Thực hư chuyện 'Mả tù' ở Biên Hòa

(PLO) -“Mả tù” được cho là nơi chôn cất 400 người theo đạo Thiên chúa giáo trong thời kỳ cấm đạo khắt khe của vua nhà Nguyễn. Địa danh này gắn liền với lịch sử của thành Biên Hòa với nhiều bí ẩn. 
Cụ Tư Xanh cho biết khu vực “Mả tù” nay không còn.
Cụ Tư Xanh cho biết khu vực “Mả tù” nay không còn.

Đây được cho cũng là nơi chôn cất nhiều chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp tra tấn đến chết trong nhà lao Biên Hòa. Địa danh “mả tù” chỉ còn sót lại trong ký ức của một số cao niên sống ở khu vực Dốc Sỏi, Ngã Ba Thành, chợ nhỏ Cây Chàm (thuộc phường Quang Vinh, TP, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). 

Lịch sử hàng trăm năm

Theo tài liệu và cuốn kỷ yếu 150 năm thành lập giáo xứ Biên Hòa được in vào năm 2013, có đoạn nói về gốc tích của địa danh “Mả tù”. Năm 1802, vua Gia Long giành được đất nước từ tay nhà Tây Sơn. Do chịu ơn một đức cha đạo Thiên chúa, vua Gia Long cho tự do truyền đạo.

Đến thời vua Minh Mạng bắt đầu cấm đạo. Số giáo dân ở vùng Biên Hòa, Bình Dương, Gia Định chỉ còn vài trăm người. Thời vua Tự Đức, việc cấm đạo càng chặt chẽ. Vua ban hành 13 sắc chỉ cấm đạo, ra lệnh bắt giam tất cả những người không chịu cải đạo, bỏ đạo. 

Tương truyền các tín hữu và họ đạo ở Mỹ Hội, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Tân Triều (Biên Hòa) tổng cộng 600 người đã bị bắt giam vào nhà lao Biên Hòa, nằm trong thành Biên Hòa. Một số người không chịu nổi đòn roi, xin cải đạo hoặc bỏ đạo nên được đưa ra sống, chịu sự giám sát. Khu vực Dốc Sỏi (phường Quang Vinh) được cho là pháp trường, nơi một số người theo đạo có uy tín bị mang ra xử chém.

Cuộc cấm đạo khắt khe khiến quanh vùng không còn ai theo đạo Thiên chúa giáo. Năm 1859, Pháp và liên quân Tây Ban Nha tấn công, thành Gia Định thất thủ. Đến ngày 17/12/1861, Pháp tiếp tục tấn công thành Biên Hòa, quân nhà Nguyễn chống trả không nổi phải rút lui.

Trước thời điểm quân Pháp tấn công, trong nhà lao Biên Hòa có 407 tù nhân. Theo cuốn kỷ yếu của giáo xứ Biên Hòa: “Trước khi rút chạy, triều đình nhà Nguyễn ra lệnh cho lính phóng hỏa thiêu rụi nhà lao Biên Hòa. Ngọn lửa thiêu chết 400 người, còn lại 7 người thoát được ra ngoài”.

Pháp chiếm được thành Biên Hòa, ép nhà Nguyễn ký kết hiệp ước nhượng 3 tỉnh miền Đông cho mình. Một số giáo dân còn sót lại tập hợp về lập làng sống ở gần chợ Biên Hòa lập nên giáo xứ Biên Hòa ngày nay. 

Tìm trong đám tro tàn của nhà lao Biên Hòa, người ta phát hiện hàng trăm thi thể. Người dân chôn cất ngay tại chỗ. Số ngôi mộ lên đến 400 nên chiếm một khu đất khá rộng, trở thành nghĩa trang.

Đến năm 1875, cha đạo cai quản giáo xứ Biên Hòa người Pháp tên là Louvet (thường được gọi là cha Ngôn) mới cho dựng tại nơi chôn cất này một cây bia đá có khắc hình thánh giá để ghi nhớ sự kiện trên, đặt tên là “nghĩa trang đất thánh”. Tuy nhiên, người dân Biên Hòa thường hay gọi nghĩa trang này là “Mả tù”. Địa danh này có từ đây.

Ngôi mộ tập thể chôn cất 400 bộ hài cốt.

 Ngôi mộ tập thể chôn cất 400 bộ hài cốt.

Dấu xưa phai mờ

Vết tích khu “Mả tù” ngày nay không còn. Khu vực này giờ là nhà cửa san sát, cao lớn, là trường học khang trang. Dò hỏi nhưng rất ít người biết được địa danh xưa. Trong số ít đó có cụ Tư Xanh (87 tuổi, tên thật là Nguyễn Văn Xanh). Cụ Tư Xanh sống ngay sát khu vực “Mả tù” xưa, hiện là thủ từ một ngôi miếu ở gần nhà.

Cụ kể: “Địa danh “Mả tù” có từ rất lâu. Khi tôi sinh ra đã có tên này. Nghe người ta kể loáng thoáng về chuyện có nhiều người đạo Thiên chúa giáo chết cháy và được chôn ở đây nhưng không biết có thật không.

Nhưng từ năm 1945, nơi đây thường chôn cất những người chí sĩ cách mạng bị thực dân Pháp tra tấn đến chết trong nhà lao Biên Hòa (cách đó khoảng 1,5km). Cứ lâu lâu, thấy xe từ nhà thương (tức Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ trên đường 30/4, TP. Biên Hòa) chở đến vài cái xác.

Một vài lần, tôi và anh em trong xóm đến đào huyệt chôn cất. Rồi người dân xung quanh đây cũng tiếp tục chôn cất thân nhân mình tạo thành một nghĩa địa lớn”.

Theo lời kể, khu vực trên hồi ấy toàn cây cối, ít nhà dân nên cứ chập choạng tối là không ai dám qua lại. Mãi đến năm 1954, nhiều người theo đạo thiên chúa từ miền Bắc di cư vào, tụ tập xung quanh khu vực “Mả tù” tạo thành “xóm Mả tù”, ngày nay còn có tên gọi là hẻm Bắc Hà.

Cụ Tư Xanh cho rằng địa danh “Mả tù” không phải nơi chôn cất 400 người theo đạo thiên chúa giáo bị thiêu chết bởi quân nhà Nguyễn. Cụ cho biết, khu mộ này được chôn ở ngay nhà lao Biên Hòa và cách khu vực “Mả tù” khá xa. Cụ ông lý giải tên gọi “Mả tù” là do những phạm nhân trong tù chết mang đến chôn cất. 

Tuy nhiên, trong cuốn kỷ yếu 150 giáo xứ Biên Hòa ghi rõ: “Khu mộ chôn cất 400 người theo đạo thiên chúa này được người ta thường gọi là “Mả tù””. Theo ghi chép, sau đó khu mộ được dời đi nơi khác, đến năm 1964 lại di dời đến nghĩa trang Đất Thánh (thuộc phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa).

Một số nhà nghiên cứu cũng xác nhận khu vực “Mả tù” chính là nơi chôn cất 400 bộ hài cốt. Nơi đây được di dời. Nhất là sau năm 1975, nhu cầu làm khu dân cư, tách riêng nơi an nghỉ của những người có đạo về một khu vực riêng, giáo xứ Biên Hòa tiến hành di dời những ngôi mộ. “Còn lại những mồ mả nào không có người thân đến nhận, người ta san lấp, làm nhà, giờ còn biết chỗ nào là “Mả tù” nữa. Thành nhà cửa hết cả rồi”, cụ Tư Xanh nói.

Tiếp tục tìm đến nghĩa trang Đất Thánh nơi di dời khu vực “Mả tù”, ông Nguyễn Văn Quang, quản lý nghĩa trang, cho biết: “Năm 1964, cha xứ cho dời về đây. Ban đầu đặt ở phía trên, ngăn giữa thành ranh giới giữa mồ mả bên lương giáo với công giáo. Tất cả hài cốt đều được bỏ vào một cái hộp dài khoảng 50cm, rộng và cao chừng 15cm. Bốn trăm cái hộp được chôn riêng lẻ, thành hàng dài. Tuy nhiên, đến năm 2013, cải táng thêm một lần nữa thì lại chôn tập thể một nấm mồ”.

Cụ Tư Xanh kể: “Địa danh “Mả tù” có từ rất lâu. Khi tôi sinh ra đã có tên này. Nghe người ta kể loáng thoáng về chuyện có nhiều người đạo Thiên chúa giáo chết cháy và được chôn ở đây nhưng không biết có thật không.

Nhưng từ năm 1945, nơi đây thường chôn cất những người chí sĩ cách mạng bị thực dân Pháp tra tấn đến chết trong nhà lao Biên Hòa (cách đó khoảng 1,5km).

Cứ lâu lâu, thấy xe từ nhà thương (tức Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ trên đường 30/4, TP. Biên Hòa) chở đến vài cái xác. Một vài lần, tôi và anh em trong xóm đến đào huyệt chôn cất. Rồi người dân xung quanh đây cũng tiếp tục chôn cất thân nhân mình tạo thành một nghĩa địa lớn”.

Đọc thêm