Thương nhau, về sống chung nhà…

(PLO) - Đám cưới đặc biệt của họ thu hút đông đảo khách khứa xa gần bởi cả cô dâu và chú rể đều là người khuyết tật, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn rạng ngời tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc. Đó như một minh chứng cho sự hiện diện của tình yêu đích thực trong cuộc đời này…
Thương nhau, về sống chung nhà…

Hạnh phúc luôn mỉm cười với những ai biết yêu thương 

Hơn chục năm trước, cô gái Phạm Thị Ngọc (SN 1983, quê Thái Bình) vừa tròn 24 tuổi, xinh đẹp và căng tràn nhựa sống. Khi đó Ngọc đang có mối tình với một anh chàng gần nhà, gia đình đôi bên cũng đã tính đến chuyện hôn nhân. Cuộc sống đang mở ra trước mắt cô gái với bao cơ hội về hạnh phúc, tình yêu cũng như mộng ước về tương lai tươi đẹp. Nhưng ở đời không ai đọc được chữ ngờ. Sau một tai nạn giao thông, Ngọc bị chấn thương cột sống nặng nề, vĩnh viễn phải ngồi xe lăn, thời gian đầu mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều phải phụ thuộc vào người thân trợ giúp. 

Đau đớn, tiếc nuối nhưng Ngọc xác định cũng không thể thay đổi được số phận chi bằng chấp nhận nó với thái độ lạc quan, tích cực. Cô gái trẻ tự lựa chọn cho mình một công việc phù hợp để được lao động, có thu nhập và cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Rồi Ngọc tham gia một nhóm kết bạn dành cho người khuyết tật. Tại đây cô được giao lưu, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ kém may mắn như mình. Cô được bạn bè trong nhóm quý mến không chỉ vì gương mặt xinh đẹp, dễ thương, tính tình hòa nhã mà còn bởi trái tim đôn hậu, lạc quan. Thực tế, cũng có một vài đám thương mến Ngọc nhưng cô gái chưa dám mở lòng mình, nếu có ai hỏi đến chuyện chồng con, Ngọc đều đánh trống lảng: “Bản thân cháu còn chưa lo được thì sao dám nghĩ đến chuyện đó”.

Một hôm, thấy trong điện thoại có cuộc gọi nhỡ, Ngọc nhờ người bạn hỏi xem chủ nhân của số máy đó là ai thì người đầu dây bên kia tự giới thiệu tên là Hoàng Văn Tuấn, người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Anh gọi cho Ngọc để làm quen vì thấy số điện thoại của cô trên nhóm kết bạn.

Lúc mới quen, anh Tuấn tâm sự với Ngọc về hoàn cảnh của mình cũng tương tự như cô. Tuấn sinh ra khỏe mạnh, lành lặn, tốt tính, chăm chỉ làm ăn. Là người dân tộc thiểu số nên anh lấy vợ sớm, anh từng có một tổ ấm bên người vợ và hai đứa con. Nhưng rồi hạnh phúc đang đầy tay ấy vụt tan biến sau một tai nạn giao thông đã khiến anh bị chấn thương cột sống, vĩnh viễn phải ngồi xe lăn.

Sau ngày đó, người vợ bế con trai nhỏ bỏ đi, một mình anh vật lộn với cơm áo nuôi con gái từ lúc mới 6 tuổi đến giờ cháu đã có chồng. Gánh nặng cơm áo, lo toan cho con gái cộng với nỗi đau bị phụ bạc khiến bao năm qua Tuấn không hề nghĩ gì cho bản thân mình. Thậm chí cũng có người mai mối cho anh đám nọ đám kia nhưng anh như con chim sợ cành cong, không dám tin vào tình yêu nữa…

Cho đến ngày anh tham gia vào nhóm kết bạn của những người cùng cảnh ngộ khuyết tật. Tuấn ấn tượng với những dòng tâm sự của cô gái trẻ có gương mặt đẹp, trong sáng đúng như cái tên Ngọc của cô, và anh cũng phải đấu tranh, lần lữa mãi mới dám gọi điện làm quen với Ngọc. Nghe câu chuyện của anh Tuấn, tự dưng trái tim Ngọc cảm thấy có sự đồng cảm kì lạ.

Sau gần hai làm quen, ngày nào cũng nhắn tin, chat chit trò chuyện cùng nhau, nhưng cả hai vẫn chỉ giữ mối quan hệ bạn bè. “Lúc đầu em chỉ nghĩ được làm người bạn tâm giao, tri kỷ với nhau cũng đã là niềm vui quá lớn, không dám nghĩ xa hơn” - cô gái trẻ tâm sự. Nhưng dần dần, trái tim Ngọc đã xao xuyến trước một người đàn ông có ý chí, nghị lực và nguồn cảm hứng sống tích cực. Ngày Tuấn nhắn tin ngỏ lời, Ngọc đã xúc động bằng lòng. 

Biết chuyện tình yêu qua điện thoại của Ngọc, mẹ đẻ cô gái một vài người họ hàng nhân dịp lên Lạng Sơn chơi đã ghé thăm gia cảnh của anh. Sau buổi gặp, có người can ngăn chuyện tình của Ngọc và Tuấn, cũng có người ra sức vun vén. Rất may là tình yêu của Ngọc được cha mẹ tôn trọng, ủng hộ. Bố Ngọc bảo: “Cứ để nó trải qua một lần trọng đại của cuộc đời người con gái”.

Tròn 2 tháng quen nhau, Tuấn và Ngọc được gia đình đôi bên chọn ngày tổ chức hôn lễ trong khi cả hai mới chỉ nhìn thấy nhau trên facebook, zalo. Ngày cưới, cũng là lần đầu tiên hai người gặp mặt. “Chạm mặt lần đầu mà thấy thân thương quá vì gương mặt ấy hàng ngày, hàng đêm đều ở trong tâm tưởng, trong trái tim tôi”- anh Tuấn xúc động chia sẻ về “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”. Hôm đó Ngọc mặc một bộ váy trắng đẹp và trang nhã của nàng dâu mới trông hệt như nàng công chúa ngủ trong rừng được hoàng tử đánh thức trong cổ tích; còn anh Tuấn trong trang phục của chú rể trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thực của mình.

Thương nhau thì đến với nhau

Thuyền theo lái, gái theo chồng, sau ngày cưới Ngọc về huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cùng chồng bắt đầu cuộc sống mới. Chị Ngọc mưu sinh bằng nghề thêu tranh, làm tranh đá quý, làm hoa giả để bán online kiếm thêm thu nhập. Còn anh Tuấn thì sửa chữa máy móc, cho thuê loa, đài và đi hát đám cưới. Tuy khoản tiền kiếm được không nhiều nhưng cả hai vợ chồng đều vui, kiêu hãnh vì những đồng tiền tự bàn tay mình làm ra, không sống phụ thuộc. 

Cuộc sống của vợ chồng họ rất ngặt nghèo. Nơi hai vợ chồng ở còn rất khó khăn, đường sá gặp ghềnh, người khỏe mạnh sống đã khó, với hai vợ chồng ngồi xe lăn lại càng khó trăm bề. Thêm vào đó, sức khỏe của anh Tuấn lại sa sút, gia đình đã phải bán đi mảnh đất để lo liệu thuốc thang cho anh nhưng bệnh tình cũng chưa dứt.

Thương chồng, thương thân, chị Ngọc cũng không dám biểu lộ ra nỗi vất vả, tâm tư vì sợ gia đình, người thân phải nặng lòng. Tuy cuộc sống khó khăn, vất vả như vậy nhưng vợ chồng họ vẫn lạc quan, yêu thương nhau. Chị Ngọc tâm sự: “Có duyên được gặp nhau trong cuộc đời này, được sống với nhau trong tình nghĩa vợ chồng đã là hạnh phúc quá lớn lao. Chúng mình chỉ biết sống vui, sống tốt với nhau, chẳng mong gì hơn thế!”.

Đọc thêm