Thứ trưởng Bộ Y tế nói về công tác chuẩn bị đối phó với bệnh dịch Ebola

(PLO) - "Chúng ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm và khống chế nhiều loại bệnh dịch, từ dịch SARS cho đến các loại dịch nhỏ khác thì kinh nghiệm cũng cho thấy không bao giờ chủ quan và luôn sẵn sàng chủ động thì sẽ thành công". Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bệnh do vi rút Ê-bô-la (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A), có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, ỉa ra máu...). 
Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não; có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Vụ dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 trường hợp mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Đặc biệt từ tháng 12/2013 đến ngày 1/8/2014 thế giới đã ghi nhận 1.603 trường hợp mắc bao gồm 887 trường hợp tại 04 nước Guinea (485 mắc/358 tử vong), Liberia (468 mắc /255 tử vong), Nigeria (4 mắc/1 tử vong) và Sierra Leone (646 mắc/273 tử vong). 
Đặc biệt đã ghi nhận trên 100 cán bộ y tế nhiễm vi rút Ebola.Tuy nhiên, qua hệ thống báo cáo giám sát đến ngày 01/8/2014, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ê-bô-la. Trước tình trạng nguy hiểm và có nguy cơ lây lan lan nhanh sang các nước khác, và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự lây lan đó nếu không có biện pháp chủ động phòng chống.
Trước tình hình dịch bệnh Ê-bô-la diễn biến phức tạp tại các nước thuộc khu vực Tây Phi, và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn. Để hiểu rõ về bệnh dịch này cũng như cách chủ động phòng, chống dịch bệnh, đối phó với dịch bệnh Ebola  xâm nhập vào Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc Bộ Y tế đánh giá và chủ động đối phó với dịch bệnh Ebola ra sao? 
Thứ trưởng Bộ Y Tế, PGS, TS Nguyễn Viết Tiến cho biết: Bộ y tế đã rất sẵn sàng đối phó với dịch bệnh nguy hiểm Ebola. Ngay khi vừa mới biết có tin từ Tây Phi đang có dịch bệnh này thì Bộ Y tế đã khẩn trương tìm hiểu ngay về loại dịch bệnh này và đưa ra những phương án đối phó. Không những chỉ là việc dự phòng mà còn chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng khi có bệnh lý đó xảy ra thì khoanh dịch ra làm sao, điều chỉnh như thế nào, vì đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, lây dịch từ người sang người không qua một trung gian nào nên phát tán dịch cực kỳ nhanh, độ nguy hiểm của dịch được đánh giá tử vong từ 60-90%.
Ông Tiến cho biết thêm: Nếu lây lan qua đường bộ thì sẽ rất lâu nhưng hiện nay bằng đường hàng không thì chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ thì dịch đã có thể xuất hiện ở nước ta. So về vị trí địa lý với các nước khác thì Việt Nam nguy cơ nhiễm dịch ít hơn so với các nước khác nhưng chúng ta không thể chủ quan được vì chỉ lơ là một chút là rất khó kiểm soát được dịch bệnh, nếu một người bay từ Tây Phi nhưng qua trung chuyển một nước thứ hai sau đó mới đến Việt Nam. Khi dịch từ đó xâm nhập vào Việt Nam thì phải đồng bộ kiểm soát, khoanh vùng…
PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế
 PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế

"Giải pháp và cách làm như vậy nhưng thực tế khó lường hết các tình huống, nhưng chúng ta luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng cả về dự phòng và cách điều trị. Nếu dịch xảy ra ít thì chúng ta hoàn toàn chủ động khống chế được nhưng nếu xảy ra đồng loạt trên diện rộng thì sẽ gây lung túng nhưng tất cả đã được tính toán các tình huống đối phó nếu xảy ra như vậy. Chúng ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm và khống chế nhiều loại bệnh dịch, từ dịch SARS cho đến các loại dịch nhỏ khác thì kinh nghiệm cũng cho thấy không bao giờ chủ quan và luôn sẵn sàng chủ động thì sẽ thành công". Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.

Để đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra thì công tác điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh dịch Ebola, được chuẩn bị ra sao cũng là những thông tin được nhiều người dân quan tâm, về vấn đề này PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Ngày 6/6 Cục đã có văn bản khẩn gửi các Sở y tế các địa phương, các bệnh viện trực thuộc Bộ và y tế Bộ, ngành hết sức cảnh giác với một số triệu chứng bệnh khi người bệnh vào bệnh viện để đối phó ngăn chặn dịch bệnh Ebola xâm nhập vào các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam. Các biểu hiện triệu chứng của bệnh dịch Ebola có trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã gửi tới tất cả các bệnh viện, đồng thời bố trí tiếp nhận theo quy trình khám chữa bệnh và cách ly theo dõi ngay từ bàn khám bệnh đầu tiên cho đến khoa truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu.. tránh lây chéo.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng, Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
 PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng, Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

"Chúng tôi đặc biệt lưu ý tới việc kiểm soát vi khuẩn, đó là việc chống lây chéo giữa người bệnh với người bệnh, giữa người bệnh với thầy thuốc, giữa các cơ sở y tế với nhau. Khi phát hiện ra dấu hiệu thì báo ngay cho Y tế dự phòng, Vệ sinh dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Đó là những kinh nghiệm đúc kết từ những dịch Sars, H1N1,H5N1…thì đa số phát hiện trong bệnh viện. Do vậy Bộ y tế  cũng đã chỉ đạo các bệnh viện phải hết sức lưu tâm, không được mất cảnh giác, chủ quan nhằm đối phó với dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam". PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết thêm./.

Đọc thêm