Câu chuyện về bức ảnh 55 năm tuổi
Chuyến tàu chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lăn bánh rời ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn lúc 12h50 ngày 2/3, kết thúc chuyến thăm chính thức trong 2 ngày của ông tại Việt Nam. Trong những ngày qua, người dân Tổ dân phố Quán La (phường Xuân La) lại tự hào nhắc lại chuyến thăm của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên, Chủ tịch Kim Nhật Thành đến nơi này hơn nửa thế kỷ trước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải (63 tuổi, ở tổ dân phố Quán La), chính là gia đình duy nhất tại Hà Nội vinh dự được Bác Hồ và chủ tịch Kim Nhật Thành tới thăm nhà. Bức ảnh bằng đá có hình Bác Hồ và Chủ tịch Kim Nhật Thành đang được người dân Xuân La chào đón vẫn được gia đình ông Hải giữ gìn coi như tài sản vô giá.
Trong bức ảnh, người đứng bên cạnh Bác Hồ chính là cha của ông, cụ Nguyễn Văn Vượng (tên thường gọi là Viên, hiện đã qua đời). Khi đó, cụ Vượng chính là Bí thư Đảng bộ đầu tiên của xã Xuân La, là người trực tiếp có vinh dự ra đón đoàn.
Ông Hải cho biết, ngày 23/11/1964, khi cả gia đình ông đang ăn cơm trưa thì bất ngờ bố ông dẫn về nhà một đoàn khách. Mọi người dễ dàng nhận ra đó chính là Bác Hồ, sau đó Bác giới thiệu người đi cùng bác là ông Kim Nhật Thành, vị lãnh đạo sáng lập Triều Tiên. Gia đình ông khi đó vội cất bữa cơm đạm bạc để chạy ra đón khách.
Khi ấy ông Hải chỉ mới là một cậu nhóc 7 tuổi nhưng những hình ảnh về chuyến thăm của hai vị lãnh tụ vẫn in đậm trong trí nhớ của ông. Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã tặng gia đình một chai rượu sâm Triều Tiên cùng bức tranh lụa thêu hình Bác Hồ rất đẹp. Bức tranh được gìn giữ nhiều năm. Còn chai rượu cũng bị thất lạc khi gia đình xây cất nhà mới khiến ông Hải vẫn tiếc mãi.
“Một trong những lý do khiến tôi nhớ mãi đó là vì Bác Hồ và ông Kim Nhật Thành đều hết sức dung dị, không khoa trương. Khi đến nhà thì rất bình thường, hỏi thăm gia đình hết sức ân cần”, ông Hải xúc động nhớ lại.
Trong kí ức của ông Hải, đất nước Triều Tiên luôn là đất nước “anh -em” thân thiết. Bởi trong lúc Việt Nam còn khó khăn, Triều Tiên đã có những công nghệ và cả con người ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Mối quan hệ giữa Việt Nam - Triều Tiên cũng giống như Việt Nam và Cu Ba được Chủ tịch Fidel Castro nói: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
|
Ông Nguyễn Văn Ngư kể lại không khí vui mừng khi Bác Hồ và Chủ tịch Kim Nhật Thành tới thăm “thôn Việt Triều” |
Từ đó đến nay, thi thoảng người của Đại sứ quán Triều Tiên vẫn về thăm nơi này. Đặc biệt, năm 2013, nhiều cán bộ Đại sứ quán có về thu thập tư liệu, thăm lại những địa điểm nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã thăm như cánh đồng, nhà trẻ, nơi gặp gỡ ở sân đình… Khi tới gia đình ông Hải, một vị Đại sứ quán Triều Tiên đã nói: “Khi nào có điều kiện sẽ mời gia đình ông Hải sang thăm đất nước Triều Tiên”, ông Hải nhớ lại.
“Hồ Chí Minh muôn năm! Kim Nhật Thành muôn năm!”
Đó là những tiếng hô rền vang của người dân thôn Quán La khi được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành nói chuyện tại sân đình làng. Những hình ảnh đó vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của ông Nguyễn Văn Ngư (77 tuổi, ở tổ dân phố Quán La). Ông Ngư lúc đó là một chàng trai 22 tuổi, từng là đội viên đội khăn quàng đỏ.
Ông Ngư lý giải về tên gọi “thôn Triều Tiên”, bởi ở đây có Hợp tác xã Việt-Triều Hữu nghị, một biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Triều Tiên. Vào năm 1958, khi đó ông Ngư 16 tuổi, Bác Hồ về thăm tổ đổi công xã Xuân La, thấy bà con nông dân sáng tạo, biết đổi công cho nhau để làm ăn tốt hơn. Nhận thấy đây là mô hình mới, tiến bộ, có cơ hội phát triển, Bác đã trao đổi với phía Triều Tiên mời phía bạn về thăm.
Từ tháng 2/1964, xã Xuân La đã tiếp hai đoàn đại biểu cấp cao của Triều Tiên về thăm, rồi kết nghĩa với một HTX ở Triều Tiên nhằm nhân rộng điển hình. Ở Việt Nam, đã hình thành Hợp tác xã Việt-Triều hữu nghị gồm cả 4 thôn ở xã Xuân La, còn ở Triều Tiên là Hợp tác xã Triều-Việt hữu nghị. Tới ngày 23/11/1964, Bác Hồ đã mời lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành về thăm Tổ dân phố Quán La, khi đó còn gọi là thôn Quán La.
Ông kể, khi Bác về, cả làng không ai biết, khoảng 10h sáng, Bác đi qua cánh đồng lúa để thăm bà con, mọi người nhìn thấy Bác là nhận ra ngay. Khi Bác cùng chủ tịch Kim Nhật Thành vào đến cổng làng thì nhân dân trong làng từ trẻ nhỏ tới cụ già đều reo hò phấn khởi vì được gặp cùng lúc hai vị lãnh tụ kính yêu. Rất nhiều người dân vây quanh còn hai vị chủ tịch thì luôn tươi cười vẫy tay chào bà con.
“Ở sân đình làng, khi Bác và Chủ tịch Kim Nhật Thành nói chuyện, không ai bảo ai mọi người đều im lặng. Ngay khi Bác Hồ và Chủ tịch Kim Nhật Thành phát biểu xong thì bà con thôn Quán La tại sân đình khi đó đồng loạt giơ tay, hô lớn “Hồ Chí Minh muôn năm! Kim Nhật Thành muôn năm!”. Không khí vui sướng, cảm giác khó tả khi đó ông Ngư chưa bao giờ quên.
|
Sân đình Quán La, nơi Bác Hồ đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành nói chuyện với bà con được tôn tạo thành khu lưu niệm |
Dịp đó, Hợp tác xã Việt – Triều hữu nghị được Triều Tiên tặng một chiếc xe tải “mono” 2,5 tấn, một chiếc máy cày đa năng và một chiếc máy bơm nước. Sau đó, chiếc máy bơm nước đã được mang ra hồ bầu dục của xã bơm trực tiếp.
Để đáp lại tình cảm của nước bạn, nhân dân thôn Quán La khi đó chỉ có một buồng chuối và một buồng dừa thật to, đẹp của bà con tự trồng gửi tặng đoàn đại biểu Triều Tiên. Dù sự kiện đã trải qua gần 60 năm, nhưng ông Ngư cho biết đó luôn là niềm tự hào đối với mỗi người dân Quán La nói riêng, phường Xuân La nói chung.
Trong suốt 10 năm qua ông và người dân nơi đây ấp ủ mong muốn xây dựng khu lưu niệm về sự kiện này. Nhờ nỗ lực của những lãnh đạo trong tổ dân phố cùng góp công sức, tiền bạc của nhân dân, sân đình Quán La đã được tôn tạo thành khu lưu niệm địa điểm Bác Hồ và nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành về thăm.
Ngay tại sân đình, bức tượng Bác bằng đồng đỏ mạ vàng đã được khánh thành vào tháng 11/2018. Dự kiến bức phù điêu đá mô tả bức ảnh chụp Bác và Chủ tịch Kim Nhật Thành sẽ được dựng tại đây vào đúng ngày sinh nhật Bác 19/5 sắp tới.
Tuy “thôn Triều Tiên” đã có quá nhiều thay đổi nhưng những kỷ niệm về lần thăm của Bác và Chủ tịch Kim Nhật Thành sẽ được người dân nơi đây lưu truyền, giữ gìn cho con cháu mãi về sau.