Vị thánh tăng gây tranh cãi trong phim 'Tây du ký'

(PLO) -Xem bộ phim “Tây du ký” của Trung Quốc chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân, rất nhiều khán giả đã bất ngờ với hành động của hai vị tôn giả A Nan, Ca Diếp đối xử với thầy trò Đường Tăng. Cảnh trong phim mô tả hai vị tôn giả A Nan, Ca Diếp đòi thầy trò Đường Tăng hối lộ cái bình bát bằng vàng mới cho lấy kinh. 
Tượng thánh tăng A Nan tại chùa Bút Tháp - Bắc Ninh
Tượng thánh tăng A Nan tại chùa Bút Tháp - Bắc Ninh

Tại sao đã đạt đến cảnh giới La Hán mà hai vị hai vị  tôn giả A Nan, Ca Diếp lại còn có cái tâm tham tiền tài như vậy? Nhiều thế hệ khán giả xem phim đã cùng chung câu hỏi này và câu trả lời cũng gây tranh cãi không ít đối với các học giả.

Trước khi nói về câu chuyện phim và những tranh luận, thiết nghĩ cũng cần phải biết A Nan, Ca Diếp là ai, có vai trò như thế nào trong lịch sử phát triển Phật giáo và được thờ phụng như thế nào ở trong các chùa chiền. 

Người hầu cận tin cẩn của Phật tổ 

Theo lịch sử Phật giáo, Ma ha Ca Diếp là tổ sư đời thứ nhất, tôn giả A Nan là tổ sư đời thứ nhì. Bài báo này xin nói chi tiết về An Nan vì trong chùa ngài được thờ phụng dưới tên gọi Thánh tăng ở tiền đường.

A Nan hay còn gọi là A Nanda sinh năm 463 trước công nguyên trong một gia đình thuộc dòng dõi vương thất tại thành Vương Xá. Cha của A Nan, thân vương Suklodana và cha của Thái tử Tất Đạt Đa, người sau này trở thành vị Phật tổ lừng danh của nước Kapilavastu là hai anh em ruột. 

Vì vậy, xét về quan hệ huyết thống, A Nan là em họ con chú con bác với Phật tổ Thích ca. Tuy nhiên, dù tiếng là anh em nhưng Thái tử Tất Đạt Đa hơn người em A Nan của mình đến gần 20 tuổi.

Sau khi ngộ đạo, Phật tổ Thích ca trở lại thủ đô nước Kapilavastu. Khi nghe tin Phật tổ, vốn là người anh em họ với mình trở về Kapilavastu, từ thành Vương Xá, A Nan cùng 5 vương tử khác của dòng họ Thích ca quyết định sẽ theo Phật tu đạo.

Sau khi đã được Phật tổ Thích ca chấp nhận cho xuất gia, A Nan rất chuyên cần tu học, không ngại khó, ngại khổ. Chính vì đức tính chuyên cần này mà Phật tổ Thích ca rất yêu mến người đệ tử đồng thời cũng là người em họ của mình. Vì vậy, khi mới 20 tuổi, A Nan đã được Phật giao cho những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của giáo hội.  

A Nan luôn là người được lựa chọn đi theo Phật trong các chuyến du hành thuyết pháp ở khắp mọi nơi. Chính những ngày tháng sống kề cận bên Phật tổ Thích ca này đã giúp A Nan trở thành người được chính Phật Thích ca chỉ định làm thị giả mới cho mình.

Khi tin tức được truyền đi, các đệ tử kéo đến bên A Nan để chúc mừng. Tuy nhiên, A Nan nói ông không thể nhận nhiệm vụ đó được vì cho rằng vì bản thân là em họ của Phật tổ Thích ca nên ông không muốn mọi người nghĩ rằng, Phật Thích ca vì vậy mà ưu ái ông hơn.  

Sau khi các đệ tử khác thuyết phục mãi, A Nan mới đồng ý trở thành thị giả cho Phật tổ Thích ca với điều kiện không được ưu ái ông hơn so với những người đệ tử khác. Cũng từ đó, A Nan bắt đầu cuộc sống 25 năm làm người hầu cận gần gũi nhất của đức Phật. 

Người có công với ni giới

A Nan – dù là vị thị giả của Phật tổ Thích ca nhưng ông đã gặp không ít chuyện rắc rối… với phụ nữ. Một trong những rắc rối đó, theo lịch sử Phật giáo, là nguyên nhân đã khiến cho phụ nữ được chấp nhận xuất gia và gia nhập giáo hội.

Theo giới luật của giáo hội khi đó, nữ giới không được phép xuất gia và gia nhập tăng đoàn. Tuy nhiên, những người phụ nữ đầu tiên đến xin được xuất gia lại không ai khác mà chính là mẹ kế của Phật tổ - Thái hậu Gotami. 

Chuyện là sau khi vua Tịnh Phạn, cha của Phật tổ Thích ca qua đời, Thái hậu Gotami đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định đến xin Phật tổ cho phép mình được xuất gia. Tuy nhiên, cả ba lần Thái hậu đến thỉnh cầu, Phật tổ Thích ca đều từ chối, dứt khoát không chấp thuận. 

Sau đó, để tránh việc bị Thái hậu Gotami liên tiếp đến cầu xin, Phật Thích ca đã rời bỏ thành phố Kapilavastu để sang thuyết pháp một thành phố khác là Vesali. Dù bị Phật tổ Thích ca ba lần từ chối, Thái hậu Gotami vẫn không bỏ cuộc.  

Bà tập hợp hơn 500 phi tần mỹ nữ của Vu Tịnh Phạn, tất cả cạo tóc, cùng nhau đi bộ tới thành Vesali. Khi đến được tu viện, nơi Phật tổ Thích ca đang thuyết pháp thì trời đã tối. Vì không quen đi bộ, nên cả 500 người đều mệt rã rời, hình dung tiều tụy nên họ không dám vào tu viện gặp Phật mà chỉ quanh quẩn ở bên ngoài. Đúng lúc đó thì A Nan bắt gặp. 

Nhìn cảnh những người phụ nữ tiều tụy vì gió bụi của chặng đường khổ cực chỉ vì cầu đạo, A Nan đã hứa với Thái hậu Gotami rằng mình sẽ thuyết phục Phật Thích ca chấp nhận lời thỉnh cầu của họ. 

Sau rất nhiều những lời lẽ tranh luận cũng như cầu khẩn, cuối cùng, A Nan cũng khiến Phật Thích ca phải gật đầu đồng ý để thành lập Tỳ kheo ni, chấp nhận việc nữ giới xuất gia và gia nhập giáo hội….

Như đã nói trên, nhờ công thuyết phục, cầu khẩn của A Nan mà Phật Thích ca gật đầu đồng ý để thành lập Tỳ kheo ni, chấp nhận việc nữ giới xuất gia và gia nhập giáo hội. Do đó A Nan được thờ nhiều trong các chùa ni (nhà tu hành là phụ nữ) như một vị có đức lớn lao đối với ni giới. 

Theo bài viết trên Tạp chí văn hóa Phật giáo số 60 của tác giả Quảng Chơn - một tu sĩ Phật giáo - thì các chùa Việt Nam, đặc biệt là các chùa ở miền Bắc, ngài A Nan được thờ với ba chức năng. 

Thứ nhất, ngài được kính ngưỡng là vị thị giả của Phật, đồng thời là vị Tổ sư thứ hai trong Thiền tông. Đối diện bên kia là ngài Ca Diếp, vị Tổ sư thứ nhất của Thiền tông Ấn Độ. 

Về chức năng thứ hai, ngài A Nan được thờ như một vị có đức lớn lao đối với ni giới vì trong truyền thống ni giới, các vị tỳ kheo ni nhớ công ơn ngài A Nan có lòng cầu khẩn với Đức Phật cho nữ giới được xuất gia, do vậy các bậc Ni trưởng đã lập tượng ngài thờ ở Tổ đường. 

Về chức năng thứ ba, ngài A Nan được gọi là Thánh Tăng và được thờ cùng với tượng Đức Ông Cấp Cô Độc (theo kinh điển và văn chương Phật giáo đây là vị Thánh bảo hộ trẻ thơ và là người bạn tốt cho những kẻ nghèo nàn cô thế và là một vị đệ tử tại gia nổi tiếng của Đức Phật) hai bên phải và trái của tiền đường. 

Bàn thờ ngài A Nan thường thường đặt phía bên trái (phía Tây), còn bàn thờ của ngài Đức Ông Cấp Cô Độc đặt phía bên phải (phía Đông) của tiền đường.  

Vì sao A Nan được thờ ở tiền đường, theo lý giải của tác giả Quảng Chơn vì ngài là người cứu độ cho các oan hồn, các cô hồn và các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn và được tôn thờ như một vị Thánh tăng độ kẻ ở cõi âm nên khi các chùa cúng thí thực vào mỗi buổi chiều, các loài quỷ đói khát khổ sở này chỉ có thể đến bàn thờ ngài A Nan để nghe kinh, nhận thức ăn và nước uống, và không được đi vào điện Phật nơi thờ các vị Phật và Bồ Tát. 

Nhân vật gây tranh cãi

Quay lại với câu chuyện trong bộ phim “Tây du ký” có cảnh mô tả hai vị  tôn giả A Nan, Ca Diếp đòi thầy trò Đường Tăng hối lộ cái bình bát bằng vàng mới cho lấy kinh. Tại sao đã đạt đến cảnh giới La Hán mà hai vị hai vị tôn giả A Nan, Ca Diếp lại còn có cái tâm tham tiền tài như vậy? Câu hỏi này đã ám ảnh nhiều thế hệ khán giả xem phim và cũng gây ra không ít tranh luận giữa các học giả trong và ngoài Phật giáo.

Bình luận về vấn đề này, tác giả Hạnh Nhân trong bài viết đăng tải trên website vuonhoaphatgiao cho rằng, khi xem bộ phim đa phần khán giả chỉ thấy chân kinh mà thầy trò Đường Tăng đã trải qua bao vất vả mới lấy được đã bị tráo đổi thành kinh vô tự (kinh không có chữ) vì sự tham lam của A Nan và Ca Diếp.

Nhưng thẳm sâu vào ý nghĩa của bộ phim thì không phải như thế, mà nó chuyển tải một trí tuệ siêu việt của Phật giáo. Cụ thể, có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao kinh không có chữ? Kinh không chữ ở đây muốn nói lên điều gì? Tại sao bốn thầy trò Đường Tăng lại bị nhận kinh không chữ? 

Kỳ thực, kinh không chữ ở đây muốn nói lên, Tam Tạng chưa thâm nhập vào Phật tánh được, vì Đường Tăng vẫn còn bị các pháp của thế gian ràng buộc, vẫn còn cho bát vàng là quý, là kỉ vật của vua Đường ban tặng. Việc này cũng như khi nhận được chân kinh mà không hiểu giáo nghĩa của chân kinh, thì cũng như nhận những trang giấy trắng mà bốn thầy trò Đường Tăng đã nhận. 

Nhưng A Nan và Ca Diếp đã không dừng lại ở đó mà các ngài đã làm tròn trách nhiệm của mình: là khai ngộ cho bốn thầy trò Đường tăng, bằng cách làm cho bốn thầy trò Đường Tăng không còn sở chấp, không chấp có mà cũng không chấp không, không còn vật giữ và cũng không còn vật để giữ. Điều này đã thể hiện qua sự trao đổi bát vàng để đổi lấy chân kinh. 

Chánh pháp là như vậy, buông xả bát vàng nghĩa là không còn bị ràng buộc của các pháp thế gian, nên đã đi sâu vào Phật tánh và Đường Tam Tạng nhận được chân kinh chính là sự giác ngộ của mình. Vấn đề trao đổi chân kinh là như vậy. 

Đọc thêm