Thời của sách bản đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như Giải thưởng Sách Quốc gia được đánh giá là thước đo về hiệu quả, chất lượng của công tác xuất bản, thì sách đặc biệt có thể coi là đẳng cấp thương hiệu của nhà xuất bản. Với mức đấu giá kỷ lục 260 triệu đồng cho một cuốn sách, hiện nay, sách bản đặc biệt đang lên ngôi.
Khi mua bộ sách “Tam quốc diễn nghĩa”, độc giả có cơ hội sở hữu một trong những bức tượng Quan Vũ (Quan Vân Trường) được chạm khắc tinh tế.
Khi mua bộ sách “Tam quốc diễn nghĩa”, độc giả có cơ hội sở hữu một trong những bức tượng Quan Vũ (Quan Vân Trường) được chạm khắc tinh tế.

Trăm hoa đua nở

Gần 10 năm nay, khi in sách, Nhã Nam thường làm thêm 100 bản đặc biệt với những tác phẩm hay. Đó là những bản có bìa cứng, in trên giấy chất lượng cao, có triện son của công ty. Dù vậy, chúng chỉ được những người chơi sách quan tâm, sở hữu, không được độc giả biết đến vì không được truyền thông, phổ biến rộng rãi. Cho đến khi công ty Đông A cho ra mắt dòng sách S100 vào năm 2019, khái niệm sách đặc biệt được viết lại, thị trường trở nên phong phú.

Cuốn sách S100 đầu tiên do Cty Đông A xuất bản là cuốn “Những ngôi sao Eger” (của nhà văn Gárdonyi Géza, dịch giả Lê Xuân Giang) chào đời vào cuối năm 2019. Gọi là S100 vì phiên bản này chỉ làm 100 cuốn.

Về mặt nội dung, sách không khác các phiên bản phổ thông, nhưng về hình thức là những có bìa cứng, có thể là da, có thể là vải… được nghệ nhân làm thủ công. Ruột sách thường được in 2 màu trên giấy chất lượng cao.

Loạt sách S100 khác của Đông A được làm sau đó như Robinson Crusoe (Daniel Defoe), Bố già (Mario Puzo), Hán Sở diễn nghĩa (Chung Sơn cư sĩ Chân Vĩ), Khát vọng sống (Irving Stone), Thiên hoàng Minh Trị (Donald Keene), Anh em nhà Karamazov (Dostoevsky), Kiêu hãnh và định kiến (Jane Austen), Những cuốn sách thay đổi lịch sử (Cha Michael Collins chủ biên)… đều được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Được giới thiệu, mở bán trên fanpage, những lần mở bán sách S100 của Đông A bán hết veo trong vòng vài phút. Sau đó, những lần chuyển nhượng, giá sách S100 tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí hơn 50 lần giá ban đầu … Đó là cơ sở mở ra một thị trường tiềm năng.

Vậy là trăm hoa đua nở, mỗi nhà xuất bản chọn sáng tạo bản đặc biệt theo cách của mình. Năm 2020 là năm bùng nổ của bản sách đặc biệt với nhiều đơn vị làm sách tham gia làm những ấn bản đặc biệt theo cách riêng của mình. Thái Hà Books làm những ấn bản với giấy trúc chỉ cuốn “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế”, làm sách có bìa thêu tay với “Người thầy”… Mai Hà Books làm “Kim Vân Kiều” với hộp sơn mài…

Cùng với đó, các nhà xuất bản (Nxb) như Nxb Tổng hợp TP.HCM, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Thái Hà Books, Omega Plus Books, Nxb Phụ nữ… đều làm sách bìa cứng giới hạn.

Ngoài sách đặc biệt, các đơn vị còn cho ra những phiên bản sách khác nhau như phiên bản S500 (sách làm 500 bản), sách deluxe (sách phiên bản cao cấp).

Ảnh trong sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”: Phố Cờ Đen (phố Mã Mây ngày nay).Ảnh trong sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”: Phố Cờ Đen (phố Mã Mây ngày nay).

Những kỷ lục về giá sách

Đầu tháng 7/2021, cuốn sách S100 “Bố già” của Đông A được đưa lên sàn đấu giá. Sau 1 giờ, giá khởi điểm của ấn phẩm là 0 đồng đã được bán với mức 85 triệu đồng. Khi ấn bản này xuất xưởng năm 2019, giá của nó là 1,5 triệu đồng. Năm 2020, cuốn S100 “Bố già” giá 10 triệu đồng. Như vậy, sau gần hai năm được phát hành, bản đặc biệt “Bố già” tăng giá gần gấp 57 lần.

Tới ngày 19/7/2021, sách “Bố già” độc bản chữ A được bán đấu giá với giá kỷ lục 260 triệu đồng. Trong các ngày từ 15-31/7, nhiều cuộc đấu giá sách đặc biệt đã diễn ra, giá sách tăng chóng mặt. Cuốn S100 “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ (2000-2005)” được chốt bán với 100 triệu đồng, S100 “Thiên hoàng Minh Trị” 27 triệu đồng, S80 “Việt Nam sử lược” 32 triệu đồng, S100 “Anh em nhà Karamazov” 39 triệu đồng, S100 “Khát vọng sống” 31,5 triệu đồng… người bán cam kết sẽ trích 15% tiền bán đấu giá để góp quỹ “Cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch”.

Năm 2020, Nhã Nam thực hiện bản đặc biệt cho 15 cuốn trong bộ “Việt Nam danh tác”, với những tác phẩm như: Bỉ vỏ, Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Bốn mươi năm nói láo, Chân trời cũ, Đôi lứa xứng đôi, Tố Tâm, Hà Nội băm sáu phố phường… Các sách đều có bìa da, in trên giấy chất lượng cao, có hộp da, bụng sách quét nhũ, giá phát hành 5,7 triệu đồng. Ngay sau khi phát hành, giá của bộ sách đã tăng lên 10-15 triệu đồng.

Sách Bố già sử dụng kỹ thuật thủy ấn họa làm tờ gác của sách.Sách Bố già sử dụng kỹ thuật thủy ấn họa làm tờ gác của sách.

Tương tự, các cuốn sách trúc chỉ của Thái Hà Books cũng đạt mức giá cao khi đấu giá. Năm 2019, sáu phiên bản trúc chỉ cuốn “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” được bán với giá 133,5 triệu đồng. Trong đó, cuốn sách đấu giá cao nhất là 42 triệu đồng.

Bốn bản sách trúc chỉ “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế” (L’Art à Hué) của Thái Hà Books được bán đấu giá 72 triệu đồng (đắt nhất là ấn bản “Phượng” với 33 triệu đồng).

Năm 2020, Thái Hà Books tổ chức đấu giá bán ba phiên bản đặc biệt trúc chỉ cho cuốn “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX”. Giá tổng cộng ba cuốn đạt 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Việt Thắng, đại diện công ty Đông A giải thích, khi sách đặc biệt tăng giá gấp tới 57 lần, đơn vị sản xuất như Đông A cũng không được hưởng lợi, bởi đó là giao dịch thứ cấp, những người mua được sách từ nhà sản xuất, qua thời gian sưu tầm có thể mang đi bán.

Phiên bản đặc biệt tác phẩm “Bố già” được nhiều người chơi sách săn lùng (ảnh: Tuổi trẻ).Phiên bản đặc biệt tác phẩm “Bố già” được nhiều người chơi sách săn lùng (ảnh: Tuổi trẻ).

Đặc biệt về công nghệ in ấn

Từ trước năm 1945, ngành sách Việt Nam đã có khái niệm về “bản đặc biệt” để phân biệt với “bản thường”, tức “bản phổ thông”. Khi in sách, ngoài bản phổ thông, người làm sách sẽ chủ động in thêm một số (thường là dưới 100) bản đặc biệt với chất liệu giấy dày hơn, tốt hơn, đẹp hơn, quý hơn. Ngoài ra, còn có thủ bút/chữ ký của tác giả, tranh minh họa (hay còn gọi là phụ bản), triện son của tác giả hoặc của cơ sở xuất bản… mà các bản phổ thông không có.

Đặc biệt, sách bản đặc biệt phải có nội dung tốt. Đó thường là những tác phẩm kinh điển thế giới, công trình, tác phẩm quan trọng của Việt Nam... Người làm sách rất kỹ lưỡng trong việc chọn lựa ấn phẩm, sách cũ có thể kể đến: “Vang bóng một thời” (Nguyễn Tuân), “Lều chõng” (Ngô Tất Tố), “Việt Nam cổ văn học sử” (Nguyễn Đổng Chi), “Việt Nam văn hóa sử cương” (Đào Duy Anh)… Có thể nói, bản đặc biệt trước hết phải có nội dung hay, tức nội dung là cái có trước, hình thức là cái có sau.

Hiện nay, ngoài một số nhà xuất bản làm sách bản đặc biệt đúng chất là bản đặc biệt, còn lại có hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó”. Cách làm sách của các cơ sở xuất bản hiện tại là in ruột giấy giống nhau cho cả hai phiên bản, chỉ cần in thêm bìa cứng có áo jacket và đánh số sẽ mặc nhiên trở thành “bản giới hạn”.

Sách đặc biệt hiện nay chủ yếu là ở công nghệ in ấn. Mới đây, Công ty sách Đông A đã ký hợp tác độc quyền, sử dụng các sản phẩm thủy ấn họa của Bùi Tiến Phúc cùng họa sĩ Trần Bội Tuyền nhằm nâng cao chất lượng các bản sách giới hạn, phiên bản đặc biệt.

Đông A Books và hai vợ chồng họa sĩ Trần Bội Tuyền đã tạo ra ấn phẩm sách đặc biệt bằng kỹ thuật này như tờ gác sách của cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (2020), bụng sách cuốn Đông Dương xinh đẹp và kỳ vỹ (2021).

Thủy ấn họa hay nghệ thuật áng mây là kỹ thuật rắc màu lên mặt nước hoặc chất lỏng đặc dính, tạo nên những họa tiết có hình dáng như vân cát chảy hay vân đá cẩm thạch. Giấy làm từ kỹ thuật thủy ấn họa giúp tăng giá trị của cuốn sách.

Tờ gác tức là trang đầu tiên của quyển sách, được xem là trang quan trọng, nhất là đối với những quyển sách phiên bản đặc biệt. Tờ gác này có nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau, được thực hiện thủ công bởi kỹ thuật thủy ấn họa.

Nghệ thuật áng mây (thủy ấn họa) bắt nguồn từ Trung Quốc. Sau đó truyền sang Hàn Quốc rồi Nhật Bản. Đến thế kỷ thứ 15, nghệ thuật áng mây xuất hiện ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi nghệ thuật vẽ tranh trên mặt nước hay tác phẩm cẩm thạch trên giấy. Cuối thế kỷ 16, chúng được truyền sang Tây Âu và được phát triển thành nét riêng của từng quốc gia.

Kỹ thuật này được biết đến ở Việt Nam vào năm 2018. Chuyên gia thực hiện kỹ thuật làm sách, tranh độc đáo này đầu tiên ở Việt Nam là hai vợ chồng Thạc sĩ Bùi Tiến Phúc - tốt nghiệp chuyên ngành bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Đài Loan và họa sĩ Trần Bội Tuyền - người Đài Loan, tốt nghiệp cử nhân Học viện Mỹ thuật SAIC, Mỹ - là hai người đưa kỹ thuật thủy ấn họa đến gần hơn với khán giả.

Đọc thêm