Thống kê tai nạn lao động ở khu vực ngoài hợp đồng: Sẽ là con số rất cao nếu thống kê đầy đủ

(PLO) - Mặc dù hiện nay tại Việt Nam, số người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm con số áp đảo so với số người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (63%/37%), tuy nhiên việc thống kê tình hình tai nạn lao động là rất khó khăn.
Lĩnh vực xây dựng vẫn là lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất và yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao
Lĩnh vực xây dựng vẫn là lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất và yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao

Chỉ có 48/63 tỉnh, thành phố thống kê tai nạn lao động

Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH cho biết, cho đến ngày ngày 22/02/2018, Bộ LĐTBXH chưa nhận được biên bản điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) đối với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Chỉ có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thống kê TNLĐ đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ; trong đó 39 tỉnh báo cáo có TNLĐ, 9 tỉnh báo cáo không có TNLĐ... Các địa phương chưa báo cáo tình hình TNLĐ của NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động là: Long An, Kiên Giang, Bình Dương, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tây Ninh, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Gia Lai, Tiền Giang, Thái Nguyên, Thái Bình.

“Từ trước đến nay, Việt Nam chưa hề có điều tra về TNLĐ đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ. Kể từ khi Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 thì theo quy định của luật mới tiến hành thống kê. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có 6 nước luật hóa việc thống kê này. Vì thế, công tác điều tra TNLĐ đối với khu vực không có HĐLĐ chưa được triển khai toàn diện theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo HĐLĐ của UBND cấp xã triển khai còn rất hạn chế. Tôi có thể khẳng định, nếu thống kê tốt thì con số TNLĐ đối với khu vực không có HĐLĐ  còn tăng cao rất nhiều vì hiện nay tại Việt Nam, số NLĐ làm việc không theo HĐLĐ chiếm con số áp đảo so với số NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (63%/37%)” – ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh. 

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 1.207 vụ TNLĐ làm 1.266 NLĐ làm việc không theo HĐLĐ bị nạn, trong đó: 250 vụ TNLĐ chết người; 31 vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên; 262 người chết; 234 người bị thương nặng; 410 nạn nhân là lao động nữ. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí luyện kim. Các địa phương có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất là Phú Yên (35 vụ làm 35 người chết), thành phố Hồ Chí Minh (21 vụ làm 21 người chết), Quảng Ninh (18 vụ làm 19 người chết), Bắc Ninh (17 vụ làm 17 người chết), Lạng Sơn (15 vụ làm 15 người chết), Yên Bái (15 vụ làm 15 người chết). Một số địa phương TNLĐ xảy ra đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ cao hơn so với khu vực có quan hệ lao động như Phú Yên, Yên Bái, Lạng Sơn.

Bức tranh toàn cảnh về TNLĐ từ báo cáo của 62/63 tỉnh, thành năm 2017 cho thấy, trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực NLĐ làm việc không theo HĐLĐ) trong đó 928 người chết vì TNLĐ; 1.915 người bị thương nặng, 2.727 nạn nhân là lao động nữ. Trong khu vực có quan hệ lao động thì thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất; Bắc Ninh có số người chết vì TNLĐ tăng cao so với năm 2016. Lĩnh vực xây dựng vẫn là lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất (chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7% tổng số người chết); yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao (chiếm 27,7% tổng số vụ và 30,7% tổng số người chết).

Không phải vụ nào cũng có thể khởi tố dù nghiêm trọng

Năm 20017 toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ,  trong đó số vụ TNLĐ chết người là 898 vụ và có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như: vụ tai nạn ngạt khí xảy ra vào lúc 10h40 ngày 12/01/2017 tại Công ty Cổ phần Foodtech (liên doanh với Thái Lan) chi nhánh Phú Yên làm 5 công nhân chết dưới hầm chứa nước hấp cá; vụ tai nạn đứt cáp cẩu xảy ra vào 15h00 ngày 19/6/2017 tại công trường xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì, thuộc địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội làm 2 người chết; vụ tai nạn rơi thang máy vào khoảng 12h00 ngày 22/8/2017 tại chung cư Newlife Tower đang thi công xây dựng tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Hà Nội làm chủ đầu tư, làm 3 người chết...

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTBXH, ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, thì chỉ có 3 vụ đã có Quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra, 1 vụ đã khởi tố vụ án. Cụ thể, Đoàn điều tra TNLĐ thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ vụ tai nạn xảy ra ngày 14/3/2017 tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Minh Phúc đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Tân Bình, Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Bình tiếp tục điều tra làm rõ, xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân có trách nhiệm trong vụ TNLĐ do vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, vi phạm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng dẫn đến TNLĐ chết người theo quy định của pháp luật; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định khởi tố hình sự 01 vụ TNLĐ ngày 30/5/2017 tại công trình xây dựng số nhà 37, đại lộ Hòa Bình, khu 3, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh do lồng nâng máy vận thăng rơi làm bị thương 07 người...

Lý giải về sự “ít ỏi” này, Thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết, theo quy định của pháp luật, việc điều tra TNLĐ thuộc thẩm quyền của địa phương nơi diễn ra tai nạn. Sau khi Đoàn điều tra TNLĐ liên ngành điều tra xong thì căn cứ vào kết quả thấy vụ nào có dấu hiệu hình sự mới chuyển cơ quan điều tra. Vì thế nên số vụ TNLĐ bị khởi tố rất ít, chứ không phải nguyên nhân khó khăn trong khởi tố hình sự. Bổ sung thêm, ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động nhấn mạnh: “Việc khởi tố hay không phụ thuộc vào cơ quan công an chứ đoàn điều tra TNLĐ liên ngành không thể quyết định được. Quan điểm của ngành là xử lý nghiêm trách nhiệm của người sử dụng lao động nhưng vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật về vấn đề khởi tố vụ án. Tuy không nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng bị khởi tố nhưng chúng tôi vẫn có cách làm của chúng tôi, đó là kịp thời thông tin cho báo chí kết quả điều tra liên ngành để qua phương tiện truyền thông, doanh nghiệp bị “bêu tên” ảnh hưởng uy tín, sẽ nghiêm túc tiếp thu, sửa đổi”.

Theo dự kiến, Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động lần 2 năm 2018 tại TP Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức vào ngày 6/5/2018; trong đó, triển lãm an toàn vệ sinh lao động được tổ chức ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và lễ mít tinh sẽ diễn ra ở Hội trường Trung tâm thành phố. Chủ đề của Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động lần 2 năm 2018 là: “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề  nghiệp”. Năm nay là năm thứ hai Việt Nam tổ chức Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động.