Tối ngày 07/3/2015, Cường cùng một số bạn bè sau khi uống bia đã rủ nhau đến quán Zen Beer Club tiếp tục uống. Cạnh bàn Cường có một nhóm thanh niên, trong đó có anh Bùi Ngọc Phương. Một lúc sau, Cường lấy cây dao bấm đi sang bàn bên rồi bất ngờ đâm 2 nhát vào người anh Phương. Anh Phương tử vong, còn Cường lấy xe máy chạy về nhà. Khám xét nhà Cường, công an thu giữ 4 hộp tiếp đạn bằng kim loại màu trắng, 56 viên đạn bằng kim loại màu vàng, 2 cung tên, 1 dao xếp , 1 rìu kim loại, 1 đèn pin kết hợp roi điện…
Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Cường về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS. Quá trình điều tra, công an cho rằng “do nhận thấy bất thường trong hành vi và thái độ khai báo” nên đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 36/PC45, trưng cầu Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh (Trung tâm) giám định tâm thần với Cường.
Ngày 28/5/2015, Trung tâm có kết luận cho rằng: Trước thời điểm gây án, về mặt pháp luật: giảm năng lực hành vi và giảm năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tại thời điểm gây án, về mặt y học: Trạng thái rối loạn ý thức của động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách. Về mặt pháp luật, mất năng lực hành vi và mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Sau một thời gian Cường điều trị bệnh động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần biến đổi trí năng nhân cách theo quyết định điều trị bắt buộc của VKSND tỉnh, ngày 22/2/2016, công an tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với Cường về tội “Cố ý gây thương tích”. Cường chỉ bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Cuối tháng 6/2016, TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt 30 tháng tù về tội danh trên.
Thấy đối tượng gây ra cái chết cho con mình không bị truy tố, bà Ngô Thị Hạnh (mẹ nạn nhân), đã gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi. “Trước khi bị cáo được đưa ra xét xử về tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tôi đã không đồng ý với kết quả giám định tâm thần nên ngày 10/5/2016, có đơn gửi cơ quan điều tra xin giám định lại, nhưng không được đồng ý”, bà Hạnh cho biết.
Lý do không đồng ý, như văn bản do Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh ký, là: “Căn cứ vào Kết luận giám định tâm thần số 13/BKL-PYTT ngày 28/5/2015, đã kết luận: Tại thời điểm gây án Cường mất năng lực hành vi, mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự… Căn cứ vào Điều 158 và khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc bà yêu cầu giám định lại tâm thần đối với Cường là không có căn cứ” nên công an “không thể ra quyết định trưng cầu giám định lại”.
Trước trả lời này, Luật gia Hoàng Ngọc Thanh (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh), nhận định: “Sau khi gây án hơn 1 tháng đối tượng mới đưa đi giám định, vậy dựa vào đâu để đưa ra kết luận như vậy. Tôi cho rằng kết luận này là sự suy đoán tùy tiện và vô cảm”.
Ông Thanh nói thêm: “Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi thấy ở thời điểm gây án đối tượng này chỉ có thể mất năng lực hành vi do uống bia rượu. Khi đó Cường đang ăn nhậu lần thứ 3 trong một đêm. Trong trường hợp này, thủ phạm không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự, mà còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng”.
Ông Thanh cũng cho biết, việc Công an tỉnh bác bỏ đề nghị của bà Hạnh về việc giám định lại tâm thần đối với thủ phạm là không đúng quy định của pháp luật. Cường hoàn toàn có dấu hiệu phạm tội “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”.