Chi cục Thuế quận 4 cần xem xét lại nội dung trả lời Đoàn Thanh tra
Cty Nhựt Phát trụ sở tại TP HCM; có duy nhất 1 Nhà máy Nhựt Phát tại ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, chuyên sản xuất tinh bột, sản phẩm từ tinh bột.
Theo KLTT, Nhựt Phát đã sử dụng hóa đơn GTGT không hợp pháp của Cty Trần Cao (quận 4, TP HCM) không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT; với 41 hóa đơn là 11,5 tỷ đồng. Nói cách khác, 2 Cty này chỉ mua bán hóa đơn, không có hàng hóa.
Giải thích về căn cứ ra kết luận này, ngày 2/5/2024, tỉnh Tây Ninh có văn bản cho rằng Chi cục Thuế quận 4 (Chi cục) đã có công văn cho Đoàn Thanh tra, xác định “các hóa đơn trên là không có giá trị sử dụng”.
KLTT cũng cho rằng “Trần Cao không tồn tại ở nơi đăng ký trụ sở trong thời điểm xuất hóa đơn cho Nhựt Phát”.
Tuy nhiên, hồ sơ sự việc lại thể hiện mãi đến ngày 18/4/2019 Chi cục mới có Thông báo 1041/TB-CCTQ4 về việc Cty Trần Cao không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; trong khi Trần Cao đã xuất hóa đơn cho Nhựt Phát trước thời điểm đó. Sau đó Trần Cao cũng không “bỏ trốn”, vì ngày 17/9/2019 Trần Cao có văn bản gửi Chi cục đề nghị khôi phục mã số thuế.
Ngày 25/9/2019, Cty Trần Cao nộp báo cáo mất, cháy, hỏng hóa đơn. Tại biên bản làm việc giữa Chi cục và Trần Cao ngày 4/10/2019 thể hiện, với những hóa đơn Trần Cao báo mất, cháy, hỏng, thì Chi cục đã gửi hồ sơ đến Công an quận 4 để xác minh.
Sau đó, Trần Cao bị Chi cục ra 2 quyết định xử phạt về 2 hành vi: Nộp tờ khai thuế GTGT kỳ kê khai quý I/2019 trễ hạn; và không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế. Trần Cao đã chấp hành 2 quyết định xử phạt này.
Luật sư (LS) Vũ Thị Kim Thoa (Văn phòng LS Yên Lam, Đồng Nai) cho biết, các hồ sơ chứng cứ như trên cho thấy các hóa đơn mà Trần Cao đã xuất cho Nhựt Phát, về nguyên tắc là hợp pháp.
LS Thoa cũng cho rằng Chi cục Thuế quận 4 và KLTT 987 sử dụng khái niệm “hóa đơn không có giá trị sử dụng” trong sự việc này là không đúng. Theo Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, thì chỉ có thể sử dụng khái niệm này; nếu những hóa đơn này Chi cục Thuế quận 4 không cho phát hành mà Cty Trần Cao vẫn phát hành, sử dụng để kê khai doanh thu. “Ở đây, các hóa đơn này đã được Chi cục cho phát hành hợp pháp”, LS Thoa nói.
“Từ trước và trong khi làm ăn với Nhựt Phát, thì Trần Cao vẫn có thông báo phát hành hóa đơn, được Chi cục chấp nhận. Trần Cao có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, có kê khai doanh thu bán hàng, có đóng thuế GTGT chênh lệch”, LS Thoa nói.
“Về thủ tục, nếu các hóa đơn mà Trần Cao xuất cho Nhựt Phát là hóa đơn “không có giá trị sử dụng”, thì về mặt quản lý nhà nước, Chi cục phải ra quyết định buộc Trần Cao thu hồi hóa đơn đã xuất cho Nhựt Phát (liên 2), sau đó hủy bỏ. Tôi cho rằng Chi cục Thuế quận 4 chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ, chưa xác minh rõ ràng, mà đã vội có công văn trả lời Đoàn Thanh tra Tây Ninh, xác định “các hóa đơn trên là không có giá trị sử dụng”; là cần xem xét lại”, LS Thoa nêu quan điểm.
41 hóa đơn trong sự việc. (Ảnh: Huỳnh Hiếu) |
41 hóa đơn đủ cả hồ sơ chứng từ và căn cứ pháp lý
Một tình huống khác có thể xảy ra trong trường hợp này, theo Luật gia Trần Trọng Mạnh (Hội Luật gia TP HCM), hiện nay cơ quan chức năng không thể liên lạc được với Trần Cao để xác minh những hóa đơn trên.
Hiện tại, với 41 hóa đơn GTGT này (mẫu số 01GTKT3/003 ký hiệu TC/18P), Nhựt Phát đã sử dụng để khai khấu trừ thuế; đầy đủ hồ sơ chứng từ thanh toán; khẳng định những hóa đơn này có giá trị sử dụng.
Luật gia Mạnh nêu quan điểm, nếu không có chứng cứ chứng minh rõ ràng, thì không thể áp đặt Nhựt Phát trốn thuế. “Theo Công văn 7333/BTC-TCT ngày 24/6/2008 của Bộ Tài chính, trường hợp DN phát hành hóa đơn trước khi có công văn thông báo bỏ trốn: Nếu bên mua chứng minh hàng hóa có thật (gồm hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hóa đơn GTGT), thì được mặc định là hóa đơn hợp pháp. Đối chiếu quy định này, thì đây là 41 hóa đơn hợp pháp. Vì Nhựt Phát có đủ hồ sơ giấy tờ và Trần Cao xuất 41 hóa đơn này trước 18/4/2019 là ngày Chi cục Thuế quận 4 ra công văn thông báo Trần Cao bỏ trốn”, luật gia Mạnh nói.
“Tuy nhiên, hồ sơ còn cho thấy, cuối tháng 9/2019, Trần Cao đã quay lại làm thủ tục xin cấp lại mã số thuế tại Chi cục Thuế quận 4. Vì vậy, tôi cho rằng xét cả về chứng cứ thực tế cũng như quy định pháp luật, thì phải xem xét 41 hóa đơn trên là hóa đơn hợp pháp; chứ không thể quy kết Nhựt Phát sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế. Theo tôi, Nhựt Phát cần phải có đơn đề nghị Chi cục Thuế quận 4 và Cục Thuế TP HCM, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính làm rõ các vấn đề này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, tránh xảy ra những kết luận oan sai”, luật gia Mạnh nói.
Trước đây, PLVN đã phản ánh một số ý kiến chuyên gia về việc có dấu hiệu cơ quan chức năng Tây Ninh vi phạm thẩm quyền thanh tra trong vụ việc này.
LS Lê Thanh Trang (Cty Luật TNHH MTV Tia Sáng, TP HCM) cho rằng quyết định thanh tra ghi rõ đối tượng thanh tra là Chi nhánh Tây Ninh, nên không được thanh tra hồ sơ Cty “mẹ” tại TP HCM.
Tuy nhiên, tới đây thì một vấn đề khác xảy ra. Vì Chi nhánh Tây Ninh là chi nhánh hạch toán phụ thuộc, không trực tiếp mua bán hàng hóa, không trực tiếp kê khai thuế tại Tây Ninh; nên để kiểm tra, xác định nghĩa vụ của Chi nhánh về thuế, cần thiết phải kiểm tra hồ sơ thuế của Cty “mẹ”.
Lẽ ra để xác định Chi nhánh Tây Ninh có “trốn thuế” hay không, phải áp dụng đúng các quy định về thanh tra chuyên ngành, có thể đề xuất Tổng cục Thuế thanh tra. “Việc Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định thanh tra với trường hợp này là chưa phù hợp. KLTT 987 cũng đã thanh tra nhiều nội dung nằm ngoài phạm vi thuế phải nộp tại Tây Ninh, là vi phạm thẩm quyền”, LS Trang nói.