Tư thế sẵn sàng chiến đấu
Vụ phóng thành công tên lửa từ dưới mặt nước đầu tiên của Nga đã được thực hiện cách đây 60 năm. Kể từ đó, các tên lửa của Nga đã trở nên thông minh hơn, mạnh mẽ hơn và bay xa hơn nhiều. Tuy nhiên, chiến thuật phóng tên lửa từ tàu ngầm của nước này vẫn không thay đổi.
Các tàu ngầm tuần dương hiện đại của Nga hiện nay có thể phóng một quả tên lửa hoặc loạt tên lửa cả từ mặt nước và từ dưới mặt nước. Việc phóng tên lửa từ dưới mặt nước được coi là một trong những bài tập phức tạp nhất trong quá trình huấn luyện chiến đấu.
Theo Thuyền trưởng hạng Nhất Igor Kurdin, ban đầu, các tên lửa đạn đạo chỉ được trang bị cho tàu ngầm diesel-điện của Nga. Để bắn được những tên lửa này, tàu ngầm sẽ phải nổi lên. Khi đó, tên lửa mới được đưa lên bệ phóng gần hàng rào cabin và được phóng đi sau đó. Đương nhiên, sau khi nổi lên mặt nước, tàu ngầm mất đi lợi thế chính của mình là khả năng tàng hình.
Chính vì vậy, Hạm đội Nga muốn có các loại tên lửa có thể được phóng từ dưới mặt nước. Có điều, để chế tạo loại vũ khí mới như vậy, các nhà thiết kế đã phải đối mặt với không ít những khó khăn nghiêm trọng bởi vì vào lúc phóng tên lửa, tàu ngầm vẫn tiếp tục di chuyển. Tốc độ di chuyển nhỏ nhưng vẫn đủ để hình thành dòng nước mạnh “gây ức chế” cho tên lửa.
Trong bối cảnh như vậy, vào giữa những năm 1950, nhà thiết kế Sergey Korolyov đã tìm cách giải quyết vấn đề này. Ông đề nghị lắp thêm một bánh lái “khí” ở phía dưới tên lửa đạn đạo. Một tấm thép có kích thước 40 x 50 cm, đặt ở góc 15 độ, làm lệch luồng phản lực, bù đắp lại “áp lực dòng nước” vào tên lửa. Sau khi nhận được lệnh và tọa độ của mục tiêu, tàu ngầm hạt nhân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bắt đầu chuẩn bị phóng tên lửa.
“Đường đi, tốc độ và độ sâu vẫn không thay đổi. Tàu ngầm không thể thay đổi hướng đi, không thể giảm hoặc tăng tốc độ ngay cả khi bị tấn công. Tất nhiên, vào thời điểm này, chiếc tàu ngầm dễ bị tổn thương nhất. Nhưng, điều quan trọng nhất đối với thủy thủ đoàn là hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả và phóng hết cơ số tên lửa”, ông Kurdin nói.
Chọc thủng lớp băng dày
Theo ông Kurdin, điều kiện phức tạp nhất cho việc phóng tên lửa từ tàu ngầm là ở vùng Bắc Cực. Ở đó, những rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra trong mỗi chuyến đi của tàu ngầm. Bởi, các tàu ngầm hạt nhân không phóng tên lửa từ dưới lớp băng. Trong mọi trường hợp, tàu phải nổi lên để phóng tên lửa. Có 2 phương án nổi lên mặt nước, bao gồm tĩnh và động.
Trong trường hợp đầu tiên, con tàu từ từ nổi lên đến lỗ nước trên băng đã được tìm thấy trước đó. “Nhưng, trên mặt nước vẫn có lớp băng nhỏ. Đã có một số trường hợp khi lớp băng chặn nắp ống phóng. Còn trong quá trình nổi lên “động”, tàu ngầm di chuyển với tốc độ không quá 5 hải lý/giờ và chọc thủng lớp băng. “Nhưng, phương án này ít được sử dụng bởi vì độ bền kết cấu phần thân vỏ thép bị hạn chế và nếu tàu ngầm nổi lên và phá vỡ lớp băng độ dài 5 mét bằng thân tàu, nó có thể bị hư hại”, ông Kurdin lưu ý.
Theo vị chuyên gia, trước đây Nga đã nghiên cứu phương án tạo ra một lỗ trên băng bằng cách phóng các tên lửa với đầu đạn có sức công phá lớn. Khi đó, tàu ngầm sẽ phóng 4 quả tên lửa phát nổ cùng lúc ở một khoảng cách nhất định từ lớp băng để tàu có thể đi qua.
“Các cuộc thử nghiệm cho thấy rằng, các vụ nổ đã phá vỡ lớp băng nhưng những mảnh vỡ lớn của băng là mối nguy hiểm không kém gì băng biển dày ít nhất 3m. Hầu như không thể phóng tên lửa qua một cái lỗ như vậy. Đã có lần, quả ngư lôi mất định hướng và quay về phía tàu ngầm khiến các thủy thủ phải né vũ khí của chính mình. Cuối cùng, phương án này đã bị bỏ đi”, vị chuyên gia giải thích.
Theo ông Kurdin, hiệu quả của việc bắn tên lửa phần lớn phụ thuộc vào các nhà điều hướng, họ phải xác định chính xác vị trí của tàu ngầm trước khi phóng để tên lửa bắn trúng mục tiêu. Để bù lại sai sót này, các tên lửa hiện đại của Nga nay được trang bị hệ thống tự động sửa lỗi. Sau khi phóng tên lửa, thủy thủ đoàn chỉ có thể sử dụng các ngư lôi và tàu ngầm nhắm vào các tàu chiến hoặc nhóm tấn công của tàu sân bay. Tuy nhiên, ông Kurdin thừa nhận rằng, nếu tàu ngầm phóng hết số tên lửa mà chúng có, hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương sẽ xác định ngay vị trí của nó và rất có thể chiếc tàu ngầm sẽ bị tiêu diệt.
Dù vậy nhưng Thuyền trưởng hạng Nhất của Nga cũng lưu ý rằng, các tàu ngầm Mỹ hiện không biết cách phóng tên lửa đạn đạo ở vùng Bắc Cực. “Các tàu ngầm Mỹ di chuyển dưới lớp băng rồi nổi lên. Có lần, một nhóm tàu ngầm Mỹ nổi lên ở vùng Bắc Cực. Tuy nhiên, họ không thể phóng tên lửa từ các vùng cực. Vì thế, ở vùng ở Bắc Cực không có tàu ngầm tên lửa của Mỹ. Mỹ sở hữu các tàu săn tàu ngầm có nhiệm vụ tìm kiếm dưới lớp băng và theo dõi các tàu ngầm của Nga và tiêu diệt tàu ngầm trước khi nó phóng tên lửa”, ông này cho hay.
Những “điếu xì gà” đầy uy lực
Vào giữa những năm 1950, Nga đã có tên lửa đạn đạo đầu tiên có thể được phóng từ dưới mặt nước có tên R-11FM. Tàu ngầm thuộc dự án B-67 đã được trang bị hai silo cho tên lửa này. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm khi đó đều không thành công.
Tại cuộc thử nghiệm vào tháng 8/1959, quả tên lửa đã không rời khỏi silo. Đến khi tàu ngầm nổi lên và một con thuyền với các chuyên gia tiếp cận nó, quả tên lửa lại đột nhiên khởi động. May mắn thay, tên lửa đã không phát nổ và không ai bị thương. Phải đến ngày 10/9/1960, cuộc thử nghiệm mới thành công. Tên lửa đã được phóng từ chiếc tàu ngầm đang di chuyển ở độ sâu 30m với tốc độ 3,2 hải lý/giờ.
Ngày nay, trên các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga có một số loại tên lửa đạn đạo và các phương tiện mang chúng. Điển hình có thể kể đến tên lửa R-29R – loại tên lửa đầu tiên trên thế giới cho lực lượng hải quân với nhiều đầu đạn và đầu đạn hướng dẫn riêng. Tổ hợp này đã được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân thuộc Dự án đóng tàu 667 của Nga.
So với các phiên bản tiền nhiệm của nó, độ chính xác của tên lửa R-29R đã tăng gấp đôi và hiệu quả chiến đấu tăng gấp 3 lần. Mỗi tên lửa loại này có thể mang 3 đầu đạn 200 Kiloton với phạm vi phóng 6.500 km. Đến nay, hầu hết các tàu ngầm mang vũ khí này đều đã ngừng hoạt động. Trong Hải quân Nga hiện chỉ còn lại một chiếc tàu lớp Kalmar là tàu ngầm hạt nhân Ryazan.
Thế hệ tên lửa tiếp theo là tên lửa 3 tầng R-29RM được triển khai trên tàu tuần dương ngầm chiến lược thuộc dự án 667BDRM Dolphin. Hạm đội Nga có 6 tàu như vậy, mỗi tàu ngầm mang theo 16 tên lửa hạt nhân R-29RM có tầm phóng hơn 11.500 km. Những tên lửa này được đặt cho biệt danh là “điếu xì gà”.
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Borey mới nhất được trang bị hệ thống tên lửa R-30 Bulava. Trong 30 - 40 năm tới, những tên lửa này được cho sẽ trở thành lực lượng hạt nhân chính của hạm đội tàu ngầm của Nga. Theo dữ liệu mở, tên Bulava có tầm bắn 8.000 km. Những tên lửa này nặng 36 tấn có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 100-150 kT/đầu đạn.