Mặc dù mới thí điểm hoạt động hơn hai năm, nhưng thừa phát lại (TPL) bước dầu đã mang lại những tiện ích cho người dân và chia sẻ gánh nặng phần nào với ngành tòa án và thi hành án dân sự trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Thừa phát lại quận 8 đang lập vi bằng theo yêu cầu của người dân |
Tăng trưởng gấp 30 lần
Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, không chỉ người dân mà ngay cả nhiều cơ quan nhà nước cũng không nắm rõ TPL là gì, nó có chức năng, nhiệm vụ như thế nào, khiến cho lực lượng TPL có phần lúng túng và đắn đo.
“Quả thật thời gian đầu, rất ít người dân tới văn phòng TPL để liên hệ công việc, bởi họ thiếu thông tin về tổ chức mới mẻ này. Lúc đó có người còn xem TPL như một tổ chức chuyên đòi nợ thuê. Một hôm đang nửa đêm có người đàn ông tự xưng là phó chủ tịch phường gọi điện cho tôi nhờ đến khách sạn để lập vi bằng vì vợ anh ta đang ngoại tình trong khách sạn đó. Một hôm khác đang giờ nghỉ trưa, có cô gái gọi điện yêu cầu chúng tôi tới khách sạn xông vào phòng nơi chồng cô ấy cùng bồ nhí đang ngoại tình để chụp hình bắt quả tang…
Thậm chí có nhiều lần liên hệ với một số ủy ban phường, xã và một số cơ quan khác thì họ cũng không hiểu gì về TPL nên từ chối hợp tác và cung cấp thông tin…”- ông Nguyễn Năng Quang, Trưởng Văn phòng TPL quận Tân Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền , cộng với những tiện ích mà người dân thấy được nên TPL ngày càng hoạt động hiệu quả. Năm 2010 - năm đầu tiên đi vào hoạt động, các văn phòng TPL chỉ lập được rất ít vi bằng, có văn phòng thậm chí chỉ được vài ba trăm văn bản tống đạt của tòa án và thi hành án. Còn về xác minh điều kiện thi hành án hay trực tiếp thi hành án hầu như không có.
Sang năm 2011 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay, các văn phòng TPL đã đạt kết quả rất tốt. Đơn cử như Văn phòng TPL quận I năm 2010 chỉ đạt được hơn 600 vụ việc, văn bản, đến năm 2011, con số đó đã tăng lên gấp gần 30 lần. Sáu tháng đầu năm nay, công việc mà Văn phòng TPL quận I đã làm gần tương đương cả năm 2011. Tính chung thì trong vòng hơn hai năm qua, Văn phòng TPL quận I đã làm được gần 35 ngàn vụ việc, văn bản.
Không chỉ có Văn phòng TPL quận I hoạt động tốt, mà 7 văn phòng còn lại cũng hoạt động rất hiệu quả. Văn phòng TPL quận 8 là một ví dụ. Thời gian qua, văn phòng này đã thực hiện tống đạt trên 20 ngàn văn bản của tòa và thi hành án, lập trên 1.000 vi bằng…
Sự phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn nhiều tiềm năng của hoạt động TPL được thể hiện rất rõ, bởi lẽ hiện nay hầu như các văn phòng làm việc hết công suất, lượng người dân đến liên hệ công việc rất đông. Bà Nguyễn Thị Hạnh - TPL quận I nhấn mạnh: “Sự ra đời của chế định TPL đã góp phần tạo cơ sở để người dân có điều kiện thu thập, tạo lập chứng cứ trong hoạt động tố tụng. Nó cũng hỗ trợ cho hoạt động thi hành án, tòa án, luật sư, cơ quan công chứng và các cơ quan hành chính nhà nước khác.”..
Cũng nhìn nhận như bà Hạnh, bà Vũ Thị Trường Hạnh - Trưởng Văn phòng TPL quận 8 cho rằng: “Đây là thành công bước đầu của chế định TPL. Nó thể hiện được nội lực và vai trò tích cực của chế định này trong việc xác lập nguồn chứng cứ và bảo vệ quyền dân sự cho mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của nhân dân…”.
Sửa luật để phục vụ dân tốt hơn
Hiện có hơn 100 quốc gia sử dụng chế định TPL và hoạt dộng rất hiệu quả. Ở Việt Nam, hiện chỉ mới quay lại làm thí điểm ở TP.HCM. Ông Nguyễn Đức Thịnh - Trưởng Văn phòng TPL quận Gò Vấp dự báo: “Tương lai hoạt động TPL ở Việt Nam sẽ phát triển tốt. Bởi lẽ, đây là xu thế hội nhập và phát triển. Hoạt động này rất linh hoạt, tiện ích, lập được chứng cứ mọi lúc mọi nơi xảy ra sự việc mà có thể khi chưa có TPL họ không biết kêu ai, chia sẻ cùng ai”.
Để mô hình này hoạt động tốt thì cần có thời gian kiểm chứng. Nhà nước cũng cần quan tâm giải quyết những vướng mắc hiện nay trong công tác TPL. Một số cán bộ tư pháp, công an, tổ trưởng tổ dân phố của địa phương chưa thực sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho thư ký TPL thực hiện việc tống đạt. Một số cơ quan như thuế, các tổ chức tín dụng, công an và một số cơ quan đng ký tài sản, doanh nghiệp nước ngoài… từ chối cung cấp thông tin phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại, với lý do luật chuyên ngành không qui định TPL là đối tượng phải được cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, có tình trạng thi hành án muốn uỷ thác cho TPL thi hành và ngược lại, nhưng hiện nay Luật THADS năm 2008 và Nghị định 61 không có điều khoản nào qui định cho uỷ thác, nên trong quá trình thi hành án có những phát sinh vướng mắc không thể giải quyết ổn thoả được…
Chính vì những lẽ đó, các Văn phòng TPL kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật Tố tụng dân sự cho phù hợp, bổ sung đưa chế định TPL vào trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định 61 về ủỷ thác thi hành án giữa TPL và thi hành án. Đặc biệt thời gian tới nên cho nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác nhằm thực hiện chế định này ngày càng tốt hơn…
Ngọc Quý