng hết dịch đau mắt. Đương nhiên là do thuốc, chứ không phải do đá, thế nhưng một số người mê tín vẫn tin.
Ngậm ngùi chịu làng bắt vạ vì làm lệch phiến đá
Vì cái sự mê tín đó, cụ Nguyễn Công Nghĩa (72 tuổi) từng bị cả làng bắt vạ do di chuyển phiến đá. Cụ bảo: “Đó chỉ là chuyện trùng hợp, vậy mà tôi phải “đền cả làng””. 
Trước đây việc qua lại giao lưu với các xã bạn rất khó khăn, phải đi bằng đò qua sông. Để việc đi lại được thuận tiện, cuối năm 2003, một cây cầu được xây dựng, người dân vô cùng phấn khởi. Cuối năm 2004, cây cầu gần hoàn thiện, chỉ cần chở đất lấp đầy hai bên chân cầu là người dân có thể đi lại. 
Muốn góp một phần công sức cho công trình, cụ Nghĩa nhận thuê xe, thuê người chở đất đến đổ. Quãng đường xe ô tô di chuyển luôn phải đi qua đoạn có phiến đá nằm ven đường. Tuy nhiên đường nhỏ, lại phải tránh xe cộ đi lại nên nhiều lần ô tô chở đất chạy áp sát phiến đá, khiến đá xê dịch.
Toàn cảnh phiến đá làng Tiến Tiên
 Toàn cảnh phiến đá làng Tiến Tiên
Đúng khoảng thời gian đó, trong làng xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn giao thông thương tâm. Thấy chuyện chẳng lành, người dân liền túm tụm lại quan sát phiến đá và phát hiện nó bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu 30 cm. Ngay lập tức những gia đình có tai nạn quả quyết chính vì phiến đá bị xe ô tô chở đất làm lệch vị trí, đổ hết lỗi cho cụ Nghĩa. 
Thế rồi theo lệ làng, cụ thuê mấy thanh niên to khỏe kê lại phiến đá, tốn bạc triệu sắm sửa lễ đến “tạ tội”, phải đãi cả làng  một trận ăn uống linh đình. 
Ông Nguyễn Trọng Tuyến, Trưởng ban văn hóa xã Tân Tiến chia sẻ, phiến đá Cả được dân làng coi là vật quý của địa phương. Mới đây các cụ cao niên đề xuất xây dựng miếu thờ phiến đá để hương khói cho dân làng thịnh vượng. 
Tuy nhiên, trên cương vị cán bộ quản lí văn hóa, là đơn vị trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo địa phương, Ban văn hóa xã không đồng ý. Ông Tuyến giải thích, chuyện về hòn đá Cả là những lời kể truyền miệng trong nhân dân, không có căn cứ khoa học: “Người dân đồn hòn đá có dấu hình như bàn tay của thần Sơn Tinh, tôi nghĩ đó chỉ là vết khuyết của một viên đá bình thường. 
Cả những chuyện xảy ra không may trong làng cũng chỉ là chuyện trùng hợp. Năm 2008 lũ lụt lớn, vấn đề vệ sinh không được đảm bảo dẫn đến dịch đau mắt cũng là lẽ đương nhiên. 
Còn việc cụ Nghĩa bị cả làng “bắt đền” là do cụ không chịu được áp lực dư luận nên tự ý “đền tội” để được sống thanh thản chứ không ai ép buộc”.

Đọc thêm