Lạ lùng nhà của “ma lúa”
Vượt qua con đường lên núi cheo leo, ngoằn ngoèo đầy đất đá, cuối cùng chúng tôi cũng tới được thôn Cả, xã Trà Hiệp. Người đi đường không khỏi tò mò khi thấy nằm xen lẫn trong ruộng lúa là những căn chòi được làm khá công phu, tất cả đều khóa cửa. Hỏi ra mới biết đó là kho thóc của người đồng bào Cor.
Người dân nơi đây quan niệm rằng, lúa có “ma” từ trời ban xuống nên khi thu hoạch, họ đều làm một căn nhà nhỏ ở ruộng lúa hoặc gần nhà để cất giữ. Ở đó “ma lúa” sẽ chịu trách nhiệm trông coi và phù hộ gia chủ sức khỏe, hàng năm ăn nên làm ra, năm sau nhiều lúa hơn năm trước.
Theo cụ Hồ Văn Tin (75 tuổi, một già làng ở thôn Cả), kho thóc của người đồng bào nơi đây có từ lâu, nằm tách biệt với nhà ở. Kho thóc được làm bằng gỗ lấy từ cây rừng, mái được lợp bằng tôn, diện tích khoảng chừng 10m2. Nhà kho được đặt ở vị trí thoáng đãng, thường là sát mép bờ ruộng lúa, cách mặt đất chừng 1m.
Trước đây kho thóc thường chỉ có một cửa nhỏ vừa đủ thân người, luôn cài kín. Khi muốn đưa thóc vào hay lấy ra, đồng bào dùng một cái thang nhỏ để leo lên. Xong việc, họ gỡ thang ra và gác lên giàn bên cạnh. Nếu nhà kho ở mép ruộng cao, họ bắt mấy tấm ván ngang qua để đi lại chứ không cần thang. Nhà kho chứa thóc của đồng bào Cor nhìn xa không khác gì một ngôi nhà sàn thu nhỏ.
“Bây giờ, những gia đình giàu có, họ làm kho thóc hiện đại hơn, mái lợp bằng ngói, tường xây gạch, nền lót bằng những miếng bê tông đúc sẵn, còn cột thì được đổ bê tông và sắt rất chắc chắn. Nhà nào nhiều lúa thì làm nhiều nhà kho hơn”, cụ Tin cho biết.
Người đồng bào Cor ở đây quan niệm, nhà kho chính là nhà riêng của “ma lúa”. Bà con tin rằng đó là hành động tôn trọng “ma lúa”. Gia đình nào làm như thế, sẽ được “ma lúa” phù hộ cho khỏe mạnh, năm sau làm ăn được mùa, dư cái ăn.
Cũng chính vì lúa có “ma” nên không để lúa trong nhà mình ở, vì ở đó có con người sinh sống. Nếu gia đình nào không làm kho riêng để chứa thóc, con “ma lúa” sẽ khiến gia đình đó đau ốm liên miên, mất mùa thiếu ăn quanh năm.
Bên cạnh ý nghĩa để được phù hộ làm ăn được mùa, kho thóc còn được xem là nơi cất lúa an toàn của bà con. Trước kia bà con chủ yếu sống trong nhà sàn, hoạt động ăn ở, nấu nướng đều diễn ra một nơi. Vì sự cất giữ lúa trong nhà sàn có thể bị cháy dẫn đến thiếu ăn nên người Cor làm một nhà riêng để cất lúa.
Cụ Tin cho biết: “Mặc dù nhà ở của người Cor ngày nay được thay bằng bê tông, mái ngói nhưng kho lúa từ lâu là hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của người dân nơi đây. Lúa được cất giữ cẩn thận trong kho, không sợ mất cái ăn và trữ giống cho vụ mùa sau. Cất lúa ở đây, con chuột, con gà cũng không tìm được mà phá”.
Theo ông Hồ Văn Việt - Trưởng thôn Cả, trước khi làm kho giữ thóc, gia chủ phải mổ gà và làm bánh từ nếp mới gặt về để cúng “ma lúa”, đón “ma lúa” từ nương rẫy về kho. Nếu gia đình khá giả có thể mổ thêm trâu và lợn cúng. Lễ cúng phải được tổ chức vào buổi sáng sớm.
“Người đồng bào ở đây quan niệm, cúng vào thời khắc một ngày mới bắt đầu sẽ phù hộ cho họ bắt đầu một cuộc sống mới, làm ăn dư giả hơn mùa trước. Thường thì lễ cúng được bắt đầu lúc 5 giờ sáng, đó cũng là lúc người đồng bào bắt đầu lên nương lên rẫy làm việc”, ông Việt cho biết.
Đến khi cần dùng đến thóc trong kho, gia chủ cũng phải cúng thêm một lần nữa mới được mang về nhà. “Sau mỗi mùa vụ, gia chủ ít nhất phải làm con gà để cúng ma lúa. Như vậy, ma lúa mới phù hộ cho mình mùa sau sẽ tốt tươi hơn, nếu không ma lúa sẽ bị đói, mà bị đói thì sẽ quở phạt bằng những trận đau ốm triền miên kéo dài có khi cả năm”, cụ Tin cho biết.
Ông Nguyễn Văn Ưa kể chuyện “ma lúa” trừng phạt kẻ trộm. |
Ai lấy trộm sẽ bị “ma lúa” trừng phạt?
Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều kho lúa đặt xa nơi ở của người dân, trẻ con trong làng thường tụ tập đến chơi nhưng không đứa trẻ nào nhòm ngó đến lúa bên trong kho.
Hỏi ra mới biết, những kho lúa mặc dù không có người canh giữ nhưng thóc cất trong kho không bao giờ bị người khác lấy cắp. Họ quan niệm kho thóc do “ma lúa” trông giữ, bất kỳ ai lấy cắp sẽ bị trừng phạt đau ốm. Nếu ai ăn cắp thì đến khi nào người ấy đem lúa trả lại cho chủ nhân của nó và cúng lễ bằng một con gà thì “ma lúa” mới tha.
Ông Nguyễn Văn Ưa (48 tuổi) cho biết: “Cha tôi kể trước đây nhiều trộm lắm, vì cái thời đó hạt lúa rất quý hiếm, nhiều người thiếu cái ăn, bây giờ thì không ai trộm lúa nữa. Cách đây khoảng 15 năm có một thanh niên trong thôn lấy cắp lúa nhà hàng xóm, bị ma lúa làm cho đau ốm mãi”.
Không chỉ sợ “ma lúa” trừng phạt, bà con ở đây còn ý thức được lúa của ai thì người ấy ăn, người khác xâm phạm vào đó là hành vi đáng xấu hổ. Chính vì những điều đó nên kho thóc dù đặt cách xa nhà nhưng bà con vẫn an tâm vì nó được đảm bảo an toàn.
“Bây giờ ở đây, khi thu hoạch lúa, lúa của ai có vương vãi thì để họ nhặt chứ không ai nghĩ đến việc đi mót cả. Vậy cho nên tình làng nghĩa xóm ở đây ấm áp lắm, họ đoàn kết, bảo bọc nhau mà sống. Những buổi chiều về lại nghe những tiếng cười giòn tan của người đi rẫy về, sướng lỗ tai lắm”, ông Ưa cho biết.
Vì nằm cách xa trung tâm xã, huyện, đời sống của bà con nơi đây còn bộn bề những khó khăn, thiếu thốn. Ngày mưa bão, mùa giáp hạt, đồng bào nơi đây thường phải chạy ăn từng bữa. Lúc đó những hạt thóc cất giữ trong kho được mang ra, làm ấm cái bụng bao người trong những ngày rét mướt.
Ông Hồ Văn Việt cho biết: “Kho giữ thóc có ý nghĩa rất quan trọng với bà con nơi đây. Thời điểm những cây mạ chỉ mới vừa lên, cũng là lúc mưa rừng bắt đầu xối xả, cái chân, cái tay lạnh cóng, bà con không còn đủ sức đi rừng. Những hạt thóc gói ghém trong kho bấy lâu sẽ trở nên quý giá hơn bao giờ hết”.
Không chỉ biết cất giữ lúa trong kho cho gia đình, dành cho ngày giáp hạt hay mùa đông, bà con còn nghĩ đến lúc thôn xóm có người bị ốm đau, những người neo đơn túng thiếu, lại mang thóc từ kho ra để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Kho thóc cũng là ân tình của người vùng cao dành cho nhau trong lúc túng bấn.
“Mình cất lúa trong kho, khi đói thì lấy ra ăn. Trong thôn, trong bản có nhà nào đói quá hết cái ăn, bà con lại góp lúa để giúp đỡ. Cái tình của bà con miền núi là thế đó. Lúa mình chia sẻ cho người nghèo khó thì qua mùa sau “ma lúa” lại phù hộ cho mình làm ra nhiều lúa hơn”, cụ Tin tự hào nói.
Ông Nguyễn Hồng Trà - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp, cho biết: “Nhà giữ thóc là một nét đẹp văn hóa mang đậm tính cộng đồng của người dân vùng cao. Ở những bản làng xa xôi, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, cách trở, thường bị cô lập vào những ngày mưa, bão lũ.
Kho thóc của thôn Cả tồn tại lâu đời, đảm bảo cuộc sống ấm no của người miền núi trong điều kiện nền kinh tế tự cung tự cấp. Đó cũng là một loại hình hậu cần truyền thống dựa vào cộng đồng để khi cần thiết, sẽ như là một trong những phương án bốn tại chỗ, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với thiên tai”.