Thực tế bất công đằng sau sự ế ẩm của bệnh viện tư

(PLO) - Trong khi các bệnh viện công đều quá tải, thậm chí có trường hợp 3-4 bệnh nhân chung một giường thì thực tế lại trái ngược hoàn toàn đối với khối các bệnh viện tư, khi có đơn vị chỉ khai thác được 20% công suất. Đằng sau sự tương phản này, có nguyên nhân quan trọng bởi  “đứa con” mang trọng trách cao cả trong công cuộc xã hội hóa y tế lại đang bị đối đãi như thân phận  đứa “con rơi”. 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Nghe theo chủ trương xã hội hóa công tác y tế, nhiều ông chủ đã bạo tay chi tiền “khủng” để xây bệnh viện. Nhưng đâu phải bệnh viện nào lập ra cũng sống được. Bởi đã có nhiều phòng mổ, nhiều chiếc máy chiếu chụp đắt tiền và nhiều khu điều trị nội trú được đầu tư, nhưng rốt cục sau nhiều năm vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Hứa rất nhiều…
Ngày  18/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế với những định hướng rất quan trọng cho sự phát triển “dài hơi” của khối y tế ngoài công lập. 
Để phát huy nguồn lực lớn đang nằm ở dạng tiềm năng trong dân, Chính phủ cam kết sẽ tạo ra nhiều ưu đãi trong các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, thậm chí đổi mới cả cơ chế sử dụng ngân sách để khối ngoài công lập có điều kiện mạnh dạn mở bệnh viện, phòng khám tư nhân, bác sĩ gia đình. 
Nhà nước còn “hứa” sẽ ngăn chặn, xoá bỏ độc quyền trong xuất nhập khẩu, sản xuất và cung ứng thuốc chữa bệnh. Hoàn thành việc chuyển các cơ sở y tế bán công sang dân lập hoặc tư nhân để làm sao ở các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển đều có bệnh viện ngoài công lập. 
“Nhà nước tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo luật pháp để thúc đẩy các cơ sở công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng, xây dựng các cơ sở đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”- Chính phủ định hướng. 
Chỉ hoạt động được 20% công suất
Để biết rõ khối y tế ngoài công lập hiện đang sống ra sao, phóng viên đã tìm hiểu tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa). Chủ bệnh viện  này là ông Nguyễn Văn Đệ (hay còn gọi là Bầu Đệ) cho biết đã chi gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư một bệnh viện với quy mô 800 giường bệnh, với nhiều trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến, cùng với một đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm được ông “mua” về từ các bệnh viện công, nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động bệnh viện này cũng không chịu được “nhiệt” do không tài nào cạnh tranh nổi với những bệnh viện vốn là “con đẻ” của Nhà nước.. 
“So với quy mô đầu tư thì hiện bệnh viện mới chỉ khai thác được khoảng 50% công suất. Một tòa nhà 9 tầng khang trang với quy mô 200 giường bệnh  không thua kém gì bệnh viên công mấy năm nay vẫn để làm nền cho đẹp, trong khi chúng tôi thì méo mặt vì vốn liếng đổ vào đây quá nhiều”- ông Đệ nói. 
Dù không được như kỳ vọng ban đầu nhưng dẫu sao bệnh viện do ông Đệ đầu tư cũng chạy được 50% công suất, bởi ở Thanh Hóa nhiều cơ sở tư nhân khác cũng được đầu tư khá lớn nhưng tình hình còn bi đát hơn vì chỉ khai thác được khoảng  15-20% năng lực hiện có. 
Thực trạng các bệnh viên tư nhân đầu tư “khủng” nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả là do những định hướng trong việc đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích phát triển khối y tế công lập thực sự chưa đi vào cuộc sống. 
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Len, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) than phiền: “Không có cạnh tranh không thể phát triển. Nhưng trong cuộc chơi này, hệ thống bệnh viện công nhiều ưu thế hơn vì thế nhưng “anh” ngoài công lập như chúng tôi chẳng còn cách nào khác là phải cải thiện,  nâng cao khả năng phục vụ với khách hàng một cách tốt nhất, chuyên nghiệp nhất để mong họ không “quay lưng” với mình chứ không thể trông chờ vào sự thay đổi, đột phá từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước”. 
Bà Len cũng xác nhận, so với quy mô đầu tư ban đầu thì công suất khai thác hàng chục giường bệnh (1,5 tỷ đồng đầu tư/giường bệnh) của Bệnh viện Medlatec là chưa cao, còn gây lãng phí.  
“Một số quy định của các Bộ, ngành đang cản trở đến hoạt động của khối bệnh viện ngoài công lập như quy định về phân thẻ bảo hiểm y tế, thanh quyết toán bảo  hiểm y tế, chuyển tuyến, xếp hạng bệnh viện, mua thuốc, vật tư y tế tập trung… Ngoài ra, chúng tôi còn không được khấu trừ thuế đầu vào. Cứ đà này chúng tôi chỉ còn cách tự giải thể” - một giám đốc bệnh viện tư ở TP.HCM nói về những trở lực khiến khối y tế ngoài công lập đang lao đao.
Hội Hành nghề y tư nhân Việt Nam cũng thừa nhận, hiện hệ thống bệnh viện, phòng khám tư không những không nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng. Thậm chí, trong quá trình chỉ đạo còn có sự phân biệt đối xử, thiếu công bằng giữa bệnh viện công và tư, cho dù chất lượng dịch vụ của khối ngoài công lập có khi còn tốt hơn so với bệnh việc Nhà nước.

Đọc thêm