Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ra tại Huế, xuất gia và thành danh là một thiền sư để trở thành một trong những trụ trì từ chính ngôi chùa này. Cũng vậy mà dù ra đi ở phương trời nào, ông cũng đau đáu trở về chốn tổ, dù mình đã trở thành một vị lãnh tụ Phật giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, nhất là ở phương Tây.
Thành tựu của ông hẳn không cần phải viết nhiều, nhưng những chân giá trị trong tư tưởng Phật giáo nhập thế đã và đang tạo ra những ứng xử hướng con người vào cõi thiện tâm, để định vị bản thân trong cõi sống ta bà đầy những bất trắc âu lo.
Và chưa cần nói đến tu tập, những ai tiếp cận đến các tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì đều thấy một phần đời nổi nênh của mình trong đó, để soi rọi thật sâu vào tâm thức mình mà ứng xử, mà sống cho trọn vẹn với sự tỉnh thức của hai tiếng: CON NGƯỜI.
Trong thời đại hiện nay, khoa học công nghệ, mạng xã hội và tất cả những mặt trái của nó kéo theo con người vào những vòng xoáy tha hoá. Đó là sự nóng giận, là hận thù, là vô cảm, là sống gấp, là hàng loạt biểu hiện của bất an từ tâm. Vậy nên chánh niệm trong quan niệm giáo dục của thiền sư Thích Nhất Hạnh là chìa khoá mở ra sự bình an cho con người trong hoá giải tất thảy sự tha hoá đó.
Và chánh niệm trong đạo Phật là một sự thức tỉnh bản thân, là sự quán chiếu vào chính mình trong thực tại một cách rõ ràng, vô tư, để hòa hợp với chính mình và thế giới xung quanh. Nghĩa là một trạng thái thức tỉnh để nhận thức thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta một cách minh triết nhất. Sự nhận thức ấy như tinh chất khai mở và chỉ dẫn tâm trí, trong một trạng thái thấm đẫm chất thiền.
Cũng vì vậy mà chánh niệm là một phẩm chất của thiền, thậm chí nó được xem là “trái tim của thiền tập”, là trụ cột trong minh triết Phật giáo. Sự chánh niệm quan trọng nhất chính là nhận thức về bản thân mình, để thức tỉnh nguồn năng lượng vô tận trong mình nhằm giải quyết một cách có hiệu quả những vướng mắc từ đời sống mang lại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rất nhiều về chánh niệm trong các pháp thoại của mình. Đó là một sự nhận thức sâu sắc, dễ hiểu nhưng cũng không dễ thực hành chánh niệm.
Thiền sư giảng: “Chánh niệm là vị trụ trì của ngôi chùa. Bốn lĩnh vực của quán niệm, thứ nhất là thân thể. Thân thể ta đang làm gì, có gì đang xảy ra cho cơ thể ta, ta phải biết. Thứ hai là cảm thọ. Khi nào có vui, buồn, hoặc sợ, chán hay giận thì chúng ta đều biết. Ta nhận diện các cảm thọ đang diễn ra, không cần làm gì khác. Và chánh niệm chính là khả năng nhận diện được cái gì đang xẩy ra trong giờ phút hiện tại. Hai lãnh vực vừa kể gồm những hiện tượng trong thân thể và trong cảm thọ. Tiếp theo là lãnh vực các tâm hành và cuối cùng là lãnh vực những đối tượng của tâm hành.
Chúng ta cần hiểu chánh niệm là năng lượng giúp chúng ta nhận diện được những gì đang xảy ra trong bốn lĩnh vực: thân, thọ, tâm và pháp. Chỉ cần nhận diện thôi, không cần phải làm gì khác. Thực tập chánh niệm bắt đầu bằng sự nhận diện một cách thuần túy tất cả những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta.
Nhận diện mà không cần phê phán. Không cần nghĩ rằng điều đang xảy ra là đáng buồn hay đáng vui. Bông hoa tươi thì biết là bông hoa tươi, bông hoa héo thì biết là bông hoa héo. Tâm đang giận hờn thì biết đây là nỗi giận hờn đang ở trong ta. Không cần phải công phá, không cần phải đè nén. Bí quyết của sự thực tập là ở chỗ này…”.
Cũng từ những nhận thức luận này, mà khái niệm “quyền lực” đích thực trong tâm niệm của thiền sư cũng không phải là quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế, mà đó là quyền năng của một thứ năng lực mềm có tên là chánh niệm. Thích Nhất Hạnh cho rằng: “Chánh niệm mới là nền tảng cho những hành động phản ảnh quyền lực đích thực”. Vậy nên nó cần được khơi gợi và rèn dũa trong nhu cầu tự thân của mỗi một con người hiểu đạo để đối diện với từng khoảnh khắc nội tâm để xoá bỏ hận thù, tiêu tan tức giận để đến bến bờ của an lạc và hạnh phúc. Một đích đến quan trọng và đáng mơ ước của tất thảy những kiếp nhân sinh trong cõi sống ta bà này.
Năm nay thiền sư đã bước vào tuổi 93, sức khoẻ cũng đã yếu nhiều. Hồi tháng 8 năm 2017, thiền sư về lại Tổ đình Từ Hiếu ở Huế để tịnh dưỡng và chữa bệnh. Tâm nguyện của ông sẽ ở những ngày cuối đời tại nơi mà mình thành đạo. Điều gây bất ngờ đến hôm 28 tháng 11 vừa rồi, ông lại cùng các môn đệ của mình rời Từ Hiếu để qua Làng Mai Thái Lan.
Nhiều người băn khoăn thiền sư chọn nơi ra đi là nơi để trở về, sao lại qua Thái Lan vào thời điểm này? Bạn đọc hãy yên tâm rằng với những bậc minh triết, tri thiên mệnh như thiền sư hẳn sẽ biết cái đích của những cuộc đi về như đã thông tường lẽ tử sinh trong cuộc đời này.
Còn theo thông tin của chư tăng ở Tổ đình Từ Hiếu thì thiền sư sẽ qua Làng Mai Thái Lan tầm một tháng rồi sẽ quay về. Hành trình của thiền sư Thích Nhất Hạnh là hành trình của chánh niệm, hành trình của những thứ quyền lực cao siêu nhất mà con người không phải ai cũng dễ nhận ra…