Thuở vàng son của những người thợ làm cối xay bằng tre

(PLVN) - Đã xa rồi cái thời mà khắp làng khắp xóm ù ù tiếng cối xay lúa, thì thùm tiếng chày giã, giòn giã tiếng cười nữ tú nam thanh. Giờ đây sự xuất hiện của những chiếc máy xay sát lúa gạo hiện đại khiến nghề làm cối xay lúa bằng tre biến mất. Ở đâu đó trong một số ngôi làng Việt Nam, nghề này còn lay lắt sống nhờ du lịch. 
Ông Nguyễn Trường là số ít những người còn lưu giữ nghề đóng cối xay tre tại Quảng Trị (ảnh: Dân trí).
Ông Nguyễn Trường là số ít những người còn lưu giữ nghề đóng cối xay tre tại Quảng Trị (ảnh: Dân trí).

“Ai đóng cối không?”

“Không răng mà cắn nát nhừ/ Miệng to họng nhỏ từ từ nuốt vô/ Bụng không có chỗ chứa đồ/ Cho nên em phải đổ ra liên hồ”, đó là một bài đố ca dao mà có lẽ nhiều thế hệ đã được nghe ngay từ khi tấm bé. Những thành ngữ, câu đố, thơ ca về cối xay lúa lưu truyền vô số trong dân gian. 

Ngày nay tại ngôi đình làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) vẫn giữ một chiếc cối tre nguyên bản như một kỷ vật trưng bày cho các thế hệ con cháu và du khách biết về nghề cổ truyền thống của cha ông. 

Theo lời kể của cụ Nguyễn Ngọc Đoán (77 tuổi) người trông coi đình làng Đa Chất, cách đây vài chục năm khi máy say xát gạo chưa xuất hiện, đàn ông trong làng đều làm nghề đóng cối xay bằng tre. Trước những năm 1960, việc trồng lúa một vụ đa phần chỉ dành cho phụ nữ, đàn ông trong làng ít có khi ở nhà mà đi đóng cối xay khắp các vùng miền Tổ quốc. 

Người ta không biết ông Tổ nghề cối xay tre Đa Chất là ai, thậm chí trong làng cũng không có một không gian thờ Tổ nghề như các làng nghề thủ công truyền thống khác. Tuy nhiên, người dân trong làng vẫn thường kể cho con cháu nghe về một giai thoại về Tổ nghề.

Những chiếc cối xay lúa được “sống lại” nhờ hoạt động du lịch.
Những chiếc cối xay lúa được “sống lại” nhờ hoạt động du lịch. 

Chuyện kể rằng, thuở đó, ông Tổ nghề đi đóng cối ở những vùng người dân tộc miền núi phía Bắc, khi đến làm cối tại môt nhà rất giàu có, quyền lực trong vùng, nhà đó con dâu đang có chửa. Thợ làm cối xong, nhận tiền ra về. Do làm cái giằng (cái tay cầm xoay cối) chưa hoàn chỉnh, hai tuần sau cô con dâu xay thóc, cái giằng bị văng ra ngoài, cô ta bị trượt ngã và xẩy thai.

Chủ nhà do có quyền lực liền triệu tập người dân trong vùng đi tìm bằng được bố con thợ đóng cối. Họ đưa thợ đóng cối lên quan lớn, quan xử phạt tiền, giam nhốt hai bố con thợ đóng cối nhiều ngày. Sau khi được thả, ông thợ đóng cối làm một cái lễ, trên đó có một cái giằng cối xay, lễ xong ông cầm con dao chặt cái giằng làm ba khúc rồi tuyên thệ, những người đóng cối làng này từ nay trở đi không được làm giằng. 

Bởi vậy, từ đó về sau những người thợ cối tại Đa Chất không bao giờ làm giằng cối cho gia chủ. Có một vài trường hợp ngoại lệ nhưng chỉ các ông thợ cối sau này mới dám làm và mỗi người có cách ứng xử khác nhau. Bản thân ông Đoán cũng là người dám làm giằng cối cho biết: “Khi làm giằng cối cho chủ nhà phải làm một cái lễ thật lớn. Sau đó, tôi để cái giằng lên cúng Tổ nghề trước khi lắp giằng vào cối thì mọi chuyện mới êm”.

Thông thường cứ vào thời tiết mát mẻ, công việc đồng áng đã tạm yên, tiền bán nông sản đã có chút đỉnh, là thời điểm nhiều nhà nghĩ đến chuyện đóng mới và sửa lại cối cũ. Đó chính là thời điểm các ông thợ đóng cỗi bận rộn công việc. Những người thợ đóng cối khi xưa vô cùng được trọng dụng, bởi cái cối được coi là vật bất ly thân của nhà nông, thợ đóng cối không phải vùng nào cũng có. Đặc biệt, phải vài vùng mới có một thợ giỏi nên các ông càng có giá. 

Một chiếc cối xay lúa được lưu giữ tại làng nghề Đa Chất (ảnh Hà Nội mới).
Một chiếc cối xay lúa được lưu giữ tại làng nghề Đa Chất (ảnh Hà Nội mới).  

Một gánh thợ cối khi đi làm chỉ có hai người, thợ phó cả và thợ phó hai. Phó cả là người lành nghề, có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử và quan trọng hơn họ phải có một lượng khách riêng, nhất định của mình. Người thợ phó hai là thợ học việc, cũng có thể tay nghề người đó đã lên phó cả nhưng họ chưa có được một vùng làm ăn riêng nên phải đi chung với một phó cả khác. 

Những người ruột thịt trong nhà của phó cả như ông, cha, anh, chú, bác sẽ thường đảm nhiệm vai trọ thợ phó, rất ít khi là một người ngoài dòng họ. Bởi người thợ cối không chỉ truyền nghề, truyền kinh nghiệm mà còn truyền cả những mối làm ăn, địa bàn kiếm cơm quen thuộc cho thợ phó khi đã đủ trình độ. 

Hành trang của người thợ cối là hai chiếc bồ do người thợ phó hai gánh. Bên trong một chiếc bồ là quần áo và lương thực trên đường. Một chiếc kia là đồ nghề của thợ cối gồm có đục, dao, búa và một chiếc cưa do người thợ cả đeo trên vai, vừa đi đường người thợ cả vừa rao “ai đóng cối không?” để người muốn làm biết được có thợ cối đến.

Các gánh thợ cối không xung đột với nhau về địa bàn, khi thấy gánh thợ làng mình hoặc gánh thợ nơi khác đang làm nơi này, lập tức họ sẽ đi tìm nơi khác để đóng cối. Đôi khi những người thợ cối còn giúp đỡ đồng nghiệp của mình bằng cách tìm việc làm cho thợ bạn, xin nhà chủ cho bạn làm cùng, nghỉ ngơi để chờ cơ hội việc làm khác hoặc dừng chân khi quá giang. 

Ông Đoán cho biết, những người thợ cối Đa Chất chủ yếu hành nghề nơi vùng núi phía Bắc bởi họ không thể cạnh tranh được với những người thợ cối đất vùng đồng bằng như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình.... Vùng trung du miền núi chính là địa bàn hoạt động chính của thợ cối Đa Chất: Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu…

Mỗi địa bàn làm ăn, sau khoảng hai đến ba năm, khi người thợ ước chừng chiếc cuối nơi đó đã đến lúc sửa hay thay mới thì thợ đóng cối xay lúa mới quay lại. Trên những chặng đường mà người thợ nghỉ chân, họ đều xây dựng những mối quan hệ thân thiết với nhà chủ bằng cách đóng cối bền hơn, rẻ hơn, có quà cho chủ hoặc kết thân, kết nghĩa. 

Nhiều thợ cối Đa Chất lấy vợ sinh con trên những mối thân quen của mình bởi đó không chỉ là nơi nghỉ chân trên đường đi mà còn là nơi đi về trong những lúc ốm đau, không có việc làm hoặc mở rộng quan hệ nơi đóng cối, mối quan hệ chính là nguồn sống của thợ đóng cối Đa Chất.

Nghệ thuật đóng cối xay 

Theo nhiều chia sẻ của những người thợ làm cối làng Đa Chất, nghề này tuy sử dụng vật liệu đơn giản nhưng lại mang cả một nghệ thuật tinh vi. “Để có một cái cối tốt, phải kỹ càng từ khâu chọn vật liệu. Không phải tre nào cũng cứ hạ đại đi rồi làm nan để đan áo cối. Không phải loại đất thịt nào cũng có thể dùng tạo thớt cối. Rồi là gỗ dùng để chẻ dăm cối, kỹ thuật phơi sấy, gia công… là cả một quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, với nhiều bí truyền về nghề”, ông Đoán cho hay. 

Việc làm hoàn chỉnh một chiếc cối mất ít nhất 3 ngày. Hai ngày đầu, người thợ chuẩn bị đầy đủ các vật tư, vật liệu như tre, gỗ, đất sét và muối ăn. Ông cho biết, để có một chiếc cối tốt thì người thợ phải có kinh nghiệm từ khâu chọn tre, sao cho tre đủ già để tránh mối mọt, gỗ cũng phải là gỗ tốt và tất cả phải được chẻ thật mỏng và đều. Đặc biệt, phần gỗ sau khi đã đóng hoàn thành, chúng phải đều nhau để không khiến hạt lúa bị nát.

Tre thì được chẻ nhỏ thành nan để đan thân cối. Gỗ thường dùng là gỗ nhãn, gỗ mít được cưa thành khúc ngắn để chẻ làm dăm cối theo thớ dọc của gỗ, sao cho dăm thật dóc, không bị tướp, cứng nhưng không dòn, được phơi khô đủ độ để không bị co, không bị nứt. Đất sét trộn với trấu dùng để đắp phần mặt cối của cả thớt trên và thớt dưới.

Những chiếc cối xay lúa đẹp mắt do ông Trường làm ra (Ảnh: Dân trí).
Những chiếc cối xay lúa đẹp mắt do ông Trường làm ra (Ảnh: Dân trí).  

Khi phần thịt cối (mặt cối) bằng đất sét đã được đắp nện bám chắc vào vỏ áo cối gắn trục quay và tai cối xong, người thợ đóng cối mới tiếp tục làm đến khâu chêm dăm cối. Chêm dăm cối là phần việc khó nhất, tỉ mỉ nhất thể hiện trình độ lành nghề của ông phó cối.

Khi chêm, ông phó cối phải chia mặt cối theo hàng lối và phải tạo thành chiều quay thuận của cối (theo chiều ngược kim đồng hồ), răng cối phải không cao không thấp bởi nếu răng cối nhô cao và thưa thì cối sống, nghĩa là thóc không dập vỏ thành gạo. Còn răng cối thấp và mau thì cối bí, gạo chảy chậm, hạt gạo bị nghiền vỡ thành tấm. Thường thì khi chêm xong một cái cối, người ta phải xay thử. Nếu chưa đạt yêu cầu thì phải chêm lại ngay sau khi đất sét còn chưa khô cứng.

Để đóng được một cái cối xay thóc hoàn chỉnh, ông phó cối phải làm việc cật lực trong vài ngày. Nếu ông phó cối ở xa thì phải lưu lại nhà chủ, được nhà chủ thết đãi rượu thịt, cơm gà, cá gỡ thịnh soạn vì gia chủ ai cũng muốn có một cái cối xay tốt.

Một chiếc cối xay được cho là tốt khi tiếng kêu của nó nghe êm ru, trơn tru, gạo và trấu ra vừa phải, đều xung quanh, ít giập gãy, tỉ lệ hạt bị sống (thóc còn nguyên vỏ) ở mức thấp, thậm chí là không đáng kể. Điều quan trọng nhất là mặt cối lì, không ra theo cả đất, thớt trên và thớt dưới khít đều, dăm cối chắc, phẳng, mòn chậm, tức là tuổi thọ của cối cao. Nếu một người thợ tay nghề không tốt đóng vào hôm thời tiết không thuận, khi xay cối bị rít, thóc bị sống, hạt gạo gãy nhiều mà người nhà quê gọi là “đớn”. Tệ nhất là khi say cả đất và dăm cối ào ra theo mỗi khi xay. Gặp phải trường hợp ấy, ông thợ cối chỉ còn cách đóng lại đền cho khách, coi như gặp hạn.

Thường những ông thợ có tên tuổi, làm ăn đứng đắn luôn không hết việc. Cối của ông làm ra có thể xay ròng rã ba bốn vụ vẫn bền lâu. Trong khi những ông thợ gian dối, mồm miệng đỡ chân tay thì thường ăn bớt công đoạn làm đất, nêm dăm ẩu, đóng dăm thưa, đóng dối, thậm chí dùng lại dăm cũ để chèn vào. Kiểu thợ này thường phải bán xới đi xa để kiếm ăn, vì chẳng ai dại mà thuê họ đến lần thứ hai.

Trước đây, cối xay tre là công cụ phổ biến có mặt trong hầu khắp các gia đình nông dân Việt. Chiếc cối quan trọng đến mức mỗi gia đình dù sang hèn đều dành một gian nhà ngang đặt cối. Điều đó đủ thấy chiếc cối xay đã trở thành “người bạn” không thể thiếu của nhà nông như thế nào. 

Những hạt gạo được xay từ cối xay tre (Ảnh: Dân trí).
Những hạt gạo được xay từ cối xay tre (Ảnh: Dân trí).  

Ông Đoán cho biết: “Cối thường có hai loại, cối con đường kính ngoài 30 cm và cối đội đường kính 50 cm. Cối con có hai thớt xát vào nhau tạo lực ma sát lớn, rất nặng nên sau này người ta cải tiến bằng cách bỏ một viên bi xe tăng vào để thớt dưới cách thớt trên một cỡ rất nhỏ, nhỏ còn hơn thân hạt thóc. Cối đội là sáng tạo tài tình của ông cha ta, bởi nó quay rất nhẹ mà năng suất gấp rưỡi cối con, một tối có thể xay được cả tạ thóc”. 

Những người thợ đóng cối không chỉ làm đồ mới mà còn giỏi “bắt bệnh” khi chiếc cối xay đã cũ. Những người sửa cối khi đó lại được gọi là thợ khép cối xay. Thời gian người ta chọn để sửa cối thường gần mùa gặt tháng Ba, tức sau thời gian ăn tết Thanh minh. Khi này những cánh đồng làng lúa đã bắt đầu vàng rộ. 

Đồ nghề của những người thợ khép cối xay bao gồm dao, rựa, cưa, chàng, dũm, đục… Biết thời gian sửa cối mất bao lâu thì người thợ phải xem xét cái cối xay lúa bằng đôi bàn tay của mình. Sau khi đã lần tay sờ từ thớt trên xuống thớt dưới, từ mông cối lên miệng cối, từ chân cối tới ngõng cối, biết được mức độ hư hại của chiếc cối họ sẽ biết mất bao nhiêu ngày sửa. Ít thì cũng mất hai ngày nhiều cũng phải tới 4 – 5 ngày. 

Người thợ sẽ mất một ngày chặt tre đẵn gỗ, vót nan, chẻ răng cối ở ngoài vườn. Tới ngày hôm sau mới bắt đầu công việc khép gối. Đa phần khi những chiếc cối phải sửa đều đã phải loại bỏ những phần hư mục của vỏ cối rồi đan lại bằng nan tre mới. Sau đó, thợ nhồi đất mới vô ruột cối, chờ khô khép lại bộ răng cối đã mòn. 

Hồi sinh nghề đóng cối

Sau hàng chục năm bị lãng quên, những chiếc cối xay lúa thủ công, chủ yếu được làm bằng tre, gỗ, đất sét, từng là công cụ lao động không thể thiếu của người dân vùng nông thôn, đã “sống dậy” nhờ hoạt động du lịch. Người làng Đa Chất bây giờ không còn làm cối vì nhu cầu không còn, nhưng nếu ai đó muốn đặt làm cối thì vẫn có hiệp thợ sẵn sàng phục vụ.

Nguyện vọng của người dân Đa Chất cũng chính là mong muốn của các cấp chính quyền huyện Phú Xuyên với tầm nhìn phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong tương lai. Nghề làm cối tuy không còn mang lại thu nhập nhưng với xu hướng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, người dân làng Đa Chất tin tưởng mảnh đất và con người nơi đây sẽ trở thành địa chỉ du lịch lý tưởng.

Nghề trồng lúa nước trải dài suốt dải đất hình chữ S nên chẳng thể khó để tìm thấy một ngôi làng, một người thợ làm nghề đóng cối xay lúa bằng tre ở Việt Nam. Cũng giống như người dân tại làng Đa Chất, ông Nguyễn Trường (84 tuổi, ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) thuộc số ít người còn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông vài năm trở lại đây nhờ ngành du lịch phát triển. 

Ông Nguyễn Trường năm nay tuổi đã cao, song vẫn còn hoạt bát và nhanh nhẹn. Ông kể, năm 10 tuổi, ông đã học nghề này từ ông nội và bố của mình. Tuy nhiên, chiến tranh kéo dài, nghề đóng cối xay tre buộc phải khép lại. Đến sau ngày đất nước giải phóng, ông và bà con làm nghề này ở đây mới có điều kiện nối lại nghề để mưu sinh. “Hồi đó, do chưa có máy xay xát lúa bằng điện như bây giờ, nên nhà nào cũng có nhu cầu mua sắm cối xay tre, nghề do đó rất thịnh hành”, ông Trường trầm ngâm nói.

Lúa xay bằng cối tre cho ra sản phẩm gạo nguyên cám rất giàu dưỡng chất.
Lúa xay bằng cối tre cho ra sản phẩm gạo nguyên cám rất giàu dưỡng chất. 

Ông Trường vẫn còn nhớ như in, cứ mỗi buổi sớm sau bữa ăn sáng, ông gánh thùng đồ nghề đi đến các làng quê trong huyện và tỉnh, thậm chí không ít lần bắt xe đò ra tới Quảng Bình để đóng cối cho khách. Sau này lớn lên, đã có gia đình thì ông làm riêng. Hồi trước, ông đi khắp làng vùng biển Hải An, Hải Khê... để làm nghề.

“Trước đây làm đổi bằng lúa, nhà nào đưa tiền thì lấy tiền. Tùy thuộc vào thời giá, nếu sửa cối xay thì 2 thúng lúa, đóng mới thì 7-8 hoặc chục thúng lúa”, ông Trường cho hay.

Nhưng rồi nhu cầu người dùng cối xay tre bắt đầu thưa dần, khi đã có máy xát lúa bằng điện thay thế. Cũng từ đó, nhiều người làm nghề này ở làng Phương Lang bắt đầu bỏ nghề dần. 

Đến cách đây 20 năm thì làng này còn duy nhất chỉ ông Trường đeo bám, giữ nghề. Ông bảo, thời gian đó, không có khách, ông cũng đem tre, gỗ ra chẻ, rồi hì hục đóng cối cho đỡ nhớ nghề. Những tưởng ông cũng sẽ phải bỏ nghề như bao người khác ở làng này, nhưng rồi đến khoảng năm 2008 đến nay, có nhiều người làm du lịch, quán café, bảo tàng đã tìm đến ông đặt đóng cối xay tre. 

Hiện tại, mỗi chiếc cối làm ra ông bán với giá 2 triệu đồng. Ông rất vui, nhưng không phải vì kiếm được nhiều tiền, mà vì nhờ còn có nhiều người quan tâm đến chiếc cối xay tre một thời gắn liền với đời sống con người, đã giúp ông duy trì và làm sống lại nghề này.

Hiện ở địa phương chỉ có ông Trường và em trai ông đang làm được loại cối xay tre này. Đáng vui mừng khi người con của ông cũng đang học nghề đóng cối xay.

Đọc thêm