Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” là biểu hiện rõ nhất trong lĩnh vực này, trên chỉ đạo quyết liệt, dưới thực hiện thờ ơ, vừa làm vừa trông nhau, chỉ hô khẩu hiệu suông.
Các kỳ họp của các Ủy ban thuộc Quốc hội hoặc của Thường vụ Quốc hội gần đây đã nhấn mạnh tới một thực trạng là nạn “tham nhũng vặt” khá phổ biến, người dân bị nhũng nhiễu nhiều, doanh nghiệp phải chi phí nhiều khoản không chính thức,...
Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ ra hiện trạng “nhiều cửa, nhiều khóa”, cắt giảm thủ tục hành chính còn chưa đạt yêu cầu, thiếu công khai thủ tục hành chính hoặc chưa kịp thời xử lý các phản ánh của người dân...
Qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát cho thấy ở nhiều địa phương quy định tiếp dân không được tuân thủ nghiêm túc, có nơi nhiều năm liền lãnh đạo ban, ngành hoặc người đứng đầu không gặp dân, “nợ” dân hoặc doanh nghiệp rất nhiều câu trả lời hoặc làm minh bạch vấn đề bức xúc trong lĩnh vực thủ tục hành chính.
Mới đây nhất, hai cha con bệnh nhân ung thư ở An Giang phải đi 250km đến TP Hồ Chí Minh chỉ để thêm 2 chữ “hồ sơ” vào bệnh án thì cơ quan bảo hiểm địa phương này mới chấp nhận. Đó là ví dụ nhỏ nhưng rất điển hình cho việc quan liêu, cửa quyền và hành dân hiện nay. Rất nhiều trường hợp vin vào cớ “bổ túc hồ sơ” để bắt đi lại nhiều lần, như một hình thức “tống tiền” vậy, nếu chi phí một khoản “bôi trơn” phù hợp, hồ sơ không có gì phải “bổ túc” nữa!
Một động thái rất đáng ghi nhận là các chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính trong ngành Tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân trong việc khai sinh, khai tử hay cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm tốt việc này. Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực thủ tục hành chính, ví dụ, ngồi nhà cũng có thể được cấp phép xây dựng. Đó là cách làm đổi mới cần được nhân rộng.
Chung quy, nhân tố để cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả mong đợi vẫn là đội ngũ cán bộ, từ nhân viên đến lãnh đạo. Thực tế, những cán bộ “tham nhũng vặt”, “hành dân” rất ít bị xử lý đến nơi đến chốn.
Trước tình đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải thẳng thắn xin lỗi công khai nếu chậm giải quyết thủ tục hành chính và xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm trong việc này. Đó chính là biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.