Thư viết cho tháng Bảy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hòa bình hôm nay là từ những tuổi trẻ, những máu thịt của cha anh mình nên tôi thương từng nắm đất, từng hạt cát quê hương.
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

1…Đồ đạc cho vào thúng sau, thằng con ngồi thúng trước, người đàn bà nhỏ quắt queo gánh "gánh đời” đi thoăn thoắt trên mặt cát trắng… Người Trị Thiên có "tài” đi nhanh như thế đã bao năm?

- Bây giờ bà đi đâu?

- Hí? Người đàn bà nhà quê không hiểu câu hỏi.

Cho dù hiểu đi nữa thì bà ta cũng không biết đi đâu… Quo vadis? Mày đi đâu? Chúa có hỏi đi chăng nữa người cũng không trả lời được… "Đi đâu? Ngày đã hết, đời đã hết, chỉ còn mỗi con người lừng lững cùng nỗi đau đớn mịt mùng hư không”.

Gần 50 năm đã đi qua, không quá xa xôi để cho những mất mát đã ngủ yên trong lớp bụi thời gian. Mới đây thôi, chính nơi tuổi thơ tôi lớn lên...

Tôi cảm thấy như mình là đứa con còn lại được Mạ gánh ngồi thúng năm nào. Ngơ ngác, huếch hoác trước mất mát đau thương và ám ảnh điêu tàn trên những nẻo đường quê hương.

Cái giá của hòa bình, của ngày hôm nay yên lành mà chúng ta đang sống phải trả bằng lớp lớp máu xương của triệu triệu những người con đất Việt. Những người lính, những chiến sĩ, những người Mạ người cha, anh chị em và người thân của chúng ta đã một thời vùi thân trong lửa đạn như thế...

"Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con..."

"Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con..."

2. Quảng Trị, nơi mỗi nắm đất, mỗi cái cây xanh như mang trong mình cả linh hồn của tuổi trẻ, của tình thân, của khát vọng và niềm yêu Tổ quốc.

Còn chúng ta, những người đang thụ hưởng kết quả hòa bình?

Nào đâu những trăn trở lo toan với cơ hội phát triển, với hạnh phúc, với áo cơm… Tất cả cứ ngày ngày cuốn đi, chỉ còn lại nơi nghĩa trang những cơn gió hắt hiu se sắt. Có chăng, là thi thoảng một nén nhang với niềm thương cảm thắp lên những mong phần nào sưởi ấm bao anh linh cô quạnh.

Là một người con của Quảng Trị, cùng lớn lên với những tháng năm khốc liệt và hoang tàn sau chiến tranh; cái hoang tàn không chỉ ở nơi quê hương tiêu điều mà thấm vào cả không gian bởi lòng người còn vương ai oán, tang thương và mất mát, tôi luôn canh cánh bên mình những trăn trở cảm thương!

Đã 10 năm đi qua, cứ đến ngày mùng 8 hàng tháng, lời kinh lại vang lên từ trái tim chúng tôi như lời tâm tình, như lời thấu cảm và sẻ chia trò chuyện cùng những linh hồn các anh hùng liệt sĩ hai nghĩa trang. Lời kinh nhiệm mầu vang lên từ tâm chân thành như dòng nước cam lồ chuyển hóa.

Chúng tôi cũng là những người con được thụ hưởng tháng ngày lành yên. Sớm sớm được dóng tiếng chuông Đại Hồng nơi mái chùa quê, chiều chiều được gửi tâm nguyện lành vào tiếng kệ lời kinh. Biết hòa bình hôm nay là từ những tuổi trẻ, những máu thịt của cha anh mình nên tôi thương từng nắm đất, từng hạt cát quê hương. Miền Trung, Quảng Trị ngày hôm nay dẫu đã bình yên trong chộn rộn lo toan để vun đắp cuộc sống được “áo đẹp, cơm ngon”, nhưng vẫn còn đó khắc nghiệt.

3. Tháng 7, tháng giữa mùa hạ, miền Trung như chảo lửa, tháng của bắt đầu giông bão lũ lụt chuẩn bị lại tràn về, tháng của hoài niệm một thời chưa quá xa, dân mình, quê mình đằm trong tang tóc...

"Thương những hàng cây khô trong cát

Giờ gặp bão giông bật gốc cành

Thương những nấm mồ khô trên cát

Giờ lại ngâm mình trong nước xanh”

(Trích: Thương lắm miền Trung - Bùi Hoàng Tám)

Cho nên, bạn và tôi, làm được gì hôm nay thì hãy làm và làm ngay cho cái thiện và cái đẹp lên tiếng. Bạn có thể sắp xếp để tạo thành truyền thống cho cả nhà, hoặc cả cộng đồng quanh mình tại khu dân cư, doanh nghiệp, mỗi năm mỗi lần được thực hiện việc tri ân như một sinh hoạt tâm linh cao cả.

Lễ thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Lễ thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Việc tri ân ấy có thể là một hành trình, như Am Thụy Ứng chúng tôi cùng nhiều bà con đã làm hơn 10 năm nay, ấy là hàng tháng, hàng năm đều đặn, chúng tôi có mặt nơi mộ địa, nơi bến thiêng Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị để nhắc nhớ, để lòng thành thắp một nén tâm hương và gửi lời kinh kệ đến những người đã ngã xuống. Cũng có khi, chúng tôi lập đàn chẩn tế hoặc chỉ là trồng lên những cây xanh trên mảnh đất xót xa những máu thịt cha anh năm nào..

Tất nhiên, mỗi người tùy duyên và phương tiện mà biểu hiện lòng tri ân của mình.

Như năm nay, năm 2021 này cả thế giới và Việt Nam đang gồng mình vì dịch bệnh. Hành trình tri ân có thể chính là những việc lành mà chúng ta làm cho những người đang còn sống quanh mình. Năm nay, đồng bào mình vì covid mà phải đi xe máy, đi bộ, đi xe đạp hàng ngàn km, cùng con thơ hoặc những bà mẹ vừa mới sinh được vài ngày để trở về quê. Cái nghèo, cái đói khiến họ phải tha hương. Rồi cái dịch bệnh lại bắt họ phải quay trở về. Những cảnh nằm bờ ngủ bụi, nheo nhóc bồng trẻ cõng già chẳng khác nào cảnh tản cư hay chạy giặc năm xưa khi có chiến tranh… Chao ôi là xót xa!

Hành trình tri ân ấy có thể bắt đầu từ những bước chân trên một đoạn đường với lòng biết ơn được thắp sáng. Ý thức về nguồn cội, về quê hương để thêm kính, thêm thương và từ đó sống sao cho thiện, cho lành, cho có ích với quê hương và cộng đồng. Cũng có thể, hành trình tri ân ấy bắt đầu từ một chuyến đi. Đi, để tìm về nguồn cội, tìm về dấu tích một thời đã nằm yên trong đất lạnh mà biết xót biết đau; Cũng có thể, chỉ đơn giản là một nén nhang thơm nhưng đủ đầy kính ngưỡng, thương tưởng…

Một tấm lòng, một nghĩa cử từ trái tim giúp cho những người khốn khó quanh mình, ấy cũng là việc tri ân thiết thực nhất. Tất cả chính là để cho niềm biết ơn có mặt, cho lòng yêu nước thương nòi được biểu hiện và để cho nghĩa tình với quê hương thêm gắn bó, bền sâu!

Xin chọn cho mình không phải chỉ một lần, một tháng 7, mà là một hành trình tri ân, đến mãi mãi về sau. Hành trình ấy sẽ được nối dài và trở thành nguồn mạch trong tâm thức của cháu con, trở thành nếp sống của một dân tộc trước sau luôn trọng ân nghĩa và hiếu hạnh vẹn tròn.

Tháng 7 về, chỉ xin tự nhắc và nhắc người một lời nho nhỏ, vậy thôi!

… Tháng 7 về còn nhớ kỷ niệm xưa/ Dòng Thạch Hãn nước hòa trong máu đỏ/ Bao đồng đội nằm lại nơi Thành Cổ/ Cầu Hiền Lương chia nỗi nhớ hai đầu.

Cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 500m về phía Bắc là dòng sông Thạch Hãn - nơi được coi là “nghĩa trang không nấm mồ” với hàng nghìn liệt sỹ đã nằm xuống khi tuổi đời mới chỉ mười chín đôi mươi. Dòng sông Thạch Hãn là chứng nhân của hàng nghìn chuyến đò từ bờ Bắc đưa bộ đội ta vượt sông vào chốt giữ Thành cổ. Bởi vậy bất cứ ai đến dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ và tri ân cũng nhắn gửi: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm."

Sau 46 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã và đang ngày đêm chăm sóc gần 60.000 phần mộ liệt sỹ yên nghỉ ở 72 nghĩa trang; trong đó có Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.

Đọc thêm