Thi ĐH năm nay: Khả năng trúng tuyển cao, đăng ký gian lận "hết cửa"

(PLO) - Điều này được đại diện các trường tuyển sinh theo nhóm khẳng định trong buổi công bố phương án tuyển sinh theo nhóm trường hôm qua (7/4).
Thi ĐH năm nay: Khả năng trúng tuyển cao, đăng ký gian lận "hết cửa"

Ngày 22/4 chốt thành viên tuyển sinh theo nhóm trường

Nhóm 10 trường đại học (ĐH) (bao gồm ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Xây dựng; ĐH Ngoại thương; ĐH Thủy lợi; ĐH Giao thông vận tải; ĐH Mỏ-Địa chất; ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Công nghệ Giao thông vận tải) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm do trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì đã tổ chức họp báo chính thức công bố lấy tên là “Nhóm trường GX”.

Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, điều kiện để tham gia tuyển sinh chung là các trường trong Nhóm phải xét tuyển chung một phương thức chung của nhóm: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và phải cam kết tuân thủ đề án này. Thời hạn chốt số thành viên tuyển sinh theo nhóm trường là ngày 22/4. Như vậy các trường ngoài công lập cũng có thể tham gia đề án xét tuyển nhóm, chỉ trừ những trường xét tuyển bằng học bạ THPT.

Về việc xét tuyển, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Khác với việc đăng ký vào các trường ngoài nhóm, thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm trường có thể đăng ký trực tiếp với trường, bên cạnh phương thức đăng ký trực tuyến, đăng ký qua dịch vụ chuyển phát nhanh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh có thể đăng ký tới 4 trường vào 4 ngành đào tạo trong nhóm thay vì chỉ được đăng ký 2 trường ngoài nhóm. Thí sinh sẽ có mẫu đăng ký riêng nhưng chỉ thay đổi một ít về phương thức xét tuyển 4 nguyện vọng theo thứ tự…”.

Khống chế được chuyện “ăn gian”

Với câu hỏi, “trường hợp thí sinh gian lận, đăng ký hết nguyện vọng trong nhóm nhưng vẫn đăng ký ở trường ngoài thì phải xử lý ra sao?”, PGS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định: “Trường hợp thí sinh “ăn gian” nộp vào 4 trường thì phần mềm xét tuyển chỉ nhập 2 trường thôi, như thế chắc chắn thí sinh sẽ bị thiệt. Chuyện thí sinh gian lận như trên, chúng tôi hoàn toàn khống chế được”.

Ông Nghĩa cũng thừa nhận khó khăn cho việc chọn 2 trường vào 4 ngành trong đợt 1 là phát sinh ảo vì trúng tuyển cả 2 trường thì không biết thí sinh vào trường nào, mặc dù việc này đem lại nhiều lợi thế cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành yêu thích.

“Trước đây các trường đã phải xử lý ảo dù vô cùng khó. Bộ đã đưa ra cách xử lý ảo khi trong phiếu đăng ký, học sinh phải đăng ký kèm theo trường nào, dù không triệt để” - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết.

Đọc thêm