Thương hiệu quốc gia là nguồn lực của doanh nghiệp và quốc gia

(PLVN) - Tại lễ công bố và vinh danh 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia có ý nghĩa chiến lược. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho các doanh nghiệp.

Tối 2/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Kiến tạo tương lai". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo một số bộ ngành đã tham dự chương trình.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng.

Đây là nhiệm vụ có nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn, đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Thương hiệu quốc gia là nguồn lực của từng doanh nghiệp, nhưng cũng là của quốc gia, nên việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.

Thủ tướng cũng đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng không chỉ thể hiện xuất sắc ở nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay cùng với cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lụt và nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp khác; thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

“Chúng ta xác định rõ thời gian tới khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia có ý nghĩa chiến lược và đây cũng là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, Thủ tướng lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Nguyễn Hồng Diên - cho biết, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện từ năm 2003.

Tại buổi lễ, biểu trưng Thương hiệu Quốc gia đã được trao cho 172 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh ấn tượng, với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đọc thêm