Thú vị Tết ở Nam Kỳ hơn 70 năm về trước

(PLO) - Nhân đọc báo Thời thế số Xuân Tân Tỵ 1941, chúng tôi đọc được bài viết “Tục lệ ăn Tết ở Nam Kỳ” của tác giả Nam Châu. Đọc xong rồi lại ngẫm, ôi, gần 80 năm đã qua, nước chảy mây trôi, vật đổi sao dời, nhưng tục lệ Tết xưa, vẫn còn lưu giữ những nét đẹp vốn có, mà cũng không ít những hồn xưa bóng cũ, đã bị phai theo năm tháng.
Dựng cây nêu ngày Tết
Dựng cây nêu ngày Tết

Nghĩ vậy, bèn lựa ra dăm điều đáng lưu ý từ đó mà thuật lại cho bạn đọc ngày nay. 

Trong số báo trên, đúng như lời tác giả đã có lời thưa rằng “Thời gian qua, đá vàng con tan rã, huống gì tục lệ chẳng bị thời gian đổi dời. Nhưng có đổi dời đi nữa, cũng chỉ một vài nơi, một vài việc của một xứ, chớ không thể lột được tất cả những tập tục lệ xưa, đã bám níu trong tâm hồn của một dân tộc. Thì Nam kỳ cũng chịu thông lệ ấy, nên so với Bắc, Trung, có lắm cái khác nhau, dầu người trong một nước”.

Trước khi vào Tết

Cứ theo lời của bài viết thì việc chuẩn bị Tết của đồng bào Nam Kỳ, cũng kỹ càng và rộn ràng lắm lắm, nên mới có chuyện “vừa bắt đầu tháng chạp thì mọi người đã nôn nao, sắm áo mua quần, trồng thọ, yên chi, mồng gà, chắt ao, xổ đập, mua gà vịt để dành sẵn đó”. Ấy, việc chuẩn bị Tết, thật là sớm ngay từ đầu tháng Chạp đã rục rịch mua sắm rồi.

Từ ngày 20 tháng Chạp, không khi Tết lại càng rộn rã hơn bao giờ hết, việc đi chợ mua thịt thà về làm nem, làm bì để Tết có thành phẩm sử dụng trở nên thường xuyên. Nhà giàu chẳng nói, nhà nghèo cũng cố mà vay mượn để có được bộ cánh mới mặc Tết như cái quần đinh, hay một cái áo trắng, con nít thì  bộ đồ vải bông…

Từ khoảng ngày 20 tháng Chạp trở đi, phần mộ tổ tiên cũng được để ý chăm sóc, dọn dẹp cho quang, cho sạch, “còn ai ở nhà hoặc đi làm ăn đâu xa, cũng rán về lo đi “giẩy mộ”. Việc “giẩy mộ” không có làm qua loa, đại khái cho xong, mà cũng đủ đầy nghi lễ thiêng liêng dành cho người quá cố.

Thường thì làm con gà hay con vịt cúng ông bà và đất đai, rồi gia đình, họ hàng cùng nhau nào là bồi bổ sửa sang, nào là đắp lại cho cao nấm mồ, nào là nhổ cỏ, dọn rong rêu bám. Vì là việc tâm linh, nên chẳng kể sang hèn, quý tiện, kẻ ít người nhiều đều mỗi người một tay, những mong “để tỏ tấm lòng “của không bằng công”;

khi ấy ai có mệt nhọc mấy cũng cố làm vừa làm vừa kể lại và chỉ về nhắc nhở cho con cháu biết, phần nhiều hơn tiết là đầu chứng ông bà cô bác nằm đâu, tại sao để nằm phía đó, phía đó để dành cho ai… họ làm rất kỷ và có ý nghĩa như: săn sóc bề ngoài cho người quá vãng, tựa lúc những người ấy còn sanh tiền, mà được sắm quần áo vậy”. Cái đạo lý có thờ có thiêng, hiếu đễ một phần thể hiện ở đây vậy. 

Thế rồi, ngày Tết ông Táo cũng đến. Ngày nay theo tục lệ dân gian còn là ngày dựng cây nêu, báo hiệu rõ ràng nhất cho việc Tết đến. Nhưng theo tác giả Nam Châu thì “Trong Nam thì như không cùng một qui luật, để ăn tết nên chỗ thì 25, 27 dựng nêu, chỗ thì 23, 24”.

Ở đất Nam Kỳ dạo ấy trong ngày 23 “nào cò bay ngựa chạy, chè xôi vái vang cầu rồi nhờ ổng về thiên đình tâu cáo dùm điều lành, che dùm điều dử, kẻo họ bị nghiệp oan quả báo về sau mặc dầu họ rất giàu tinh thần nho giáo ngặt quá họ mong mỏi ở vị lai mà quên rằng: “Phước bất khả cẩn cầu, họa bất khả hanh miêng; thần minh bất vị tế hưởng nhi giáng phước. bất vị thất lễ nhi giáng họa”. Nhìn chung, Tết Táo Quân cũng đồng điệu về nghi thức như các nơi khác. 

Sau ngày 23 tháng Chạp, thì những đồ ăn, thức uống thường dùng trong dịp Tết được chuẩn bị. Nào là “mấy cô mấy chị mới lo làm dưa cải, dưa giá cả diệm củ hành, ớt tương, xên mứt bí, mứt gừng, bánh ít, bánh tét để tết trâu tết bò, tết nhà”. Để trấn yểm điềm dữ phải lánh xa, người dân còn dán bùa mỗi nơi một cái.

Báo Thời thế số Xuân Tân Tỵ 1941
Báo Thời thế số Xuân Tân Tỵ 1941

Đến khoảng ngày 25 trở đi, nơi thì làm thịt heo, nơi thì rước ông bà. Cũng từ ngày này, đôi nơi đã có tiếng pháo nổ “gọi là mừng xuân, có cha, có mẹ, có người sống người chết chứng kiến vậy…” Một số nhà giàu có thể đến 29 mới rước ông bà “vì họ cho là như ấy mới sốt dẻo, mới phải rước ông bà để về chứng kiến, để mai nầy mà mừng xuân”. Qua ngày 26, 27 đông phần người đi làm tứ xứ đã lần hồi về nhà đón Tết. Cho đến ngày mùng Một mà con cháu không về để mừng thọ ông bà, thì xem như kẻ bất hiếu. 

Vào Tết người vui như hội, kẻ…

Vốn là vùng đất dân đa phần theo nghề nông, có Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, nhiều hào phú ruộng thẳng cánh cò bay, nên cái sự kinh tế ấy, cũng có ảnh hưởng đến ngày Tết của dân Nam Kỳ. Ấy là vào những ngày mùng 2, mùng 3, “tá điền, tá viên trước nhứt phải đi lại làm tuổi ông bà của người chủ điền và chủ viên (chủ vườn và chủ ruộng) mà những người chủ điền và chủ viên không khi nào đi viếng hoặc làm tuổi lại kẻ tá điền, tá viên (người mướn ruộng, mướn vườn)”.

Tá điền, tá viên đã nghèo, phải đi Tết như thế, cái sự bần hàn lại càng tăng thêm nữa. Trong khi ấy ở chiều ngược lại, cái tư thế làm chủ, bề trên của chủ điền và chủ viên nên họ chẳng cần phải đáp lễ lại cho những kẻ làm thuê, làm mướn nghèo khổ kia.

Duy có nhà nào tử tế lắm, thì “sai con cháu họ, đi đến viếng người tá điền và tá điền là quá lắm rồi… để một dịp cho các cậu ấy dựa ngang, dựa ngửa tập lần giọng chủ điền và thưởng thuế món ăn ngon nhứt”. 

Nhìn vào đồ ăn, thức uống ngày Tết, biết ngay nhà ai có của, nhà nào đói rách. Nhà nghèo thì chuối khèo, mứt gừng được xên bằng đường xấu, vừa đen đen, vừa sừn sựt… Trong khi ấy bữa ăn của nhà nghèo đón Tết cũng đạm bạc lắm khi “nhiều lắm là canh chua cá lóc nhỏ, dưa chuột, dưa hấu, dưa giá, cá kho mằn mặn và ai khá hơn là ca-ri già, vịt tàu là cùng, chớ họ mua đâu nổi vịt đẻ, gà trống thiến như mấy người giàu có, thỉnh thoãng họ có một vài dĩa chà là hoặc hồng mà mỗi dĩa chỉ 3, 4 trái hồng xen quít ta hoặc vài chục cụt chà là mà thôi”. Ngó qua cỗ Tết nhà giàu, thì thật đúng là cách nhau trời vực. Chẳng phải đó ư? Thì đây…

… “Nào nói cho ngay nhà giàu thì se sua lắm, bàn thờ, tiểu ban, chấn hên, chữ hõ, câu đối, câu chúc, lư hương, chưng phụng, đèn thau gì bóng choang, hương trầm nghi ngút mãi. Ôi! còn nói gì đồ tây, đồ tàu, nào cam, chà là, quít, xá lị, sa-vô-tô, v.v…”. Những thứ đồ đắt tiền sang trọng ấy, dĩ nhiên là dành cho người cùng môn đăng hộ đối mới xong, đó là những ông sui ông cả cậu chủ và thằng rể cưng… 

Ăn Tết, thì chẳng nên quên tục lệ đã thành truyền thống của dân tộc. Thế nên ngoài cái việc ông già bà cả “mặc toàn đồ mới áo rộng cất trong tủ đứng lằn xếp còn ràng ràng không chi đi làm tuổi thần làm tuôi ông bà thăm bà con”, các cụ còn được  được con cháu lạy chúc tết nào mạnh khỏe, nào bách niên giai lão.

Khi ấy, cũng là lúc ban niềm vui cho trẻ nhỏ, các cụ “mở túi nháy hồ bao ra xu năm xu nhỏ để sẵn đâu tự khi nào cho từng đứa và khen tặng nó các cụ tin là cho nó vui cho nó mau lớn”. Lì xì đầu năm, thì đâu đâu cũng thế cả. 

Ngày Tết, trò tiêu khiển kể ra ở đất Nam Kỳ cũng lắm. Cái hay có, mà cái tệ cũng hiện diễn. Trò chơi thì “cần chong, cầu tréo: đi thân trong đi cầu nước, nhảy bao, bắt vịt, cũng như ngày lễ của nước Pháp noi theo các trò chơi của ta mà chơi vậy!”. 

Mấy ngày Tết, cũng là lúc mà các cô, các cậu choai choai được người lớn lì xì, có tiền rủng rẻng trong túi. Đó cũng là lúc mấy trò tiêu khiển được tiếp cận: “Rồi các cậu được xu, tha hồ mà cách tê, bài cào, hốt lú, đao lạc, bài hoắc, cũng như các cô đen thui đen thủi, cũng lượt là, áo đen áo đỏ mà mấy ngày thường các cô không được nửa con mắt liếc vào sòng bạc… mà các cô thích nhất là bài tới… vì nó không cao chỉ may rủi, với óc ít suy nghĩ đó mà thôi!”. 

Những nhà có điều kiện, thì thú vui chơi sang hơn, ra dáng kẻ có tiền có của, ấy là đi xem hát. Mà cụ thể ở đây, là cái món hát bội. Cái chuyện xem hát này, lại còn dẫn tới “đi xem hát bộ gọi là bói đầu tuồng”. Tại sao lại xem hát mà có cả bói.

Bởi chăng họ cho rằng: “Rủi mới vào với cô gái, mà gặp Phàn-Lê-Huê khóc Đinh-San hay Tiết-phu-nhơn [vợ Tiết-nhơn-Quí] rầu rĩ khóc chồng thì mặc sức suốt năm các bà thở ra, thở vô cho là năm nay mình và con rất sui sẻo, càng sui hơn cậu Triêm con ông Hương bộ xách đó màn mà nói con cháu của các bà vì các bà có gả đâu nào, e sau đây con cháu bà sẽ khóc như Lê Huê khóc Đinh-San ở tuồng hát thì càng hệ vậy”. Điểm ấy, cũng cho thấy cái đầu óc hủ lậu của dân ta khi dạo ấy đa phần “một chữ cắn đôi” không biết.

Việc ăn chơi diễn ra kéo dài cho tới ngày hạ nêu, tức mùng Tết. Lúc ấy “các cô gái khuê các liền bị cấm bài bạc nữa”. Trong khi ấy thì “tội nghiệp các anh nghèo cờ bạc chưa cử theo hoài mặc ai đói tiền thịt heo hay tiền lúa gạo để gỡ… mà gỡ cái gì.

Chỉ còn một nước chủ nợ họ chửi đầu năm cho anh buồn càng buồn như cái buồn của cảnh Saigon và các nhà nghiêm văn minh không dán liễn treo đèn”… Thú tiêu khiển có cái thanh cao, mà cái tệ cũng song hành đấy. Đôi dòng lược thuật vậy, còn tùy bạn đọc, ta ngẫm xưa so nay.

Đọc thêm