Thơ Thiền Việt Nam: Trời thu, lá úa, vọng niệm vô thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bài thơ “Cảnh mùa thu” của Thanh Sĩ (1928 – 1973) là viết theo thể thơ đường luật, vần bằng, tám câu. Với những câu tả cảnh đối nhau, tác giả giúp người đọc nhận thức rõ và sâu sắc về tính biến hóa vô thường ở vạn vật...
Thơ Thiền Việt Nam: Trời thu, lá úa, vọng niệm vô thường

Trong tác phẩm “Thơ thiền Việt Nam luận giải”, Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS. Phạm Thị Thanh Hương đã nhận định rằng, “Cảnh mùa thu” của Thanh Sĩ (1928 – 1973) là bài thơ được viết theo thể thơ đường luật, vần bằng, tám câu. Với những câu tả cảnh đối nhau, tác giả muốn người đọc nhận thức rõ và sâu sắc về tính biến hóa vô thường ở muôn vàn sự vật.

Nhận rõ sự được mất ở đời

Bài thơ không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận về cảnh quan hiện thực của cảnh trời thu, mà còn muốn nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng những vọng niệm khởi lên trong tâm cũng là vô thường. Khi nhận thức rõ cái vô thường rồi, nhận thức rõ cái thường còn nơi chính mình rồi thì chúng ta sẽ được an lạc thật sự.

“Nhìn cảnh trời thu con hỡi con

Lá xanh úa cả có đâu còn

Gió giông tới tấp cành xơ xác

Cát bụi phủ bao vẽ mối mòn

Tối đến thêm đầy mầu ủ rũ

Sáng ra càng ngập cảnh thon von

Nhưng đừng thất vọng ngay kia nhỉ

Còn gốc thì còn mọc lá non”

“Nhìn cảnh trời thu con hỡi con/ Lá xanh úa cả có đâu còn”.Nghệ thuật đặt câu cảm thán dẫn dắt người đọc đối nhìn vào trực diện. Thu đến, không còn lá xanh nữa, cái đập vào mắt chúng ta chỉ lá vàng và cành thì trơ trụi lá. Cái được, cái đã đến chỉ còn trong vọng niệm, hiện thực trước mắt là cái đã và đang mất, cái đang rời đi...

“Gió giông tới tấp cành xơ xác/ Cát bụi phủ bao vẽ mối mòn”càng xoáy sâu thêm hiện thực. Từ đó giúp người đọc có thể thấy rõ cái đến, cái đi, cái được cái mất ở trong cuộc đời này không chỉ là lẽ tự thân theo luật tự nhiên khi mùa thu đến, mà còn chịu sự ảnh hưởng, ràng buộc, đan xen bởi vô vàn yếu tố với trùng trùng duyên và nghiệp như “Gió giông tới táp cành xơ xác”, khiến cho người đọc không chỉ cảm nhận hình ảnh của cảnh trời thu mà còn khơi gợi ở người đọc những liên tưởng về quy luật nhân quả, về duyên và nghiệp trong cuộc sống.

Chúng ta nhận thức rõ vạn sự biến đổi không ngừng, không dừng, không dứt, không chỉ do quy luật tự nhiên, mà còn được tạo ra bởi những duyên nghiệp mà chúng ta tạo nên nữa. Nghiệp mà chúng ta tạo ra, nó như bụi che mất đường chúng ta đi, khiến chúng ta không biết đi đâu về đâu. Nghiệp mà chúng ta tạo ra hệ quả thì luôn hiện tiền trước mắt, nhưng luôn khiến chúng ta như đi trong bóng tối, vừa đi vừa phải tìm đường.

(ảnh minh họa).

(ảnh minh họa).

“Tối đến thêm đầy mầy ủ rũ/ Sáng ra càng ngập cảnh thon von”. Tác giả muốn cho chúng ta thấy đến tận cùng những gì mà ngài muốn chúng ta thấy. Khi chúng ta còn u mê, vọng tưởng với những cái được, cái mất thì cuộc sống như trong bóng tối, đầy bất an. Con người luôn loanh quanh với những được mất, với tham sân si với vọng tưởng và với những gì mà ta đang thấy và đang muốn...

Những cái mất đi không phải là mất hết. Bản thể đích thực của vạn vật là Vô ngã nên luôn còn cái thường hằng bất biến, không đến, không đi, không được không mất. Đó chính là tâm thiền ở trong mỗi chúng ta. Khi chúng ta có tâm thiền, ở chúng ta sẽ nở hoa trí tuệ. Đồng thời, từ bi sẽ dẫn lối giúp chúng làm gì cũng sẽ nên. Cũng như cây rơi rụng lá, trơ trụi cành dù do mùa thu, hay do giông tố, nhưng khi còn cái gốc thì lá sẽ lại mọc, hoa sẽ lại nở.

Do đó, ở câu kết tác giả viết: “Nhưng đừng thất vọng ngày kia nhỉ, Còn gốc thì còn một lá non!”. Tác giả bài thơ đã khẳng định, khi chúng ta nhận thức rõ về cái được, cái mất, cái vô thường và cái thường còn thì trong mỗi bản thể sự vật sẽ không còn buồn vui phiền não nữa, mà an nhiên tự tại trước vô thường đề sống với cái chân thật. Dù cuộc đời là vô thường, có rồi lại mất, hợp rồi lại tan, đó là lẽ thường nên đừng vướng mắc, bận lòng làm gì. Bởi bản thể của vạn vật là vô ngã, cái thường còn luôn hiện hữu, không đến, không đi, không hợp, không tan...

Bài thơ với nghệ thuật sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc và kết cầu chặt chẽ, với phương pháp tả thực, so sánh, ân dụ đan xen... đã làm cho bài thơ chất chứa nhiều lớp nghĩa. Mỗi lớp nghĩa được bóc tách thì chân lý càng hiện rõ dội thẳng vào tâm thức của chúng ta về hiện thực.Những ý nghĩa ấn dụ trên cơ sở của việc tả thực có mối quan hệ biện chứng sâu sắc, nhưng ẩn dụ trong các lớp ý nghĩa là chân lý mà tác giả muốn nói đến dường như vẫn có một thế giới và đời sống riêng thoát lên khỏi ngôn từ.

Ngài Thanh Sĩ là ai?

Thanh Sĩ (1928 - 1973) tên thật là Trần Duy Nhất, đạo hiệu Thanh Sĩ, sinh ra trong mộ gia đình khá giả tại ấp Phú Thạch, làng Phú Lăng, huyện Châu Thành, tỉnh Sa đéc miền Nam Việt Nam. Cha là Chế Văn Hương là xã trưởng làng Phú Lăng, mẹ là Trần Thị Mười.

Thanh Sĩ là một người thông minh có tài thuyết pháp, ứng khẩu thành thơ, ông làm rất nhiều bài thơ, các bài thơ của ông đều phản ánh sự đắc đạo của người tu hành, thấu rõ tình đời thế gian... Ông chuyên tâm tu luyện hạnh nguyện lễ giáo theo lời dạy của đức thây và thuyết pháp cho chúng sinh. Cuộc đời của ông thanh sạch đúng như pháp danh Thanh Sĩ.

Đầu năm 1955, ông Thanh Sĩ lên Sài Gòn xin phép sang Nhật với lý do du học và nghiên cứu Phật pháp. Trong thời gian tại Nhật, dù gặp nhiều khó khăn ở việc học hành, nghiên cứu và dạy học, ông Thanh Sĩ cũng không ngừng sáng tác nhắc nhở việc tu học cho các đồng đạo ở quê nhà. Từ 1957 đến 1967, ông viết xong 17 tác phẩm bằng văn vần sau đây: Lời Vàng Trong Mộng, Vạn Niên Huynh Đệ, Rằm Tháng Mười, Đâu Là Phàm Thánh, Tiếng Nói Trong Hoa Sen, Hỡi Quê Nhà, Đã Chết Mà Sống, Tôi Còn Đây Mà, Con Thuyền Đại Đạo, Đời Mạt Pháp, Là Phật Tử, Tình Đạo Phật, Đến Liên Hoa…

Các quyển này đã được in và đóng chung thành tập có tên là HIỂN ĐẠO, dầy trên 1300 trang. Ngoài ra, trên 630 lá thư được ông viết gởi về đồng bào và đồng đạo ở quê nhà để trả lời các nghi vấn về đạo pháp cũng đã được sưu tập và ấn hành thành hai quyển: Lá Thư Đông Kinh I và Lá Thư Đông Kinh II. Một số băng nhựa cũng đã được ông đích thân xướng âm ghi vào và gởi về Việt Nam.

Sau này ông cũng qua đời tại Nhât Bản. Lúc còn ở Việt nam, mỗi buổi đăng đàn thuyết pháp ứng khẩu của ông thường kéo dài từ 2 - 6 tiếng đồng hồ và qui tụ hằng ngàn hằng vạn người đến nghe. Sau phần thuyết giảng bằng tản văn, ông tiếp tục giảng bằng vận văn một cách siêu thoát trác tuyệt.

Chính ở mỗi buổi thuyết pháp đó, nhờ cơ duyên mà nhiều người đến hỏi pháp, xin thơ đều được ông làm thỏa mãn. Ông cho thơ ngay tại chỗ, viết trước mắt mọi người. Điều kỳ diệu mà người đến xin thơ phải ngạc nhiên là bài thơ ấy nói đúng vào bản tính của mình...

Đọc thêm