Thiếu nữ mồ côi lấy sự bao dung mong cảm hóa 3 anh em lầm lỗi

(PLO) - Mỗi tháng, Như có 4 ngày được nghỉ. Như không chọn thứ 7 hoặc chủ nhật để đi chơi, mua sắm như người khác mà chọn ngày có xe lên trại giam để thăm gặp anh thứ ba và chọn ngày ghé thăm đứa em kế. Còn anh thứ hai, đang trong quá trình điều tra nên chỉ được phép gửi đồ ăn. 
Như (bên phải) và luật sư chỉ định bào chữa cho em trai Như
Như (bên phải) và luật sư chỉ định bào chữa cho em trai Như

Như gửi cho các anh, em một ít đồ ăn đặng họ không tủi thân. Quà của Như, gồm cả tình thương của một người em, một người chị và cả những hi vọng gửi gắm, hi vọng các anh em hoàn lương khi trở về.

Như chia sẻ, có lẽ không ai dám có tình cảm với em, bởi nghe hoàn cảnh, lý lịch “trích ngang” của gia đình em, có lẽ người ta đã “sợ chạy mất dép”. Như nói: “Mấy năm nay tự em lo hết mọi chuyện. Thế nên, quen rồi, khổ đến mức như em là cùng”.

Bé gái mồ côi thay mẹ nuôi em

Sáng 22/11, hội trường phiên tòa hình sự quận 1 (TP HCM) lặng đi khi luật sư phía bị cáo nhắc đến hoàn cảnh của em Huỳnh Thị Huỳnh Như (SN 1996, quê huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Như đến phiên tòa với tư cách là người giám hộ cho đứa em chưa đủ tuổi vị thành niên. Em của Như là một trong những bị cáo bị truy tố về tội “cướp tài sản” có tổ chức, có hung khí nguy hiểm. Ngoài đứa em trai mới ra tòa, hai anh của Như cũng phạm tội, người đã được tuyên án, người còn tạm giam.  

Như sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê sông nước miền Tây, có 5 anh chị em. Hai anh trai lần lượt sinh năm 1994, 1995, tới Như, đứa em sinh năm 1999 và em nhỏ mới 6 tuổi. Vì  nghèo, vì mưu sinh, cha mẹ Như dìu dắt các con lên Sài Gòn tìm việc làm.

Giữa chốn thị thành, các anh, em của Như sa vào cạm bẫy, trở thành tội phạm. Khi ấy, Như vừa học hết lớp 3 đã phải nghỉ ngang theo cha mẹ lên Sài Gòn phụ giúp công việc kiếm tiền. Cuộc sống có lẽ cũng không đến nỗi khốn khó khi cha mẹ Như tìm được việc, hai anh lớn cũng làm ra tiền.

Được vài năm, cha mẹ dắt Như về quê và năm 2008 sinh con út. Biến cố gia đình bắt đầu từ đây. Năm ấy, Như mới 14 tuổi, đứa em mới được đôi ba tháng, mẹ Như qua đời từ một cơn bạo bệnh. Nỗi buồn mất mẹ chưa tan, cô bé trở thành người phụ nữ duy nhất trong gia đình lo toan vun vén cho người cha và các anh em trai.

Cha Như ở vậy nuôi con được một thời gian ngắn rồi lấy vợ mới ở tận Lâm Đồng khi đứa con út còn ẵm ngửa. Người cha đi mãi không về, chỉ đôi ba lần gọi điện hỏi thăm. Nhà chỉ còn Như, đứa em kế và đứa em chưa tròn 1 tuổi. Như trở thành mẹ, thành cha trong gia đình.

Mãi ở nhà nuôi các em, không còn tiền trang trải, nghe người anh thứ hai nói có thể xin việc được cho mình, khi ấy, đứa em mới tròn 1 tuổi, Như bế em đến nhà cô ruột gửi, nhờ trông nom. Thương em, sợ em còn nhỏ quấy khóc làm phiền mọi người nhưng cô bé đành gạt nước mắt đi làm. Năm đó, Như 15 tuổi dắt theo đứa em trai kế 12 tuổi lên Sài Gòn.

Như kể: “Đứa em còn nhỏ quá, em không nỡ xa nhưng biết phải làm sao. Hai anh mang tiếng đi làm trên Sài Gòn nhưng không phụ giúp được gì. Em phải kiếm tiền nuôi hai đứa em. May mà cô em chịu giữ em giúp, đặng em lên này làm kiếm tiền. Xót lắm, ngày đi, nước mắt em rơi không ngừng. Em thấy con đường mình đi như tối lại”.

Như tìm phòng trọ nhỏ, giá 1 triệu đồng một tháng, ở ngay một con hẻm phố Tây đường Bùi Viện (quận 1) nhỏ xíu. Hai chị em bắt đầu công việc. “Du di” cho cái tuổi 15 của Như, ông chủ một quán ăn trên đường Bùi Viện nhận cô bé vào làm nhân viên. Vừa mừng vừa lo, bởi công việc chủ yếu về đêm, tuổi nhỏ, sợ mình không kham nổi nhưng vì phải kiếm tiền nuôi em, Như chấp nhận tập quen dần.

Thường ngày, Như bắt đầu công việc từ 16h chiều đến tận 3h sáng hôm sau mới được về phòng. Em vùi vào giấc ngủ cho kịp hồi sức. Vốn tính ham học, em cố gắng trau dồi thêm vốn tiếng Việt và học được tiếng Anh “bồi” từ những người khách nước ngoài, giao tiếp ổn. Ông chủ cho em làm một chân thu ngân. Lương mỗi tháng 6 triệu, thêm tiền “bo”, cô bé đủ tiền trang trải, gửi về quê nuôi đứa em út. Nhưng bi kịch gia đình chưa dừng lại.

Những người anh, em lầm lỗi

Phiên tòa ngày 22/11 không phải là lần đầu Như dự tòa bởi từ anh hai, anh ba và đứa em kế đều phải vào tù. Như kể: “Anh hai em bị tâm thần có chứng nhận. Theo chúng bạn rồi đánh nhau với người ta nên bị tạm giam từ mấy tháng nay ở quận 8. Em chưa biết ngày nào ra tòa hoặc có ra tòa hay không. Anh ba em đã ra tòa, tuyên án phạt và đang đi trại ở tận Bình Phước về tội trộm cắp tài sản”.

Như tâm sự, trước khi đi tù, hai người anh này cũng nhiều lần làm khổ em gái. Cả hai không lo làm, mải ăn chơi như “kiểu con nhà giàu”. Lúc thiếu tiền, không trộm cắp được, hai người anh lại tìm tới em xin tiền. Mấy năm trước, anh ba Như lang thang, bị bắt vào Trung tâm bảo trợ xã hội, Như phải đứng ra bảo lãnh.

Đứa em kế Như, cùng làm một chỗ nhưng rồi cũng lêu lổng, cũng đua đòi, nghe theo lời bạn xấu tụ tập thành nhóm cướp tài sản. Cuối cùng, đứa em này và đồng bọn cũng sa lưới pháp luật. Như khuyên can nhiều lần, cố gắng kéo em về với con đường lương thiện, cố gắng dạy em cùng mình kiếm tiền dành dụm đôi chút về quê cất nhà để ở, vậy mà cuối cùng chỉ còn lại mình Như.

“Mấy lần trước ra tòa xử các anh, em đơn độc lắm anh ạ. Không có ai cùng đi, không có ai cùng ngồi gần. Em đến dự tòa, chứng kiến những bản án của các anh, em. Lần này, vì em trai chưa đủ tuổi vị thành niên nên người ta bố trí luật sư chỉ định. Gặp chị luật sư tốt bụng, chị tâm sự, giảng giải, em vui lắm. Nhưng tội em trai em nặng. Tòa tuyên tới 6 năm 6 tháng. Em dự định kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Chỉ mong sao những ngày ở trong trại, các anh em tìm lại được bản tính lương thiện, cải tạo tốt ra ngoài làm lại cuộc đời”, Như tâm sự.

Mỗi tháng, Như có 4 ngày được nghỉ. Như không chọn thứ 7 hoặc chủ nhật để đi chơi, mua sắm như người khác mà chọn ngày có xe lên trại giam để thăm gặp anh thứ ba và chọn ngày ghé thăm đứa em kế. Còn anh thứ hai, đang trong quá trình điều tra nên chỉ được phép gửi đồ ăn. Như gửi cho các anh, em một ít đồ ăn đặng họ không tủi thân. Quà của Như, gồm cả tình thương của một người em, một người chị và cả những hi vọng gửi gắm, hi vọng các anh em hoàn lương khi trở về.

Tại quán ăn nơi Như làm việc, cô gái cười chia sẻ hoàn cảnh gia đình và gần như suốt cuộc trò chuyện chưa một lần than thân trách phận. Hỏi Như về tương lai, cô gượng cười tâm sự: “Em không dám quen ai hoặc cho phép mình có tình cảm với một ai. Bởi em còn nhiều thứ để lo lắng lắm. Bây giờ, việc cần nhất là kháng cáo xin giảm nhẹ cho đứa em. Em chưa dám nghĩ đến chuyện gì khác. Công việc thì 4 năm nay, kể từ lúc lên Sài Gòn, em làm mỗi quán này. Ông chủ biết hoàn cảnh gia đình nên cũng thương và tạo điều kiện cho em. Em chỉ mong sức khỏe tốt, mong các anh, em trong trai cố gắng rèn lấy thân mình, trở về cùng em chí thú làm ăn. Đời không lẽ khổ suốt được sao? Em vẫn tin và hi vọng”.

Rồi Như chia sẻ, có lẽ không ai dám có tình cảm với em, bởi nghe hoàn cảnh, lý lịch “trích ngang” của gia đình em, có lẽ người ta đã “sợ chạy mất dép”. Như nói: “Mấy năm nay tự em lo hết mọi chuyện. Thế nên, quen rồi, khổ đến mức như em là cùng”.

Luật sư Hoàng Thị Thu, người bào chữa chỉ định cho em trai Như chia sẻ: “Bào chữa cho đứa em của Như, cả phòng xử án như đứng lặng và rưng rưng nước mắt khi tôi nhắc về hoàn cảnh của em. Em mới vừa tròn 20 tuổi nhưng giờ vừa làm mẹ, vừa làm chị của các ông anh, của em trai. Nay đi thăm anh ở trại này, mai thăm em ở trại kia. Cuộc sống tối tăm mịt mùng không tương lai...”. Luật sư Thu đã kêu gọi sự giúp đỡ của những mạnh thường quân có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ Như.

Đọc thêm