TP Hồ Chí Minh ngưng nhập lợn từ các tỉnh phía Bắc

(PLVN) - Do giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc đang giảm nên có tình trạng lợn miền Bắc đưa vào miền Nam tiêu thụ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi rất lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nhất nước.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh minh họa
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh minh họa

Thông tin tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 2 của UBND TP Hồ Chí Minh vào hôm nay (5/3), ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc và có nguy cơ xâm nhập các tỉnh phía Nam, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các lò mổ ngưng nhập lợn từ các tỉnh phía Bắc, chỉ nhập từ những vùng an toàn như miền Tây, Đông Nam Bộ.

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. 

Do giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc đang giảm nên có tình trạng lợn miền Bắc đưa vào miền Nam tiêu thụ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch rất lớn đặc biệt là TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nhất nước. “Vừa rồi các đơn vị chức năng đã phát hiện 300 con lợn từ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình di chuyển qua TP Hồ Chí Minh đi về Vĩnh Long, nhưng qua kiểm tra thì không về Vĩnh Long mà được đưa đi đâu đó, không loại trừ số lợn này được mổ lậu ở TP Hồ Chí Minh”, ông Trung cho hay.

Theo Chi cục Thú y và chăn nuôi TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng gần 800 tấn thịt lợn, trong đó số lợn được nuôi tại thành phố chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu của người dân, số còn lại đến từ các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Long An. 

Thời gian gần đây, do giá thịt lợn phía Nam cao nên lợn từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào miền Nam tiêu thụ cũng rất nhiều. Theo đó, từ ngày 15/2 đến ngày 26/2, chỉ tính riêng các cơ sở giết mổ của thành phố đã tiếp nhận 1.497 con lợn từ các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An nhập về để giết mổ, tiêu thụ. Nguồn lợn từ các tỉnh thành phía Bắc còn được tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Vĩnh Long (300 con/ngày), Long An (khoảng 800 con/ngày)... Quá trình dịch chuyển nguồn lợn từ miền Bắc vào Nam sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Phước Trung cũng cho biết thêm, dù hiện nay TP Hồ Chí Minh chưa tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc nhưng ngành nông nghiệp Thành phố vẫn phải đưa ra giả định có tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc để đưa ra những giải pháp tốt hơn, mạnh hơn và kỹ lưỡng hơn. 

Theo đó, Sở NN&PTNT Thành phố đã tăng cường lực lượng kiểm soát tại các trạm đầu mối giao thông và các trục giao thông kết nối với các tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ, chế biến, chợ đầu mối chợ lẻ để đảm bảo nguồn thịt nhập vào phải có nguồn gốc rõ ràng; yêu cầu các quận huyện tăng cường công tác kiểm soát tình trạng giết mổ trái phép.