Tiền lệ và thông lệ

(PLO) - Một vụ án “hi hữu” đang diễn ra tại Vinh, Nghệ An. Ngày 24/5, TAND thành phố Vinh đưa ra xét xử vụ tài xế Phan Đình Anh (SN 1983, trú tại xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an TP Vinh. 
Toàn cảnh phiên tòa.
Toàn cảnh phiên tòa.

Gọi là “hi hữu” bởi mấy lý do. Thứ nhất, chuyện “khởi kiện” quyết định hành chính của chính quyền, đặc biệt là quyết định hành chính của cơ quan Công an là vô cùng hiếm. Tâm lý chung “con kiến kiện củ khoai”, “trứng chọi đá”, “chờ được vạ, má đã sưng” còn phổ biến. Thứ hai, nằm ở ngay tình tiết của vụ việc.

Theo cơ quan Công an sở tại, ngày 17/3/2016, lái xe Phan Đình Anh trong nhiều lỗi vi phạm có lỗi đi vào đường cấm. Tổng số tiền xử phạt 4,9 triệu đồng, tạm giữ xe 9 ngày. Phía Công an cho rằng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì biển báo số 106b cấm tổng trọng tải của xe và hàng (trọng lượng xe cộng với trọng lượng hàng).

Ở trường hợp xử phạt tài xế Anh, trọng lượng xe tải là 3,4 tấn và trọng lượng hàng được phép chở là 4 tấn, nên có tổng trọng tải vượt quá quy định thì  xử phạt là đúng luật. Ngược lại, tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho tài xế Anh cho rằng quyết định xử phạt của Công an là không đúng.

Theo nội dung biển báo thì cấm các phương tiện có tổng trọng tải cả xe, lẫn hàng trên 4 tấn. Thời điểm tài xế Anh không chở hàng, xe có trọng tải 3,4 tấn nên không vi phạm. Tức là thực tế và quy định của Luật khác nhau, còn “khoảng hở” để cãi? Phiên tòa chưa đi đến hồi kết, tức Tòa chưa tuyên, nếu tuyên thì bản án cũng chưa có hiệu lực pháp luật.

Câu chuyện là một trong số vụ việc thuộc “tiền lệ”. Có điều đó là một “tiền lệ văn minh”. Vì sao?

Ở Việt Nam tài phán hành chính đang trong quá trình hình thành, mặc dù đã được thành lập cách đây 20 năm (tính từ tháng 6/1996 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Pháp lệnh, quy định  thủ tục giải quyết các vụ án hành chính). Năm 2010, Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua Luật Tố tụng Hành chính (Luật số 64/2010/QH12). Luật này chỉ có “tuổi thọ” 5 năm. Năm 2015, Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua Luật Tố tụng Hành chính (Luật số 93/2015/QH13) thay thế.

Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của Toà Hành chính (TAHC) vẫn đang là một dấu hỏi.  Số vụ việc công dân khởi kiện ra TAHC còn hiếm hoi, chủ yếu vẫn là đơn thư khiếu nại gửi đến cơ quan thanh tra các cấp. Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này: thẩm quyền của Toà án trong xét xử hành chính còn hạn chế; trình độ năng lực thẩm phán còn chưa đáp ứng được yêu cầu xét xử một lĩnh vực mới mẻ; sự hiểu biết của người dân về sự hiện diện của xét xử hành chính và cơ hội khởi kiện còn chưa cao; các quy định của pháp luật về giải quyết các vụ án hành chính còn có nhiều điểm chưa phù hợp.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình được hoàn thiện, tôn trọng và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế. Người dân có quyền và có các điều kiện cần thiết để tham gia giám sát các hoạt động của bộ máy công quyền, quá trình thực thi công vụ của nhà chức trách.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, TAHC nhằm bảo đảm  pháp chế và kỷ luật trong hoạt động hành chính nhà nước, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức... Do vậy, việc công dân khởi kiện các quyết định hành chính ra TAHC là dấu chỉ của văn minh luật pháp.