Vậy thực hư câu chuyện này ra sao?
Thất tịch là gì?
Thất tịch hay còn gọi là ngày Valentine Đông Á được diễn ra vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết, mỗi năm cứ vào ngày này, Ngưu Lang Chức Nữ sẽ được gặp nhau bên cây cầu Ô Thước. Tại Hàn Quốc, Thất tịch được gọi là lễ Chilseok. Ở Nhật Bản cũng có lễ Tanabata để kỉ niệm ngày lễ hội này, nhưng là vào 7/7 dương lịch.
Ăn chè đậu đỏ lan truyền tại Việt Nam thế nào?
Trên thực tế, ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch hoàn toàn không phải là tập tục lâu đời bắt nguồn từ Trung Quốc. Loại "đậu đỏ" được xem là biểu trưng cho Thất tịch tại Trung Quốc vốn tên là đậu tương tư.
Đậu tương tư có kích thước nhỏ, chỉ cỡ đầu ngón tay út, dáng thon thon như hình trái tim, vỏ bóng. Do hạt đậu có màu đỏ đặc trưng khó phai, ít bị hư hại, lại rắn chắc nên được xem như biểu trưng cho tình yêu chân thành, thuần khiết.
Đậu tương tư biểu trưng cho Thất tịch Trung Quốc. |
Có lẽ do sai sót trong việc truyền bá thông tin về ngày lễ Thất tịch nên dẫn đến việc nhiều bạn trẻ bị ngộ nhận rằng, đậu tương tư chính là đậu đỏ ở Việt Nam.
Tại Trung Quốc, đậu tương tư thường được kết thành vòng tay, dây đeo hoặc bỏ vào lọ thủy tinh, túi vải nhỏ rồi trang trí cho thật đẹp để làm vật kỉ niệm hay quà tặng đối phương. Ở một số nơi, người ta còn để đậu tương tư dưới gối sau khi kết hôn để nguyện cầu tình nghĩa vợ chồng bền lâu.
Như thế, "đậu đỏ" hay đậu tương tư chỉ là vật để trang trí, tặng nhau vào lễ Thất tịch chứ không phải là nguyên liệu của món "chè tình nhân" hay chè "thoát ế".