Nói đến Phan Văn Trường, trong “Việt Nam danh nhân từ điển” đã xưng tụng là “Chiến sĩ cách mạng lỗi lạc và cũng là một tay viết báo có đặc tài thời cận đại”. Liệu lời ấy có là ngoan ngôn, xét việc làm của họ Phan, hẳn rõ...
Về quê hương Phan Văn Trường, ta đã thấy vang danh, đó là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dữ liệu trên, ghi theo sách “Luật sư Phan Văn Trường”, một nghiên cứu công phu về ông. Nay huyện Từ Liêm đã tách ra, nơi chôn nhau của họ Phan, giờ thuộc phương Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.
Dòng dõi Phan Phu Tiên
Làng Đông Ngạc xưa, còn có tên Nôm là Kẻ Vẽ, đã có tiếng là làng có nhiều người đỗ đạt, nên mới có câu truyền “Quả Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”. Người có công khai khoa cho Kẻ Vẽ, là một tên tuổi rất nổi danh trong quốc sử nước Việt xưa kia, một viễn tổ của Phan Văn Trường: Phan Phu Tiên.
Phan Phu Tiên đã đỗ Thái học sinh thời Trần, nổi danh bên lĩnh vực viết sử với các tác phẩm Đại Việt sử ký tục biên, Việt âm thi tập, Quốc triều luật lệnh… Riêng dòng họ Phan, là một trong ba họ lớn của làng Đông Ngạc xưa kia.
Trong những danh nhân thuộc họ mình, Phan Văn Trường rất ấn tượng với ông cố Phan Lê Phiên, người được “Lịch triều tạp kỷ” khen là “Phiên là người có tâm thuật theo kinh điển”. Phan Lê Phiên cũng chính là tác giả của Cao Bằng lục, đồng tác giả bộ Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.
Bởi vậy, khi nhắc đến ông cố, Phan Văn Trường đã bày tỏ “Dưới triều Lê, ông là một chính khách gương mẫu về đức thanh liêm”… “Trải qua những chặng đường đời khác nhau, đạo đức cao cả của ông chưa hề suy giảm”.
Về gia đình Phan Văn Trường, theo “Gia phả họ Phan”, cụ Phan Lê Phiên kết hôn với bà Nguyễn Thị Viễn, sinh ra Phan Văn Tảo, là ông nội Phan Văn Trường. Thân phụ Phan Văn Trường, là Phan Anh Nhân, thân mẫu là Phạm Thị Nghiêm. Trong gia đình, Phan Văn Trường là con trai thứ năm trong 6 anh em trai (cụ Anh Nhân có 9 người con, 6 trai, 3 gái).
Ngay từ thuở nhỏ, Phan Văn Trường được học chữ Hán, rồi sau đó là chữ quốc ngữ, Pháp ngữ. Ông có tiếng là thông minh, chăm chỉ. Sau khi tốt nghiệp trường Thông ngôn ở Hà Nội, họ Phan làm thông ngôn nơi văn phòng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ một thời gian.
|
Một tác phẩm của LS Phan Văn Trường |
Thành danh nơi Pháp quốc
Khi Đông Kinh Nghĩa Thục được lập, Phan Văn Trường cùng với hai anh là Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên cũng tham gia giảng dạy, lớp học đặt tại xóm Ngõ Trung thuộc làng Đông Ngạc.
Thực dân Pháp đánh hơi thấy hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục có ảnh hưởng lớn bất lợi cho chúng, thế là trường bị đóng cửa, nhiều giáo viên bị bắt, trong đó có ba anh em họ Phan. Nhưng sau đó, ba anh em được thả vì Pháp không có lý do để bắt tội.
Ấy nhưng sau đó 5 năm, nhân vụ Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn bị giết (12/4/1913), rồi khách sạn Hà Nội bị ném tạc đạn (26/4/1913), hai người anh Phan Văn Trường bị bắt. Phan Tuấn Phong bị kết án lưu đày biệt xứ sang Nouvelle Calédonie giữa Thái Bình Dương, còn Phan Trọng Kiên bị kết án 10 năm ra Côn Đảo. Lúc ấy, Phan Văn Trường đang ở Pháp.
Tập hồi ký “Une histoire des conspirateurs annamites à Paris ou La Vérité sur l’Indochine” (Một câu chuyện về những người Việt Nam mưu loạn ở Paris hay sự thật về Đông Dương), Phan Văn Trường cho biết, mình sang Pháp năm 1908. Một trong những lý do ông ghi lại cho việc mình xuất dương, ấy là “Tôi vừa lòng vì có thể đi xa để khỏi phải chứng kiến những cảnh đau lòng trong đời sống ở thuộc địa”.
Nơi Pháp quốc, họ Phan ở Paris và “Trong ba năm đầu, thời gian của tôi chia làm hai: một phần thời gian làm giảng viên ôn tập (répétiteur) môn tiếng Việt tại Trường ngôn ngữ phương Đông, phần còn lại theo học – không đều đặn – vài môn học ở Trường Đại học luật khoa”.
Ông theo học cả luật, cả văn chương, nên sau đó, Phan Văn Trường tốt nghiệp, có trong tay hai tấm bằng Cử nhân luật khoa, lại kèm bằng Cử nhân văn chương, một điều hiếm có với người Việt dạo ấy. Trong “Văn học Việt Nam nơi miền đất mới” cho hay, họ Phan có nhiều tác phẩm, tỉ như: Lược khảo về bộ luật Gia Long; Việc giáo dục học vấn trong dân tộc An Nam (1925)…
Không dừng lại ở đó, họ Phan học tiếp lên tiến sĩ luật khoa. Ấy nhưng bấy giờ, Thế chiến thứ nhất bùng nổ, và Phan Văn Trường sau đó, ngồi nhà lao. Cơ sự ra sao lại nên chuyện ấy?
Với bằng cử nhân luật khoa trong tay, Phan Văn Trường lại có quốc tịch Pháp, nên ông dễ dàng hành nghề. Năm 1912, họ Phan tham gia Đoàn luật sư Paris, hành nghề tại Tòa Thượng thẩm Paris, được giới trí thức Pháp kính nể bởi là một học giả uyên bác. Cũng nơi đất Paris, Phan Văn Trường có mối liên hệ mật thiết với cụ Phan Châu Trinh, rồi Nguyễn Ái Quốc.
|
Sách Luật hình qua pháp chế cổ Trung Hoa của LS. Phan Văn Trường |
Giam giữ nơi nhà lao Cherche-Midi
Cùng với cụ Tây Hồ, Phan Văn Trường lập nên và làm Hội trưởng Hội đồng bào thân ái, tập hợp những đồng bào Việt Nam sinh sống, học tập, lao động tại Pháp. Thực dân Pháp, thì phái mật thám theo dõi ông. Thế rồi…
Thế chiến thứ nhất nổ ra nơi đất cựu lục địa tháng 8/1914, Phan Văn Trường bấy giờ tuổi đời 38, có quốc tịch Pháp, nên phải đi lính theo lệnh tổng động viên. Theo nghiên cứu của PGS. Nguyễn Phan Quang, ông được biên chế vào đội bộ binh số 102 đóng tại trại lính Marceau, và, họ Phan bị bắt.
Sách “Đông Ngạc tập biên” khi ghi về tiểu sử họ Phan, có ghi: “Đầu tháng 9 năm 1914, nhân cuộc Pháp-Đức chiến tranh, thực dân dựa vào một cái thư không biết thực hay giả, vu cho những người cách mạng Việt Nam là đã bí mật giao thiệp với Đức để âm mưu làm loạn (hồi đó cụ Cường Để ở bên Đức)”.
Còn trong hồi ký, Phan Văn Trường cho hay nguyên nhân mình bị bắt như sau: “Chính phủ lợi dụng tình trạng chiến tranh để buộc tội ông (Phan Châu Trinh) cùng với tôi có âm mưu chính trị chống lại nước Pháp và giam chúng tôi vào ngục tối trong 11 tháng”.
Riêng báo Phụ nữ tân văn, thì miêu tả sự việc khá cụ thể “Hôm 12 tháng 9, trong khi cụ với anh em đồng ngũ đang tập ở giữa sân trong trại thì có hai người sen đầm đi xe hơi lại, một người vô trình quan binh rồi kêu cụ ra và nói: - Tôi vâng lệnh bắt chú vì chú can phạm vô một tội mưu. Bữa sau, cụ bị giải về Paris để ra trước tòa án binh xét xử. Quan ba Caron vâng mạng tòa án cho lấy khai về việc cụ trước khi đem ra tòa xử”.
Sau khi bị bắt, họ Phan bị giam nơi nhà lao Cherche-Midi dành riêng cho quân nhân. Sau ngày Phan Văn Trường bị bắt hai ngày, như số báo trước ta đã biết, cụ Phan Tây Hồ cũng bị bắt, giam nơi nhà lao dân sự La Santé.
Vì lý do bắt ông không rõ ràng, nên theo nghiên cứu trong sách “Luật sư Phan Văn Trường”, tòa án Pháp gửi điện nhờ cơ quan mật vụ Anh dò tìm tung tích hoạt động của Nguyễn Tất Thành lúc này đang ở Anh quốc mà chúng nghi có liên quan tới hoạt động của ông.
Tuy nhiên, mật vụ Anh đã không có phản hồi nào. Đối với vị luật sư họ Phan, ông kiên quyết phản đối việc bị bắt giam vô lý về cái gọi là “âm mưu chính trị chống nước Pháp”. Ông cho rằng “Âm mưu này chỉ có thể có trong tưởng tượng ác ý của những người buộc tội chúng tôi mà thôi”. Ấy nhưng, 11 tháng, họ Phan vẫn phải ngồi nhà lao Cherche-Midi.
Chỉ đến khi, như “Đông Ngạc tập biên” cho biết “Qua năm 1915 nhờ có sự can thiệp của đảng Xã hội, cùng đảng Xã hội Cấp tiến và hội Nhân quyền bên Pháp, các cụ mới được tha”. Tháng 7/1915, Phan Văn Trường được Pháp trả tự do, nhưng đây mới là lần đầu tiên họ Phan làm bạn với nhà lao...