Thúc đẩy hơn nữa quyền tiếp cận giáo dục của các nhóm yếu thế

(PLVN) - Quá trình hội nhập, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4... đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quyền tiếp cận giáo dục của các nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu trực tiếp.

Hôm nay (11/3), phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNPD), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo Rà soát, đánh giá chính sách và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN), quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của người khuyết tật (NKT) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nhiều thách thức trong thực thi quyền tiếp cận giáo dục

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy cho biết: Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế, Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy, đầu tư nâng cao hiệu quả và khuyến khích triển khai các chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN, quyền tiếp cận GDNN của NKT.

Cục trưởng Hồ Quang Huy phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hệ thống pháp luật đã dần được hoàn thiện trên nền tảng những nguyên tắc quan trọng của Hiến pháp năm 2013 và tới đây trên cơ sở báo cáo của Nhóm nghiên cứu sẽ cung cấp bức tranh tương đối đầy đủ về hệ thống các chính sách pháp luật liên quan. Tuy nhiên, quá trình hội nhập và những thách thức trong quá trình triển khai sâu rộng các hoạt động phát triển kinh tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN, quyền tiếp cận GDNN của NKT – là các nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.

Cục trưởng Hồ Quang Huy hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo rà soát, đánh giá chính sách pháp luật có liên quan đến các đối tượng này. Trên cơ sở đó, Cục Kiểm tra VBQPPL sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong nước, hoàn thiện nội dung Báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.

Đại biểu là NKT tham gia góp ý tại Hội thảo.

Bà Diana Torres - Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia của UNDP nhấn mạnh, quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em được quy định tại Công ước về quyền trẻ em và quyền tiếp cận GDNN của NKT được quy định trong Công ước về quyền của NKT. Đây là 2 Công ước mà Việt Nam là thành viên.

Cùng với những nỗ lực to lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, quyền tiếp cận giáo dục của những nhóm yếu thế trên đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật từ Luật đến các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại và thách thức trong việc bảo đảm quyền này do còn các tồn tại trong văn bản pháp luật, chính sách chung, trong triển khai pháp luật chưa đồng bộ, thiếu giám sát thường xuyên.

Rà soát gần 100 văn bản có liên quan

Đại diện Nhóm chuyên gia nghiên cứu trình bày dự thảo Báo cáo, TS Trần Văn Đạt, Q.Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trong những năm qua, việc ghi nhận và thực hiện quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN, quyền tiếp cận GDNN của NKT đã đạt được nhiều kết quả. Hệ thống pháp luật ghi nhận quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN, quyền tiếp cận GDNN của NKT hiện đã được xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi cơ hội làm việc truyền thống dần mất đi, cơ hội học tập, việc làm ngày càng trở nên hạn hẹp đối với trẻ em người DTTSMN, NKT. Việc đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN, quyền tiếp cận GDNN của NKT còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, các chính sách đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng trên còn tồn tại những bất cập, hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN, quyền tiếp cận GDNN của NKT là hết sức cần thiết.

TS Trần Văn Đạt trình bày dự thảo Báo cáo của Nhóm chuyên gia nghiên cứu.

Qua rà soát, riêng các văn bản liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN có khoảng 50 văn bản từ Luật đến Quyết định của Bộ trưởng. Trong tổ chức thực hiện, thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú với tổng mức vốn gần 642 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho hàng trăm nghìn lượt trẻ em dân tộc thiểu số; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống chính sách giáo dục cho trẻ em DTTSMN còn tồn tại một số hạn chế như chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn thấp, chưa phù hợp thực tiễn; chưa có quy định phù hợp trong trường hợp học sinh phải “tạm dừng đến trường học nhưng không dừng học” do thiên tai, dịch bệnh…

Việc thực thi và giám sát thực thi chính sách liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN chưa thực sự hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi ở một số địa phương còn hạn chế, sự quan tâm chưa thỏa đáng.

Còn liên quan đến quyền tiếp cận GDNN của NKT, nhóm nghiên cứu đã rà soát 46 văn bản quy phạm pháp luật, cho thấy có nhiều chính sách đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện: Chính sách về ưu tiên nhập học, tuyển sinh; miễn giảm một số môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục; chính sách hỗ trợ việc làm cho NKT…

Các đại biểu dự Hội thảo theo hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn triển khai Luật GDNN mới ra đời đã bị sửa đổi, bổ sung và thay thế làm cho công tác phổ biến và thực hiện còn nhiều lúng túng. Những chính sách liên quan đến dạy nghề cho NKT vẫn còn một số điểm chung chung dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Cơ chế giám sát thực thi các chính sách liên quan đến quyền tiếp cận GDNN của NKT chưa phát huy được vai trò và hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với công tác này. Việc phân bố cơ sở GDNN nói chung còn chưa đồng đều…

Để quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTSMN, quyền tiếp cận GDNN của NKT, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quan tâm, chú trọng hơn nữa việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của người DTTS trong cơ sở giáo dục. Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách đối với các vùng DTTSMN.

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Luật NKT năm 2010; sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động GDNN theo hướng quy định điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở GDNN cho NKT được hưởng các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tăng cường giám sát thực thi luật pháp, chính sách và tăng cường sự tham gia của NKT trong ban hành các quyết định và hoạt động giám sát…

Đánh giá cao các kết quả nghiên cứu và góp ý vào dự thảo Báo cáo, TS Lê Lan Chi đề nghị cần thông tin có bao nhiêu văn bản được rà soát có nội dung mâu thuẫn chồng chéo, có bao nhiêu văn bản có nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Riêng việc rà soát theo tiêu chí là tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cần xác định được có quan hệ xã hội nào trong lĩnh vực rà soát nên được điều chỉnh mà hiện tại chưa có quy định điều chỉnh (khoảng trống pháp luât)… để từ đó có cơ sở đánh giá toàn diện hệ thống pháp luật và khuyến nghị hoàn thiện.

TS Nguyễn Thị Lan thì mong muốn nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế đối với các vấn đề mà dự thảo Báo cáo đề cập để các khuyến nghị trong dự thảo Báo cáo được toàn diện, bắt kịp xu hướng của thế giới. Chẳng hạn, dự thảo Báo cáo có khuyến nghị hoàn thiện xây dựng Luật NKT thay thế Luật hiện hành, trong đó nghiên cứu ban hành quy định về tỷ lệ bắt buộc của NKT làm việc trong các cơ quan nhà nước; tỷ lệ bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT thì có thể tham khảo kinh nghiệm trong hệ thống pháp luật về NKT của Nhật Bản.

Đọc thêm