Thực hư chuyện vị tướng cứu người đẹp, được cha cô gái nơi suối vàng cứu mạng

(PLO) - “Kết cỏ ngậm vành” là dịch ở bốn chữ “Kiết thảo hàm hoàn”.
Tích ông lão “kết cỏ” giúp tướng Ngụy Khỏa đánh bại tướng giặc, là bài học răn đời phải sống ơn đền nghĩa trả.

Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có câu:

“Dám nhờ cốt nhục tử sanh

Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau”.

Điển tích “kết cỏ ngậm vành” lấy ở câu chuyện sau đây:

***

Theo truyện Chiến Quốc Xuân Thu, vua nước Tấn sai tướng quân Ngụy Khỏa đem quân sang đánh một nước lãng giềng. Nước này chẳng bao lâu không giữ nổi, bị Ngụy Khỏa chiếm thành.

Bấy giờ, chúa nước Tần là nước láng giềng khác của nước Tấn, hay tin nên nghĩ thầm: “Nếu để nước Tấn như vậy thì uy thế sẽ vượt hẳn nước Tần”. Nghĩ như thế, liền sai Đỗ Hồi là viên tướng có sức mạnh phi thường kéo đại binh đến tấn công Ngụy Khỏa.

Đỗ Hồi là viên tướng chuyên dùng cây khai sơn đại phủ (búa lớn) nặng 120 cân, sức địch muôn người. Người ta kể lại rằng: Một hôm Đỗ Hồi vào rừng săn bắn, một mình tay không mà đánh chết năm con cọp lớn, lột da đem về may áo ấm. Nước Tần nhờ có Đỗ Hồi mà giữ an được bờ cõi, không nước nào dám dòm ngó cả. 

Vâng lệnh vua Tần, Đỗ Hồi dẫn quân đến vây thành. Ngụy Khỏa hay tin, vội đem quân ra khỏi thành năm dặm để mai phục, nghênh chiến. Đỗ Hồi ỷ mình có sức mạnh, nên chẳng cần bố trí trận mạc, một mình vác cây khai sơn đại phủ cùng 300 tinh binh xông vào trận đánh giết quân Ngụy Khỏa như vào chỗ không người.

Quân Ngụy Khỏa tan rất nhanh, lớp chết, lớp bỏ chạy. Ngụy Khỏa hoảng sợ, vội kéo tàn quân vào thành, đóng cửa thật chặt, không dám nghênh chiến, mặc dù Đỗ Hồi kéo quân đến trước cửa thành chửi rủa đủ điều, mắng nhiếc, khinh miệt.

Đêm ấy, Ngụy Khỏa buồn rầu, không biết cách nào để đánh lui quân Đỗ Hồi được. Trong lúc suy nghĩ mông lung, Ngụy Khỏa dựa mình vào thành ghế, chợp mắt ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc mơ, Ngụy Khỏa trông thấy một ông lão, đầu tóc bạc phơ, đến gọi Ngụy Khỏa nói: “Thanh thảo pha! Thanh thảo pha!”

Ngụy Khỏa giật mình tỉnh dậy, hình bóng ông lão biến đâu mất, bên tai Ngụy Khỏa còn nghe văng vẳng tiếng nói: “Thanh thảo pha!”.

Ngụy Khỏa không hiểu gì cả, cho đây là cơn ác mộng vì ban ngày thua trận nên tâm thần bất định, sinh chuyện mộng mị lúc ban đêm.

Nghĩ như vậy, Ngụy Khỏa leo lên giường ngủ tiếp. Trong lúc tâm thần vừa chập chờn nửa tỉnh nửa say thì lại nghe tiếng gọi: “Thanh thảo pha! Thanh thảo pha!”.

Ngụy Khỏa giật mình, không sao ngủ được, đốt đèn ngồi đợi trời sáng.

***

Trời vừa rạng đông, ngoài thành đã nghe tiếng hét của quân Tần và tiếng chửi rủa, khiêu khích của Đỗ Hồi làm cho Ngụy Khỏa thêm rối trí.

Ngụy Khỏa đem câu chuyện đêm vừa rồi kể lại cho em trai Ngụy Ý nghe và nói: “Ta từ khi chinh chiến đến nay biết bao nhiêu trận thắng bại, lẽ nào mới giao tranh có một trận với Đỗ Hồi mà tinh thần sa sút như vậy. Ta chắc trong giấc mộng vừa rồi có điều gì quan trọng”.

Ngụy Ý nói: “Cách nơi đây năm dặm, có một chỗ tên là Thanh thảo pha. Có lẽ thần linh mách bảo cho ta đánh tan quân Tần ở đó”.

Ngụy Khỏa nghe nói mừng rỡ, kêu những quân sĩ đã ở lâu trong thành đến hỏi thì được biết Thanh thảo pha là một vùng hoang vắng, ở đó có một loài cỏ mọc cao, thân dẻo, người ta dùng cỏ này se thành gióng để gánh các vật nặng.

Ngụy Ý nói: “Vậy ngày mai em đem một toán quân mai phục ở đó, còn anh đem quân nghênh chiến với Đỗ Hồi, dụ Đỗ Hồi rượt đến vùng Thanh thảo pha, dùng thế tiền công, hậu kích, tả hữu giáp công đánh cho tan đội quân của Đỗ Hồi rồi chúng ta thừa thắng bắt Đỗ Hồi sau”.  

Ngụy Khỏa cho là diệu kế, hợp với điều chiêm bao vừa rồi, truyền quân chuẩn bị làm theo lời của Ngụy Ý.

Đêm hôm ấy, vừa mới canh ba, Ngụy Ý mở cửa thành dẫn một đoàn quân âm thầm ra đi, kéo đến Thanh thảo pha mai phục. Trong lúc tối trời, không thấy một tên quân nào của Đỗ Hồi ngăn cản.

Sáng hôm sau, Ngụy Khỏa mở cửa thành nghênh chiến với Đỗ Hồi nhưng không đánh mà chỉ để bảo vệ thực lực, kéo chạy về hướng Thanh thảo pha.

Đỗ Hồi là một viên tướng có sức mạnh xuất chúng, nên không cần để ý đến mưu lược của đối phương, một người một ngựa đuổi theo đoàn quân Ngụy Khỏa.

Quả nhiên, khi lọt vào nơi phục binh của Ngụy Ý, Ngụy Khỏa dừng quân lại, tức thì phục quân của Ngụy Ý bốn mặt nổi lên, la ó vang trời, vây Đỗ Hồi và đám kiêu binh của quân Tần vào giữa trận.

Đỗ Hồi cầm khai sơn đại phủ chém bốn mặt, làm cho quân Tấn rối loạn không dám vây và lần tan rã, lớp chết, lớp bị thương vô số. Anh em Ngụy Khỏa thất kinh, toan thu góp tàn quân trốn chạy về thành để cố thủ thì thấy Đỗ Hồi đang vùng vẫy đâm chém bỗng cả người ngựa đều té lăn xuống đất.

Con ngựa hoảng hốt đứng dậy đi được ít bước lại ngã xuống, Đỗ Hồi cũng thế, vừa gượng dậy nhảy đến trước thì lại té liểng xiểng, chiếc búa nặng 120 cân cũng rời ra khỏi tay, văng đi chỗ khác.

Thừa dịp Đỗ Hồi bị té, tay không còn vũ khí, Ngụy Khỏa và Ngụy Ý xáp tới bắt sống Đỗ Hồi trói lại. Đám tàn quân của Ngụy Khỏa thấy vậy quay lại hợp nhau trói chặt Đỗ Hồi giải về thành. Quân Tần mất tướng vỡ chạy tán loạn. Đỗ Hồi bị bắt thì làu bàu: “Nếu ta không bị những hèm cỏ kết lại làm vướng chân ngựa thì mạng sống các người có còn không?”.

Đêm hôm sau, trong lúc Ngụy Khỏa vào giường ngủ, vừa mơ màng thì thấy ông già hôm nọ hiện ra kính cẩn chắp tay chào Ngụy Khỏa, nói: “Lão phu chúc mừng tướng công thắng trận”.

Ngụy Khỏa giật mình, thấy đúng là ông lão đã gọi Ngụy Khỏa phục binh nơi Thanh thảo pha hôm trước, Ngụy Khỏa hỏi: “Có phải lão trượng đã giúp anh em ta thắng được Đỗ Hồi ở trận Thanh thảo pha không?”.

Ông lão đáp: “Tướng công có biết vì sao Đỗ Hồi đang giao tranh lại té xuống ngựa không? Đó là do lão kết cỏ dài tại Thanh thảo pha để Đỗ Hồi sa ngựa, không còn giao chiến được nữa”.

Ngụy Khỏa nghe nói vội vàng chắp tay bái tạ, ông lão đã xua tay nói: “Thật ra lão phu mang ơn tướng công rất nặng, việc lão phu giúp đỡ tướng công nơi Thanh thảo pha chưa thấm vào đâu. Lão phu là cha của Tố Cơ, cảm ơn tướng công trước đây đã không chôn sống con gái lão, mà đã đem con gái lão gả cho một người xứng đáng. Ơn ấy dù ở suối vàng, lão phu cũng không quên”.

Dứt lời, ông lão biến mất, và Ngụy Khỏa cũng giật mình thức dậy, tâm trí còn miên man trong câu chuyện xa xưa.

***

Nguyên thân phụ Ngụy Khỏa là Ngụy Lê lúc sinh tiền có người hầu thiếp trẻ đẹp, tên là Tố Cơ. Nàng Tố Cơ nhan sắc mặn mà, nết na đoan chính, thật là một giai nhân quốc sắc khuynh thành. Vì tuổi già, được một nàng hầu trẻ đẹp, Ngụy Lê rất quí mến Tố Cơ.

Ngụy Lê là một võ tướng, thường vâng mệnh triều đình đem quân chinh phạt đó đây. Mỗi khi xuất quân, Ngụy Lê nhớ thương Tố Cơ nên thường dặn đứa con trai là Ngụy Khỏa: “Nếu chẳng may cha có chết nơi chiến trận, con nên tìm nơi tử tế mà gả Tố Cơ, đừng để nàng bơ vơ chiếc bóng, phải làm sao cho nàng hạnh phúc thì vong hồn cha mới hả hê nơi chốn tuyền đài”.

Ngụy Khỏa là đứa con chí hiếu, hứa với Ngụy Lê là sẽ làm hài lòng thân phụ.

Nhưng Ngụy Lê không chết ở sa trường, mà lâm bệnh chết ở tư dinh.

Trước khi nhắm mắt, Ngụy Lê kêu hai con trai đến dặn: “Cha sắp chết. Nàng Tố Cơ là người yêu quí nhất đời cha. Cuộc đời cha chỉ có Tố Cơ mà thôi. Vậy lúc chôn cha, con chôn luôn Tố Cơ bên cạnh cha để vong hồn cha nơi suối vàng khỏi bơ vơ hiu quạnh”.

Trối xong đâu đó, Ngụy Lê tắt thở. Ngụy Khỏa lo việc tang ma, chôn cất thân phụ chàng rất trọng lễ, nhưng không bắt nàng Tố Cơ chôn theo như lời Ngụy Lê dặn.

Người em thấy vậy hỏi: “Trước khi lâm chung, thân phụ có dặn đem chôn Tố Cơ bên mộ để thân phụ khỏi cô đơn, sao anh lại không làm theo lời trăn trối?”.

Ngụy Khỏa đáp: “Lúc thân phụ còn mạnh khỏe, đem quân giao tranh với các nước, thân phụ có dặn nếu rủi ro bề nào anh nên tìm nơi gả chồng cho dì Tố Cơ, để nàng an vui hạnh phúc. Được vậy thân phụ mới an giấc nghìn thu. Đó là lời “chân mệnh”.

Còn vừa rồi, phụ thân lâm bệnh nặng, tinh thần mê sảng, ý chí không còn minh mẫn, những di mệnh trong lúc đó là “loạn mệnh”. Chúng ta làm con không nên tuân theo những lời đó”.

Sau đó ba năm, khi đã mãn tang cha. Ngụy Khỏa đem nàng Tố Cơ về gả cho một nho sĩ danh tiếng, và nàng Tố Cơ tiếp tục sống cuộc đời yêu thương hạnh phúc.

Chịu ơn như vậy, thân phụ nàng Tố Cơ cho đến chết cũng không quên ơn nên hiện hồn kết cỏ tại Thanh thảo pha để đền ơn Ngụy Khỏa.

***

Tích “Kết cỏ” như vậy, còn tích “Ngậm vành” do hai tích sau đây mà ra:

Về đời vua Thái Mậu nhà Thương, có một vị chư hầu đem dâng vua một con chim Hoàng tước.

Chim rất đẹp, vua Thái Mậu thương mến vô cùng, truyền các thái giám làm một chiếc lồng son, gắn chén ngọc đựng thức ăn, thức uống cho chim.

Viên thái giám chăm sóc chim rất chu đáo. Và cứ mỗi buổi tan hầu, vua thân hành đến ngắm nghía, tự tay cho chim ăn.

Tuy nhiên, chim Hoàng tước biếng ăn, biếng hót, ngày đêm ủ rũ trong lồng son.

Viên thái giám thấy chim buồn, vua không vui, nên quì tâu: “Tâu bệ hạ, chim mới bắt về, chưa quen lồng và còn lạ với cảnh vật xung quanh, xin bệ hạ cho phép hạ thần đưa chim ra ngoài vườn Ngự Uyển có lẽ chim sẽ không còn nhớ rừng nữa, cuộc sống trở nên bình thường”.

Vua Thái Mậu đồng ý. Chim Hoàng tước được đem treo trong vườn Ngự Uyển, nơi gần gũi với cảnh vật thiên nhiên.

Ngỡ là Hoàng tước được treo ngoài vườn cây bao la, sẽ không còn ủ rũ nữa, nhưng trái lại, từ khi đưa Hoàng tước ra nơi đây thì có con Hoàng tước mái từ đâu bay đến, đậu trên cây cao kêu rất thảm não, sầu đau. Nghe tiếng chim mái kêu, Hoàng tước trống trong lồng càng ủ rũ, buồn rầu hơn nữa.

Thấy chim trống buồn rầu, chim mái kêu đau thương, vua Thái Mậu xót xa, liền ra lệnh mở lồng thả chim Hoàng tước ra. “ Ta rất quí chim, nhưng ta cũng rất đau xót khi thấy chim buồn khổ. Ta nuôi chim là để cho vui, nay lòng ta thấy không vui thì nuôi chim để làm gì?”.

Được sổ lồng, Hoàng tước trống và Hoàng tước mái đều bay đậu lên cây, cất tiếng hót vui sướng, tung cánh bay lượn xung quanh đầu vua ba lần trước khi rời hoàng cung.

Ít lâu sau, giữa lúc vua Thái Mậu đang xem hoa trong vườn Ngự Uyển thì bỗng thấy chim Hoàng tước trống bay đến, đáp xuống trước mặt vua, miệng ngậm một chiếc vòng ngọc. Chim Hoàng tước xòe cánh múa tung tăng và dâng chiếc vòng ngọc quý tạ ơn vua.

Điển tích “Ngậm vành” còn được kể như sau: Về đời Hậu Hán có một cậu bé tên Dương Bảo mới 8 tuổi, ngày ngày thường chạy nhảy vui đùa trên cánh đồng gần khu rừng thuộc huyện Tứ Xuyên.

Một hôm, Dương Bảo đang ngồi dưới gốc cây, bỗng nghe tiếng chim kêu thảm thiết. Ngoảnh nhìn lại, Dương Bảo thấy một con chim sẻ lông vàng óng ánh, bị chim bồ cắt mổ rơi xuống từ lúc nào, gãy cánh không còn bay được, lũ kiến lại bu vào cắn khắp mình. Chim giãy dụa rên than, tiếng kêu ai oán.

Dương Bảo chạy đến, nhặt chim sẻ lên, đuổi sạch hết kiến rồi đem về nhà rửa sạch các vết thương, xức thuốc và chăm sóc tử tế. Hàng ngày, Dương Bảo không rời chim sẻ, bắt mồi cho chim ăn và cùng với chim như đôi bạn tâm tình.

Thời gian một tháng, các vết thương của chim lành dần và lông cánh chim cũng mọc dài ra. Dương Bảo mừng rỡ, thấy chim có thể bay vào rừng kiếm ăn và sống với thiên nhiên được nên đem chim vào thả nơi khu rừng cũ.

Nhưng lạ thay, lúc Dương Bảo vừa thả chim vào rừng thì có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mặc áo vàng mịn như lông chim, chân đi giày cỏ, dáng mạo như một vị Hoàng tử anh tuấn.

Không thấy chim đâu lại thấy chàng trai áo vàng đang cầm bốn chiếc vòng ngọc đến trước mặt Dương Bảo nói: “Tôi chịu ơn cứu tử, nuôi nấng, chăm sóc từ lâu nay tôi có bốn vật quí xin dâng đền ơn cậu, xin cậu hãy giữ lấy. Bốn vật quí này sẽ giúp cho con cháu cậu về sau bốn đời làm đến chức Tam Công, giữ được phẩm giá trong sạch, tiếng tăm lừng lẫy trong thiên hạ”.

Nhận lãnh bốn chiếc vòng ngọc quí, Dương Bảo chưa kịp nói lời cảm ơn thì chàng trai áo vàng đã biến đâu mất.

Quả nhiên, về sau dòng họ Dương Bảo bốn đời làm chức Tam Công, quyền uy trong thiên hạ, tiếng thơm lẫy lừng.

Đọc thêm