Núi thiêng giữa biển
Kiên Giang không chỉ có mỗi đảo Phú Quốc với hàng loạt resort sang chảnh mà còn ẩn giấu một “viên ngọc thô” hoang sơ tuyệt vời mang tên Hòn Sơn. Đảo Hòn Sơn còn có tên gọi khác là Hòn Rái hay Hòn Sơn Rái, là một trong những hòn đảo có tên gọi kỳ lạ nhất Việt Nam. Đảo nằm trên vịnh Hà Tiên, giữa quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre, diện tích khiêm tốn chỉ khoảng 11 km2 nhưng ẩn chứa bao điều thú vị.
Đơn giản như cái tên của hòn đảo này thôi. Có giả thuyết cho rằng, đảo có tên Hòn Rái bởi trước kia trên đảo có nhiều cây dầu rái, loại cây có nhựa để quết lên vỏ thuyền, thường được ngư dân xưa sử dụng. Cũng có người giải thích tên gọi như vậy là vì đảo có hình dáng giống như một con rái cá lộn về hướng thành phố Rạch Giá.
Có giả thuyết khác lại cho rằng, sở dĩ đảo mang tên như vậy vì trước kia có nhiều rái cá sinh sống. Năm xưa khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn đến đây, có một con rái cá khổng lồ dâng cá và thức ăn cho ông, nên ông đặt tên cho hòn đảo là Hòn Rái. Cũng có lý giải khác, Nguyễn Ánh đặt tên cho hòn đảo như vậy là để ghi ơn lũ rái cá xóa dấu vết của ông khi ông bôn tẩu, nhờ đó mà thoát khỏi những cuộc truy sát.
Hòn Sơn có 7 đỉnh núi dính liền vào nhau, các đỉnh núi đều có truyền thuyết gắn liền với tên gọi của riêng mình, trong đó Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi nổi tiếng hơn cả. Không chỉ là đỉnh cao nhất đảo với độ cao 450 m so với mặt nước biển, mà nơi đây còn gắn liền những câu chuyện thần tiên đầy màu sắc liêu trai. Chính vì thế, nếu đã đến Hòn Sơn thì chắc chắn nhiều người sẽ được khuyên nên leo Ma Thiên Lãnh.
Cái tên Ma Thiên Lãnh ở Hòn Sơn ra đời từ khi nào chẳng rõ. Có thông tin cho rằng, ban đầu ngọn núi này còn có tên khác là “Mai Thiên Lãnh”, qua nhiều thế hệ, khách du lịch đã quen miệng gọi là Ma Thiên Lãnh và về sau chết danh. Nhiều người cho rằng, cái tên Ma Thiên Lãnh ở đây mang ý nghĩa về một vùng đất vừa hung hiểm lại vừa linh thiêng, là chốn hoang vu quạnh vắng dành cho những gì thuộc thế giới bên kia hơn là con người trên nhân thế.
Lại có ý kiến cho rằng, đỉnh Ma Thiên Lãnh – điểm cao nhất Hòn Sơn, là nơi có dấu ấn của thánh thần, điểm hạ phàm của những vị trên thượng giới. Có truyền thuyết rằng ngày xưa, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá bằng phẳng, với phong cảnh xung quanh rất đẹp nên nhiều tiên nữ thường xuống vui chơi tên gọi là Sân Tiên. Tảng đá đó đến giờ vẫn còn, là điểm dừng chân mà bất cứ ai đặt chân đến Hòn Sơn cũng muốn một lần ghé qua.
Ngoài những truyền thuyết xa xưa, hàng trăm năm qua khi con người đến đây định cư khai phá, hòn đảo này thi thoảng tiếp nhận những “dị nhân” mà cuộc đời, tính tình và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với những câu chuyện nửa hư nửa thực. Có người là bậc tu hành, tìm đến vùng núi rừng giữa trùng khơi để lánh đời thoát tục, ngày ngày tu thiền trên Sân Tiên. Lại có kẻ vì buồn tình sầu đời rồi phiêu bạt mà tìm đến nơi này, giấu đời mình trong hang đá có khắc dòng chữ “Mai Dương Kiếm Pháp”.
Để chinh phục núi Ma Thiên Lãnh, có thể theo con đường từ cầu cảng Bãi Nhà, đi khoảng 1km về hướng Bãi Bàng. Sau đó đi bộ thêm một đoạn, sẽ thấy con đường ở bên tay trái với những bậc thang dẫn lên núi mà người dân địa phương thường dùng để lên nương rẫy. Đoạn đường đầu tương đối dễ đi với các bậc tam cấp, hai bên khá mát mẻ với những rẫy chuối, vườn mãng cầu, xoài và những vạt rừng nguyên sinh. Dọc đường đi, khách tham quan có nghỉ chân ở chùa Phật Lộ Thiên hay Chùa Phổ Tịnh, những nơi gắn liền với những sự tích vô cùng ly kỳ.
Từ đoạn phía sau những ngôi chùa, muốn chinh phục Ma Thiên Lãnh phải đi theo những con đường mòn nhỏ, len lỏi vòng vèo bất tận dưới tán rừng nguyên sinh thâm u. Dường như không có mấy sự tác động của con người, càng đến gần đỉnh núi thiêng rừng núi càng rộn tiếng chim kêu vượn hú. Giữa không gian yên ắng đến lạ thường, người ta bắt gặp hang đá Mai Dương Kiếm Pháp – nơi tọa thiền của những tu sĩ.
|
Bảng chỉ đường dẫn lên núi Ma Thiên Lãnh. |
Thử thách cuối cùng cũng là khó khăn nhất, phải băng qua hang đá gập ghềnh, tối tăm hun hút, nơi phải dùng đèn pin để dò đường giữa ban ngày. Đổi lại là khoảnh khắc vỡ òa khi đặt chân đến đỉnh, tại những mỏm đá cheo leo đầy rong rêu hay Sân Tiên nơi có tảng đá lớn vươn ra biển, một cái dang tay tựa như ôm cả trời xanh biển rộng vào lòng. Cũng vì trải nghiệm này mà nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ mê phượt, chấp nhận bỏ một buổi để chinh phục Ma Thiên Lãnh.
Ngoài ra, Hòn Sơn có một ngọn núi khác cũng không kém hấp dẫn là núi Ông Rồng. Núi chỉ cao hơn 250m, đường đi ngắn nhưng lại rất dốc, hiểm trở. Trên đỉnh Ông Rồng có cây thiên tuế cổ thụ mọc trong vách núi, thân ngã nằm dài, uốn khúc, khoanh tròn như thân của con rồng với đầu hướng ra biển, tên gọi núi Ông Rồng cũng bắt nguồn từ đây. Theo các nhà nghiên cứu, cây thiên tuế này có tuổi đời trên 300 năm.
Ngoài chinh phục các đỉnh núi, du khách đến Hòn Sơn có thể thư giãn, thưởng thức những bãi biển tuyệt đẹp, thơ mộng như tranh. Với đường bờ biển dài hơn 1km uốn cong theo đường lưỡi liềm, đảo Hòn Sơn có nhiều bãi biển như: bãi Giếng, bãi Bàng, bãi Bấc, bãi Đá Chài….
Trong đó, bãi Bàng được xem là bãi biển đẹp nhất, với biển xanh cát trắng, sóng nhè nhẹ vỗ bờ, thích hợp tắm biển. Bãi Thiên Tuế có những khối đá tạo hình kỳ thú của thiên tạo vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. Bãi Xếp (Bãi Cây Dừa Nằm) với những cây dừa ngã đầy thú vị được dân bản địa gọi là “cây dừa ngàn năm”. Những cây dừa ngã nằm sát mặt đất, gối mình lên đá biển nhưng lá vẫn xanh tươi, quả trĩu buồn.
Ngoài những thắng cảnh đẹp, Hòn Sơn còn có những di tích mang nét tâm linh riêng, gắn với những giai thoại của người bản địa. Trên đảo có các đình, chùa như Đình thần Lại Sơn, miếu bà Cố Chủ, chùa Hải Sơn, thánh thất Cao Đài… Ngoài hàng loạt cảnh đẹp như tiên cảnh, đảo Hòn Sơn còn hấp dẫn du khách bởi những sản vật phong phú, dễ thấy nhất là những món hải sản tươi sống với cách chế biến rất đặc trưng của người dân xứ đảo.
Cầu Ma Thiên Lãnh ở Côn Đảo
Địa danh Ma Thiên Lãnh khác nằm giữa trùng khơi, không thể không kể đến, đó là di tích cầu Ma Thiên Lãnh ở Côn Đảo. Nằm trên đường ven núi của trung tâm đảo, ngay phía trước cổng vào vườn quốc gia Côn Đảo, đây chỉ là một cây cầu dang dở và tới ngày nay vẫn còn hai mố cầu. Theo một số thông tin ít ỏi, cầu được bắt đầu xây dựng năm 1930. Khi đó thực dân Pháp muốn mở con đường từ ngã ba Núi Chúa qua Bãi Ông Đụng nhằm khai thác cây gỗ, đá phục vụ công việc xây dựng trại giam, các công sở…và lập nên những trạm kiểm soát đề phòng tù nhân vượt ngục.
|
Di tích cầu Ma Thiên Lãnh ở Côn Đảo. |
Tù nhân làm khổ sai ở đây, giữa địa thế cheo leo hiểm trở, ăn uống thiếu thốn đói khát, nước suối lại rất độc, bị đá đè cây đổ, lao dịch nặng nhọc quá sức, cai ngục đánh đập, hối thúc… Mới xây dựng xong 2 mố cầu nhưng ước tính đã có 356 người phải bỏ mạng tại nơi này. Nhiều thông tin cho rằng, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Có lẽ đây chính là lý do lấy tên ngọn núi địa thể hiểm ác ở Triều Tiên xưa đặt cho cây cầu này.
Khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, công trình bị bỏ dở cho đến ngày nay, sau này cạnh mố cầu được dựng tấm bia tưởng niệm và bàn thờ những người đã nằm xuống. Năm 1979, Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh đã được, Bộ Văn hóa – Thông Tin đã ra quyết định đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đây là Di tích đặc biệt Quốc gia.
Cho đến bây giờ, bài hát “Cầu Ma Thiên Lãnh” được cho là các tù nhân sáng tác để tố cáo chế độ thực dân Pháp, vẫn còn lưu truyền cùng thời gian: “Ai bước qua, ai bước qua cầu Ma Thiên Lãnh, hãy dừng chân ngắm cảnh quốc hờn, do quân thù tàn bạo gây nên. Ai đã trông mà lòng không hờn, ai nghe đến mà lòng không căm giặc Pháp. Quân Pháp kia, quân Pháp kia là loài tham tàn, gây oán thù vạn thuở khôn nguôi. Mau đứng lên, mau đứng lên người dân yêu nước, giết thù chung dắt dìu giống nòi, ra khỏi cảnh bùng lầy điêu linh. Bao máu xương, bao máu xương trong lao tù còn gây oán hờn, gây mối thù vạn thuở khôn nguôi”.