Anh Nguyễn Tin (SN 1967, ngụ 23/14 đường Nguyễn Phúc Lan, phường Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cùng vợ Nguyễn Thị Lý (49 tuổi) đều bị teo chân bẩm sinh và mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Gần 3 năm trở lại đây, anh Tin bị tâm thần nhẹ.
Người vợ kể lại: “Thời gian gần đây, ông ấy ít nói, ăn ít, người buồn rầu. Ban đêm dù có uống thuốc an thần nhưng vẫn bị mất ngủ. Nhiều hôm, trời đã khuya ông ấy vẫn tâm sự với tôi, nói muốn chết để vợ con đỡ khổ. Hôm xảy ra chuyện, ông bảo tôi đi nhặt ve chai kiếm cơm qua bữa. Buổi sáng tôi đi, trưa về lại nhà, ông có xin tôi 10 nghìn, nói mua bánh nậm để chiều ăn. Ai ngờ ông ấy lấy số tiền đó đi mua xăng...
Trói chân rồi tự thiêu trong nhà tắm
Một buổi chiều cuối tháng 7/2017, anh Tin ra quán tạp hóa trong xóm mua 10 nghìn xăng mang về nhà, tự tưới lên người rồi châm lửa đốt. Trước đó, anh đã dùng thép buộc chặt hai chân của mình lại. Đến lúc trời gần tối, một cháu nhỏ trong xóm chơi trốn tìm, đi vào nhà anh để núp. Cháu hoảng hốt, la thất thanh khi phát hiện thi thể người đàn ông xấu số này đã bị cháy đen.
Một người hàng xóm của anh Tin kể lại: “Tôi ở sát nhà với vợ chồng ông Tin, bà Lý. Hôm đó là mùng 1 Âm lịch, khoảng 2h chiều, tôi có ngửi mùi khét nên hỏi chồng cùng con, có ai đốt gì mà hôi nhưng cả nhà đều không biết. Đến chừng 5h chiều, cậu con trai 8 tuổi của tôi như người mất hồn, hoảng hốt nói ở nhà ông Tin có ma. Thế là tôi cùng với một người hàng xóm nữa vào hiện trường, tôi ngất lịm khi thấy ông ấy đã qua đời… Vì ông ấy chỉ đổ ít xăng lên người nên dù xung quanh đó có vàng mã cũng như áo quần nhiều nhưng đám cháy không hề lây lan”.
Trước đây anh Tin là người bình thường, vui vẻ nhưng vào đầu năm 2015, anh thay đổi tâm tính rõ rệt, cạo trọc đầu, nói năng lung tung. Anh thường xuyên đi khỏi nhà, nhiều lần được công an “đem” về. Đỉnh điểm, anh cởi áo quần rồi lăn cả trăm mét từ nhà ra đường.
Biết chồng mình có vấn đề về thần kinh nên chị Lý đã đưa anh vào Bệnh viện Tâm thần điều trị. Sức khỏe anh ổn định sau 3 tháng ở viện. Lúc trở về nhà, anh chỉ ăn và ngủ không làm được việc gì để kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Đầu năm 2017, anh Tin từng có ý định tự tử khi uống nhiều thuốc ngủ nhưng bất thành. Hôm xảy ra sự việc, chị Lý đi nhặt ve chai, còn cậu con trai 17 tuổi học sửa xe máy ở đường Bến Nghé, TP Huế. Người vợ rầu rĩ tâm sự: “Chồng tôi tuy “tưng tưng” nhưng không hề gây gổ hay làm mất lòng một ai. Ông cũng không nợ nần, yêu đương trai gái gì đâu. Với vợ con, ông sống tình cảm lắm. Nhưng thời gian gần đây, ông ấy ít nói, ăn ít, người buồn rầu.
Anh Tin tự thiêu bỏ lại người vợ tật nguyền và đứa con trai 17 tuổi sống trong cảnh nghèo khó |
Ban đêm dù có uống thuốc an thần nhưng vẫn bị mất ngủ. Nhiều hôm, trời đã khuya ông ấy vẫn tâm sự với tôi, nói muốn chết để vợ con đỡ khổ. Hôm xảy ra chuyện, ông bảo tôi đi nhặt ve chai kiếm cơm qua bữa. Buổi sáng tôi đi, trưa về lại nhà, ông có xin tôi 10 nghìn, nói mua bánh nậm để chiều ăn. Ai ngờ ông ấy lấy số tiền đó đi mua xăng. Trưa đó, ông ấy cứ nói đi nói lại: “Anh có đau chi mô mà. Vợ đi làm đi, đừng lo chi cho anh cả”. Chắc ông ấy sợ mình là gánh nặng cho tôi và con nên mới nghĩ quẩn tìm đến cái chết như vậy”.
Gia cảnh khốn khổ
Ngày anh Tin mất, nhà chị Lý không có một đồng để lo hậu sự, thậm chí tiền mua quan tài cho chồng cũng không có. May mắn khi hàng xóm vì thương hoàn cảnh này nên đã kêu gọi giúp đỡ, động viên. Một người hảo tâm đã đứng ra bỏ tiền mua quan tài, thuê rạp giúp chị lo hậu sự cho chồng.
Chị Nguyễn Thị Bé (49 tuổi) cho biết: “Tôi thấy gia đình chị Lý quá khó khăn nay lại lâm vào đường cùng như vậy nên tôi thương lắm. Cả xóm này, bỗng đoàn kết, không ai nói ai, người giúp 1 tay để lo hậu sự cho anh Tin. Nhà chị Lý quá nhỏ, thỉnh thầy chùa về tụng kinh cũng không có chỗ mà đứng. Thương nhất là lúc trời mưa to, nhà dột phải lấy áo mưa đậy quan tài cũng như di ảnh của anh”.
Ngồi trong ngôi nhà nhỏ, chị Lý kể về số phận của vợ chồng mình. Chị là người con duy nhất, sinh ra trong một gia đình nghèo, dân vạn đò ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Ngay từ nhỏ chân chị đã bị teo lại, đến lúc mới 10 tuổi, mẹ qua đời, bố lấy vợ khác. Không có nơi ở, hàng ngày chị Lý ở đậu trên những con đò, sống “tha phương cầu thực”, một mình lang thang, làm đủ mọi nghề kiếm sống từ dọn dẹp nhà cửa, giặt áo quần, làm vàng mã thuê cho đến đi nhặt sắt vụn…
Anh Tin sinh ra trong gia đình thuộc diện hộ nghèo ở TP Huế, bố mẹ mất sớm, anh còn có 2 người chị gái nghèo khổ như mình. Như chị Lý, chân của anh cũng bị teo bẩm sinh. Cách đây 18 năm, anh tình cờ gặp chị Lý. Bằng tình yêu, hằng ngày anh đi thuyền hoặc phải bơi qua sông để gặp chị ở trên đò. Hai số phận đồng cảnh ngộ ấy đã bén duyên, dọn về sống với nhau mà không cần đăng ký kết hôn.
Mọi sự giúp đỡ cho hoàn cảnh trong bài, xin gửi về bà Nguyễn Thị Lý, địa chỉ: Số nhà 23 kiệt 14 đường Nguyễn Phúc Lan, phường Kim Long, TP. Huế, tỉnh ThừaThiên - Huế hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0166.894.0024.
Thấy hoàn cảnh éo le của đôi vợ chồng này, chính quyền địa phương đã cấp cho vợ chồng chị mảnh đất 50m2 để dựng căn lều nhỏ ở tạm. Năm 2000, vợ chồng chị sinh một bé trai. Có con, 2 vợ chồng tàn tật này lại càng hăng say làm việc hơn, hàng ngày, anh Tin đi khắp nơi gò xoong nồi hỏng để kiếm tiền, chị Lý chịu khó chạy khắp các nẻo đường để làm nghề nhặt sắt vụn. Chăm chỉ lao động và được các nhà hảo tâm ủng hộ thêm nên anh chị cũng đủ tiền xây được một căn nhà cấp 4 trên mảnh đất chính quyền cấp cho.
Thế nhưng, từ lúc anh Tin bị bệnh tâm thần, cuộc sống gia đình này gần như rơi vào bế tắc. Ngoài 800 nghìn tiền anh chị được trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật, họ không có thêm thu nhập nào nữa. Nhưng thương chồng, chị Lý đã vượt qua tất cả để lo thuốc thang cho anh và tìm mọi cách để lo cho con đi học.
Em Nguyễn Quý (17 tuổi) cho biết: “Ba mẹ em nghèo nhưng thương, lo cho em đầy đủ mọi thứ không thua gì người ta. Lúc ba phát bệnh, mẹ không còn đủ sức để cho em tới trường nữa nên em đành phải nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền giúp mẹ. Hiện tại, em đã xin được nơi để học nghề sửa xe máy”.
Căn nhà chị Lý đang ở được phường cho “mượn” đất. |
Ông Tôn Thất Tiến (Tổ trưởng tổ dân phố 21, khu vực 7, phường Kim Long) cho biết: “Chị Lý đến đây sống từ năm 1999, do vợ chồng này đều bị tật nguyền nên phường đã cho chị miếng đất (không được cấp sổ đỏ) và đưa gia đình chị vào diện hộ nghèo của địa phương.
Ở khu phố tôi, vợ chồng này nghèo nhất nhưng thương nhau lắm, có gì ngon người này đều nhường cho người kia. Trong xóm, không hề thấy họ cãi vã, to tiếng với nhau lần nào. Chồng mới mất, cũng may chị Lý có đứa con trai ngoan ngoãn, khỏe mạnh nay đã 17 tuổi, mong sau này cháu sẽ đi làm đỡ đần mẹ được phần nào”.