Tranh cãi sau vở múa “Sắc sắc không không” của Trần Ly Ly

(PLO) - Trong khuôn khổ liên hoan Múa đương đại Sự gặp gỡ Á Âu, ngày 26/9, khán giả TP HCM đã được xem hai vở múa “Vũ công Seismic” được dàn dựng bởi nghệ sĩ người Áo, Doris Uhlich và vở “Sắc sắc không không” do biên đạo Trần Ly Ly thực hiện.
Tranh cãi sau vở múa “Sắc sắc không không” của Trần Ly Ly

Hai vở diễn đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả yêu thích nghệ thuật múa tại TP HCM. Phần độc diễn của nữ nghệ sĩ Doris Uhlich kết hợp với điều chỉnh âm thanh của DJ Boris Kopeinig đã đem đến một kĩ thuật múa kì lạ so với các điệu múa đương đại thường thấy tại Việt Nam. Chỉ bằng năng lượng và âm thanh, Doris Uhlich đã tạo nên một hiệu ứng sân khấu sống động, kì ảo, tạo nên một vở múa đặc biệt và cũng khó cảm thụ đối với cả người trong và ngoài nghề.

Về phía Việt Nam, vở diễn “Sắc sắc không không” của Trần Ly Ly lại tạo ra một hiệu ứng hoàn toàn khác hẳn. Đây là vở diễn mà Trần Ly Ly chia sẻ là các nghệ sĩ đã rất khổ luyện. Một vở diễn về sự giằng xé trong nội tâm người đồng giới, được thể hiện bằng nghệ thuật múa đương đại. Có thể thấy rõ sự nỗ lực của các nghệ sĩ múa trên sân khấu, khi màn biểu diễn kết hợp cả nghệ thuật hình thể, ánh sáng, sắc màu, âm thanh, tiếng hát... với những phân cảnh từ êm dịu đến mạnh mẽ, gai góc, thậm chí dữ dội và cả bạo lực.

Tuy nhiên, với “Sắc sắc không không”, khán giả dường như chia ra hai luồng với những nhận định trái ngược nhau. Nhiều nhận định cho rằng, đây là một tác phẩm múa đương đại đầy thể nghiệm, dấn thân. Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, nhiều người cho rằng, vở múa đã “làm quá” về thân phận những người đồng giới. Những dằn vặt được thể hiện bằng uốn éo, quằn quại hình thể, những mâu thuẫn, tranh đấu thể hiện thông qua bạo lực, và nỗi đau trong tiếng kêu gào, tiếng hát dường như chỉ đập thẳng vào nhãn lực người xem chứ chưa thực sự chạm đến trái tim họ. Vẫn có một điều gì đó gờn gợn như sự phô trương về mặt cảm xúc hơn là vẻ đẹp toát ra tự nội tại vở diễn.

Được đặt bên cạnh vở múa “Vũ công Seismic” của nghệ sĩ người Áo nổi tiếng Doris Uhlich với màn độc diễn đầy nội lực và đẳng cấp, quả là một “thiệt thòi” cho các nghệ sĩ múa Việt Nam khi khán giả có thể so sánh về đẳng cấp nghệ thuật.  Tất nhiên, đây cũng là một dịp tốt để nghệ sĩ múa nước ta có thêm dịp để va chạm, học hỏi với những nghệ sĩ đến từ các quốc gia có nền nghệ thuật đã phát triển ở mức độ đỉnh cao. Khán giả ghi nhận ở các nghệ sĩ múa Việt Nam sự cháy hết mình với màn biểu diễn của mình.

Đọc thêm