Thủ tục rút gọn trong tố tụng Hành chính: Rút ngắn thời gian “đáo tụng đình”

(PLO) -Nhìn chung những người có quyền, lợi ích bị xâm hại khi gửi khiếu kiện hành chính đến Tòa án đề nghị giải quyết đều mong muốn được giải quyết nhanh chóng, càng sớm càng tốt nên thủ tục rút gọn trong tố tụng Hành chính là yêu cầu khách quan để Tòa án có thể nhanh chóng giải quyết vụ án đảm bảo quyền, lợi ích cho các bên đương sự.
Đổi mới cơ chế để mang lại hiệu quả trong thi hành án hành chính. Ảnh minh họa.
Đối với Tòa án, khi nhận được đơn khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xem xét giải quyết trên nguyên tắc bình đẳng giữa các bên đương sự chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của người khởi kiện. Mặt khác, trong một vụ án Hành chính, khi có sự tranh chấp về quyền và các lợi ích giữa các bên đương sự thì sau khi có quyết định của Tòa án, quyền, lợi ích của bên này đồng thời là nghĩa vụ của bên kia. 
Do vậy, pháp luật tố tụng phải quy định hết sức chặt chẽ về thẩm quyền xét xử của Tòa án, trình tự, thủ tục tiến hành xét xử, thời hạn xét xử để tránh những sai sót làm thiệt hại đến quyền, lợi ích của các bên đương sự. 
Ở nước ta, thủ tục rút gọn được quy định trong tố tụng Hình sự (nhưng cũng mới rút gọn về thời gian tố tụng), trong tố tụng dân sự chưa có quy định về thủ tục rút gọn trong xét xử, nhưng lại có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự với một thẩm phán giải quyết, không có Hội thẩm nhân dân tham gia, thủ tục này cũng được xem như là một thủ tục rút gọn. 
Ông Trần Nam Mẫn – Phó Chánh án TAND tỉnh Thái Bình nhận định, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết án kiện hành chính sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm trong xã hội, giảm thời gian, vật chất cho hoạt động của Tòa án cũng như các bên đương sự tới Tòa án, ngăn chặn, hạn chế tiêu cực khác nảy sinh, góp phần ổn định xã hội khi Tòa án xử lý nhanh chóng các vi phạm tranh chấp, bất đồng nảy sinh trong xã hội
Thủ tục tố tụng xét xử rút gọn có nhiều tác dụng, đáp ứng được yêu cầu của các bên đương sự nên được nhiều nước quy định trong tố tụng xét xử của tòa án. Do vậy, theo nhiều thẩm phán, nên áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ việc khởi kiện về hành vi hành chính có tính chất đơn giản, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng. 
Tuy nhiên, trong Luật TTHC hiện hành chưa có quy định về trình tự, thủ tục xét xử rút gọn, một phần do Luật TTHC được ban hành năm 2010 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thủ tục giải quyết án Hành chính, nên chưa có nhiều cơ sở thực tiễn để quy định về trình tự, thủ tục xét xử rút gọn án Hành chính. 
Mặt khác, khi ban hành Luật TTHC năm 2010, Hiến pháp 1992 quy định nguyên tắc việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm nhân dân tham gia, do vậy cũng chưa thể quy định về thủ tục rút gọn trong TTHC.
Do đó, ông Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, Luật TTHC (sửa đổi) cần bổ sung thủ tục xét xử rút gọn trong TTHC theo hướng chỉ áp dụng thủ tục rút gọn đối với các khiếu kiện về hành vi hành chính và khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử Đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Bổ sung một chương quy định về thủ tục khởi kiện, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử, phiên tòa sơ thẩm xét xử các khiếu kiện về hành vi hành chính theo thủ tục rút gọn./.

Đọc thêm