Thiêng liêng tiếng chuông nơi Thành cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tiếng chuông len vào cỏ cây, ngấm vào thớ đất, viên gạch, quện vào dòng sông Thạch Hãn, vọng về từ ký ức hào hùng vùng cỏ cháy. Tiếng chuông nhắc mỗi người đến thăm: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/… Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng” (thơ Phạm Đình Lân).
Toàn cảnh Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Toàn cảnh Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Quảng Trị - mảnh đất khắc ghi nỗi đau, sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ là điểm hẹn tâm linh, điểm đến tri ân mà còn là hiện thân, nơi hội tụ của khát vọng hòa bình. Những ngày tháng 7 này, Thành cổ Quảng Trị lại đón những đoàn người từ khắp mọi miền về dâng hương, thả hoa tưởng nhớ, tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong mùa hè đỏ lửa 1972.

Mỗi tấc đất một cuộc đời có thật

Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử như bản hùng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung. Biết bao người đã ngã xuống trên mảnh “đất thiêng”. Những chiến sĩ phần lớn ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đã mãi mãi để lại thanh xuân nơi dòng Thạch Hãn, in hình vào sóng nước, viết nên “Khúc tráng ca Thành cổ”.

Từ năm 1809 đến năm 1945, Thành Quảng Trị là tiền đồn bảo vệ kinh đô Phú Xuân từ phía Bắc. Hiệp định Genève năm 1954 đã chia đất nước thành 2 miền Nam - Bắc tại Vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị. Khiến nơi đây thành tuyến lửa của cuộc trường chinh vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước...

Đầu năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là hướng tấn công chủ yếu. Đến tháng 5/1972, quân ta đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Từ giữa tháng 6/1972, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công quyết định là khu vực Thành cổ. Đây được xem là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.

Trong 81 ngày đêm, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B.52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm, khu vực Thành cổ diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu tới 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố của Nhật Bản trong thế chiến thứ II.

Thế nhưng, trong suốt 81 ngày đêm - tương đương gần 2.000 giờ đối mặt với sức hủy diệt khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sỹ - những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Và dòng Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong lúc vượt sông vào Thành cổ.

Sau ngày đất nước thống nhất, Thành cổ Quảng Trị trở thành di tích đặc biệt, ghi dấu một trận chiến lịch sử và là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ. Dù các anh đã đi xa, nhưng hồn thiêng vẫn còn “mãi ngàn năm”.

Đêm hoa đăng trên dòng Thạch Hãn

Sau 51 năm, quê hương Quảng Trị được giải phóng, dấu tích của quá khứ cái còn, cái chìm khuất nhưng những bài học lịch sử, cái giá của chiến tranh để có được hòa bình, thống nhất vẫn mãi mãi được khắc ghi.

… Dòng Thạch Hãn vẫn xanh ngăn ngắt trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Nhiều thành phố, thị xã cũng có dòng sông bao quanh, nhưng có lẽ ít ở nơi đâu, cạnh dòng sông lại có những đài tưởng niệm, những điểm thả hoa đăng, có tiếng chuông nguyện hồn vào ngày rằm, mồng một hay những dịp lễ, Tết như tại Quảng Trị.

Những ngọn đèn hoa đăng bày tỏ lòng tri ân, tưởng niệm các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. (Ảnh: Hùng Trần)
Những ngọn đèn hoa đăng bày tỏ lòng tri ân, tưởng niệm các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. (Ảnh: Hùng Trần)

Định kỳ tổ chức vào ngày 14 âm lịch hằng tháng, đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn là dịp để người dân địa phương và cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, trở thành nét độc đáo trong văn hóa tâm linh ở vùng đất thiêng Quảng Trị. Riêng trong tháng 7 - tháng tri ân, đêm hoa đăng thường xuyên được tổ chức, người dân cả nước về đây, kính cẩn nghiêng mình, thắp một nén hương, ngọn nến, thả một nhành hoa trên sông Thạch Hãn để tri ân những người con đã ngã xuống vì non sông đất nước.

Khi thời khắc thả hoa đăng điểm bằng tiếng chuông thánh thót giữa không gian, từng nhóm du khách lần lượt thả hoa đăng xuống dòng Thạch Hãn. Cứ mỗi đêm về, hàng nghìn đèn hoa đăng mang theo tình cảm, lòng tri ân nối nhau thắp sáng dòng sông Thạch Hãn.

Miền cỏ cháy đã tươi xanh sắc lá

Đài chứng tích trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, bến thả hoa… gợi lên bao điều sâu lắng về quá khứ bi tráng, làm dịu đi vết thương chiến tranh, xóa bỏ chia cách, hận thù vì một dân tộc luôn đề cao nhân nghĩa, hòa hợp, yêu chuộng hòa bình. Vùng đất của bom đạn trở thành một thị xã tươi xinh, yên ả trong nắng gió miền Trung.

Trong hình dung của tôi, thị xã Quảng Trị hôm nay chính là một khúc ca hòa bình. Ai từng có mặt ở đây những năm bom đạn không khỏi ngỡ ngàng khi trở lại mảnh đất nắng gió dữ dội này. Miền cỏ cháy đã tươi xanh sắc lá. Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày. Hạnh phúc bây giờ là bài ca xây dựng cuộc sống mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Một góc Thị xã Quảng Trị hôm nay. (Ảnh: Trang TTĐT TX Quảng Trị)

Một góc Thị xã Quảng Trị hôm nay. (Ảnh: Trang TTĐT TX Quảng Trị)

Tháng 7 lắng đọng những cung bậc tình cảm, biết ơn, thiêng liêng, để mỗi bước chân nơi Thành cổ lại dặn mình: Phải làm gì để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước anh linh các anh hùng liệt sỹ? Làm gì để góp phần sưởi ấm, xoa dịu những mất mát, hy sinh của gia đình người có công, để đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” luôn ngời sáng, để Quảng Trị tươi xanh đầy sức sống?

Có đến Quảng Trị, mới cảm nhận hết sự bi tráng của dòng Thạch Hãn, nơi an nghỉ của các chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị đã hy sinh để “có tuổi 20 thành sóng nước, vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Các anh đã hóa thân vào màu xanh của hoa lá nơi Thành cổ, tan vào dòng nước trong xanh sông Thạch Hãn để luôn chở che và tắm mát.