Chú trọng công tác hỗ trợ an sinh, nhà ở và tái định cư
Hôm qua (22/7), Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Hòa Bình.
Đánh giá cao tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong tổ chức diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp vừa qua, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, thể hiện trách nhiệm cao và tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái”; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ ; đôn đốc thành phố Hòa Bình hoàn thành khu tái định cư 74 hộ làng Vạn Chài; rà soát điểm di dân khẩn cấp; đóng 1 cửa xả đáy để vùng hạ du đảm bảo an toàn sản xuất; tiếp tục thăm hỏi, động viên, quan tâm hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại.
Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, hiện nay hồ Hòa Bình đang mở 4 cửa xả đáy. Toàn tỉnh đã có 1 người chết do sạt lở đất tại xóm Mát, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc; 250 ngôi nhà bị hư hỏng và thiệt hại do mưa lũ... Đến nay, công tác phòng chống thiên tai vẫn được thực hiện tích cực, chú trọng nhất vào công tác hỗ trợ an sinh, hỗ trợ về nhà ở và tái định cư; khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, di dời an toàn 74 hộ dân làng Vạn Chài ở khu vực hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình về nơi mới an toàn.
Tại Yên Bái, trong ngày 22/7, lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn tại vùng lũ vừa tìm thêm được 2 người dân ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn bị mất tích trước đó, đưa về nơi an toàn. Như vậy số người mất tích trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ còn sáu người.
Các lực lượng cứu hộ cũng đã di dời khẩn cấp 169 hộ đến nơi an toàn. Tỉnh Yên Bái cũng đã cấp phát gần 6 tấn gạo hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn do mưa lũ. Vận chuyển 3 tấn gạo và 200 thùng mỳ tôm lên xã Nậm Mười, Sùng Đô. Bộ Quốc phòng đã quyết định cấp phát cho tỉnh Yên Bái 6 tấn lương khô, 20 bộ nhà bạt, 10 máy phát điện và máy bơm nước.
Cắt cử lực lượng thường trực trên các tuyến giao thông bị ngập
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, sáng 22/7, mực nước sông Hoàng Long (Ninh Bình) tiếp tục dâng cao, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh đạt bình quân 450mm. Trước tình trạng bất thường của thời tiết, tỉnh Ninh Bình vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, áp thấp nhiệt đới; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là với mưa lớn, ngập úng, giông lốc; triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xảy ra lũ khẩn cấp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trong khi đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa vừa có công điện khẩn về việc phát lệnh báo động III trên sông Bưởi. Để đảm bảo tính mạng người dân, huyện Thạch Thành đã di chuyển hơn 700 hộ dân đến nơi an toàn.
Đối với các tuyến đường giao thông bị ngập, địa phương đã cắt cử lực lượng thường trực, hướng dẫn người dân không đi vào khu vực nguy hiểm đặc biệt là ban đêm. Với những hồ đập không đảm bảo an toàn, thường xuyên xả tràn, tuyệt đối không cho người và gia súc đến các thân đập và cảnh báo người dân vùng hạ du thực hiện di dời đến nơi an toàn.
Tại Hà Nội, mưa lớn những ngày qua khiến mực nước sông Tích trên địa phận huyện Quốc Oai dâng cao. Từ chiều 21/7/2018, nước tràn qua đê sông Tích khiến một số xã vùng ngoài đê bao của huyện ngập sâu từ 30cm đến gần 1 mét nước, nhiều thôn bị cô lập, nhiều trang trại của các hộ dân bị mất trắng, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện tại, nhiều địa phương đã tổ chức nhiều tổ công tác đi xuống tận thôn, bản để hỗ trợ an sinh xã hội; chuyển nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các thôn, xã; tiếp tục chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn…