Tiếp diễn trận chiến chống tham nhũng

(PLO) - Vào ngày nghỉ cuối tuần qua, Ủy ban Kiểm tra TƯ ra thông cáo báo chí về kết quả hội nghị diễn ra trong 2 ngày trước đó, kích hoạt một sự kiện thông tấn thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Theo đó, một loạt các tướng lĩnh quân đội, bộ trưởng, thứ trưởng, người đứng đầu công ty to và ngân hàng lớn để xảy ra các sai phạm trong quá trình quản lý thuộc trách nhiệm của mình bị đề nghị xem xét kỷ luật. Việc khai trừ và cách hết chức vụ trong Đảng của một số nhân vật cộm cán đủ để thấy rằng 'cánh cổng' xử lý hình sự đã mở ra và con đường dẫn đến trại giam và tòa án không còn xa nữa.

Điều quan trọng nhất và đáng quan tâm nhất là các vụ sai phạm tày đình, phát hiện và vạch tội vô cùng khó khăn bởi không ít trở ngại, thời gian chờ đợi xử lý kéo dài khiến dư luận phân tâm, nghĩ rằng có thể đã “chìm xuồng”.

Thương vụ mua bán giữa Mobifone với AVG là một dẫn chứng, không ít người nghi ngại rằng khi vụ việc này bị phát hiện, đứng trước nguy cơ bị xử lý thì những người trong cuộc đã tích cực “khắc phục hậu quả”, trả lại cho nhau những gì đã từng mua bán thì họ sẽ tránh được việc xử lý về các sai phạm đã diễn ra trước đó. Giờ thì không, làm sai thì phải chịu trách nhiệm, phải trả giá là lẽ đương nhiên. Đây cũng là tiền lệ cho một vụ việc tương tự ở TP HCM trong thương vụ mua bán đất giữa Công ty Tân Thuận thuộc Thành ủy với Công ty Quốc Cường Gia Lai, hiện tại, họ cũng đã đưa việc này về tình trạng ban đầu coi như chưa có thương vụ nào từng xảy ra.

Cũng tại thời điểm này, một diễn biến khác gây chú ý và vào ngày 29/6, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

“Tang vật” của vụ án này là Nhà máy Ethanol Phú Thọ xây dựng trên 50 ha đất ở Tam Nông, giờ là một khu hoang phế và đống sắt gỉ sét sau khi đổ vào đó chừng 1.500 tỷ đồng. Đây cũng là “tiền lệ” cho “ông chủ” của các dự án, công trình nghìn tỷ “đắp chiếu” khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Những người “trót nhúng chàm” mong cho lò nguội, lửa tắt và ý chí chống tham nhũng nhụt đi, nhưng đa số nhân dân không như vậy, họ muốn lẽ công bằng phải được thực thi để tiền bạc của nhân dân, tài nguyên của đất nước không thể bị phung phí hoặc chui vào tài khoản của một số người./.