Thân thế của cụ, xin theo sách “Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên” mà điểm dăm ba nét chính. Vốn cụ họ Phan, húy Châu Trinh (độc giả đừng gọi Chu Trinh mà lầm), tự là Hi Mã, hiệu là Tây Hồ. Thân phụ là quan võ yêu nước Phan Văn Bình, thân mẫu Lê Thị Chung. Quê cụ, vốn đất Quảng “chưa mưa đã thấm”, thuộc làng Tây Hồ, huyện Hà Đông.
Một thời tuổi trẻ
Hậu thế biết đến chí sĩ họ Phan, chủ yếu vì tinh thần vì nước của cụ buổi Tây đô hộ nhưng thời tuổi trẻ của cụ, hẳn ít ai để ý. Vậy, nên xem qua cuốn “Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử”, do nhà chí sĩ nổi danh không kém là Huỳnh Thúc Kháng, cùng thời với cụ thuật lại.
Cụ Phan Châu Trinh (1872 - 1926) vốn là con trai thứ ba trong nhà. Khi đang tuổi lớn thì mẹ là người rèn cặp cho học hành, nhưng mất sớm, lại gặp lúc nước nhà bị nạn Tây xâm, nên việc học của họ Phan có phần chậm trễ. Như ghi chép trong “”Phan Chu Trinh (1872 - 1926) của Thế Nguyên, thì sự học của vị Phó bảng tương lai, cũng khác người lắm. Ấy là “trong lúc các bạn đồng học đều chuyên chú nghe thầy, khuynh hướng về sách sử của Tàu, thì cụ lại lầm lì không quan thiết.
Chẳng phải cụ kém thông minh để đeo đuổi cái học từ chương huấn đỗ, cái học “nhồi nhét” chữ nghĩa của “thánh hiền” và lịch sử của “đại bang” hoặc “thiên triều”; nhưng vì cụ sớm nẩy nở trong lòng cái mối tình yêu quê hương, muốn tìm muốn biết những cái gì có quan hệ mật thiết giữa người dân với đất nước nhà, để mà học hiểu cho thỏa ý”. Ấy, cái khác lạ ấy đã báo trước một nhân cách phi phàm rồi.
Sau sự biến kinh thành Huế năm Ất Dậu (1885) dẫn tới phong trào Cần vương, thân phụ của họ Phan theo cờ nghĩa. Lời thuật của cụ Huỳnh Thúc Kháng cho biết lúc đó “tiên sinh mới 14 tuổi, bỏ học đi theo, thường đi săn bắn trong núi, tập việc cung mã”. Ấy rồi sau đó, thân phụ bị hại, họ Phan lại quay về nhà lúc tuổi 16, quay lại việc học hành.
Với tư chất thông minh hiếm có, nên “tuy tuổi lớn mới học, mà học ít hiểu nhiều, đọc sách có con mắt riêng, làm văn tạo xuất cách mới, không làm những lối tìm câu lặt chữ, vẽ bóng pha màu như bọn văn sĩ xằng”.
Theo nghiệp bút nghiên hơn 4 năm, được biết tiếng trong vùng. Thế rồi khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) nơi trường Thừa Thiên, ghi chép trong “Quốc triều hương khoa lục” cho ta hay, trường Thừa Thiên lấy 42 cử nhân, thì Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu, Phan Châu Trinh đứng thứ ba. Năm sau, họ Phan đỗ Phó bảng. Thế là từ đường cử nghiệp, họ Phan bắt đầu bước chân xông pha bụi hồng trần, quên mình vì quốc dân.
Ghi chép của cụ Phan Châu Trinh về sự biến Trung Kỳ bản thân bị án tù |
Nhập thế hành động
Đường đường đỗ Phó bảng, đỉnh đai chức tước chờ sẵn nay mai rồi, nhưng chí họ Phan không định ngồi ăn bã vinh hoa. Thấy thế sự nước nhà đã nghiêng lay lắm rồi, nên dẫu được làm Thừa biện bộ Lễ, nhưng như trong nghiên cứu “Phan Châu Trinh, thân thế và sự nghiệp”, thì “ông Phan không lấy việc làm quan làm lẽ sống, thì cũng không ai toan lấy quan chức, quan hàm mà lung lạc ông được”. Bởi vậy mới có chuyện Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh cười với đồng liêu mà nói rằng: “Bộ tôi có một anh Thừa biện mà cả năm tôi không thấy mặt”. Ấy là nói về Phan Châu Trinh đấy.
Thời gian “như bóng câu qua cửa sổ”, chán cảnh quan trường đất Huế, họ Phan về quê nhà Quảng Nam vui thú điền viên, lại mượn từ bạn bè là Thân Trọng Huề, Đoàn Nguyên Phổ những sách mới xuất bản của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vy, rồi J.J.Rousseau, W.Montesquieu… toàn chứa đựng tư tưởng mới. Nhờ đó mà giúp Phan Tây Hồ cởi bỏ được cái lạc hậu từ giáo dục Nho học cũ kỹ.
Tư tưởng được soi tỏ, họ Phan cùng với các bạn đồng môn một thời như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp du Nam tìm người cùng chí hướng. Ít lâu sau, ông lại ra Bắc Kỳ, lên tận Yên Thế tương kiến với Hoàng Hoa Thám.
Theo “Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên”, năm 1905, nghe tin Phan Bội Châu đề xướng việc xuất dương du học, Phan Châu Trinh quyết ý ra nước ngoài, sang Trung Hoa, rồi Hương Cảng, Nhật Bản. Cũng tại đất Phù Tang, hai chí sĩ họ Phan tao ngộ, dẫu trọng tình, nhưng cụ Phan Tây Hồ chủ trương dựa vào Pháp để cải cách cho tiến bộ với văn minh Tây phương mà giành độc lập, còn cụ Phan Sào Nam, thì muốn bạo động để giành chính quyền.
Cuối năm 1906, cụ Phan Tây Hồ về nước, gửi cho Chính phủ bảo hộ bức thư nói về họa người Tàu tràn sang nước Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp có biện pháp cải cách. “Cái chủ nghĩa của ông bấy giờ là chánh trị cách mạng, hết sức phản đối cái chánh trị hẹp hòi của Chánh phủ bảo hộ và cái thói tham lam áp chế của vua quan Nam trào”… “nếu ta không tự trông cậy vào ta thì ta sẽ bị diệt vong ngay”.
Bởi thế, ông về Quảng Nam khởi xướng việc lập trường học, dựng nhà buôn, mở hội canh nông, đi diễn thuyết khắp nơi truyền bá tư tưởng mới… Dĩ nhiên là việc làm ấy từ Pháp cho đến Nam triều, đều không thuận, chỉ cần có cớ, là sớm cho họ Phan làm bạn với nhà lao, án quyết.
Chính lời thuật của cụ Phan trong “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký” cho ta được biết năm 1908, Quảng Nam và mấy tỉnh Trung Kỳ xảy ra việc chống sưu thuế, chính quyền đàn áp, khiến người bị thương nhiều, mà kẻ bị tù, bị chém cũng lắm.
Và “tôi cũng là một người liên lụy trong đó, sự chết chỉ còn cách tôi một sợi tóc”. Nhân việc dân Trung Kỳ nổi dậy chống việc sách nhiễu, tăng thuế, chính quyền nhà Nguyễn quy họ Phan vào tội cổ động việc ấy, thế là “ngày hôm ấy sáng dậy, ông gội đầu rửa mặt xong rồi, thì có người Đội mật thám cầm giấy đến mời ông lại Dinh, ông đã biết có biến, song vẫn coi như thường”.
Côn Lôn đập đá
Chẳng riêng gì cụ Phan, nhân cái vụ đàn áp ấy, mà thân sĩ Quảng Nam “người nào có danh tiếng đều bị bắt giam”. Nực cười ở chỗ, chính theo lời cụ Phan thuật lại trong “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký”, thì sau khi bắt giam rồi “chỉ có Công sứ và quan tỉnh người Nam qua lại bàn nhau rồi tự kết án. Trước khi làm án toàn không xét hỏi, sau khi làm án xong cũng không cho đương sự biết”.
Cái tội mà các chí sĩ yêu nước Quảng Nam bị kết án dạo ấy, như Phan Diện, Lê Bá Trinh, Nguyễn Thành… phần nhiều là “cả thảy đều lấy dân quyền làm chủ nghĩa, xúi người ra sinh lòng chia rẽ”. Quan trọng hơn, là vai trò của cụ Phan trong bản án ấy, được phía bên kia xác định là “xét tình thiệt, thì do Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng xướng ra, còn mấy tên đó phụ họa mà thôi”.
Phan Châu Trinh |
Vậy là, nhân việc đàn áp dân chống sưu, mà liên lụy đến nhà yêu nước, với tội lớn đầu tàu, nên các can phạm phải “hỏi xét rõ ràng đặng bắt tội cho xứng đáng”. Cuối cùng, bản án được tuyên, nguyên văn án ấy, được cụ Huỳnh thuê người sao lại, chép rõ:
“Bây giờ chiếu theo luật “mưu làm giặc mà chưa làm” định tội: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Diện cũng bắt tội như Phan Chu Trinh, xử tử, đày ra Côn Lôn, còn Nguyễn Thành và Lê Bá Trinh thì đánh 100 gậy, đày đi 3.000 dặm”.
Án tỉnh Quảng ra là vậy, nhưng trong “Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử”, cụ Huỳnh Thúc Kháng cho biết “quan Tây không chịu (nghe đâu có Hội bảo trợ nhân quyền binh vực, và cũng có một ông quan Nam không ký tên) mới giảm đẳng, kêu án xử tử phát Côn Lôn, ngộ xà bất nguyên”.
Thú vị làm sao, vẫn lời cụ Huỳnh cho biết, cụ Phan nghĩ phen này chắc không khỏi chết, đến khi giải ra cửa Đông Nam của kinh thành, mới hay phát đi Côn Lôn, bèn làm bài tuyệt cú:
Xiềng sắt lang tang ra cửa Đông,
Ngâm nga ngợi hát lưỡi còn không.
Giống nòi mòn mỏi non sông lặng,
Ai để Côn Lôn ngã tấm lòng!
Và thế là từ đây, đất Côn Lôn giam cầm nhà chí sĩ. Nhưng khí phách ấy, vẫn hào sảng mà ngâm ngợi cái chí muốn dời non lấp bể: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non/Xách búa đánh tan năm bảy đống/Ra tay đập bể mấy trăm hòn...".