|
Không điều trị cho bệnh nhân F0 nhưng BV Đa khoa Đức Giang vẫn gửi tin nhắn như đang điều trị cho bệnh nhân F0 |
Không điều trị F0 nhưng BV Đức Giang vẫn gửi tin nhắn như đang điều trị F0
Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin ở bài trước đó, mặc dù bệnh nhân nhiễm COVID-19 không điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhưng bệnh viện này vẫn gửi tin nhắn có dòng chữ không dấu “da ket thuc dot dieu tri”.
Cụ thể, người phản ánh là chị M, cho biết rằng, gia đình chị có bốn người, trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bị F0, và đã khai báo y tế với trạm y tế phường Hàng Mã. Sau đó, cả 4 người đều tự điều trị tại nhà. Chị M và chồng công tác tại cơ quan nhà nước.
Sau khi thông báo đến trạm y tế phường Hàng Mã, chị M nhận được nhiều tin nhắn có địa chỉ gửi từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, với dòng chữ không dấu, cho biết chị M đang là F0 đang điều trị, và link hướng dẫn khai báo hàng ngày, kèm tài khoản và mật khẩu.
Ngày 7/3/2022, gia đình chị M kết thúc điều trị, và vẫn tiếp tục nhận được tin nhắn thông báo đã kết thúc điều trị từ tên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Trong tin nhắn nhận đó, có dòng chữ: “da ket thuc dot dieu tri”. Ngoài ra chị M còn nhận được tin nhắn từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông báo tên một bệnh nhân mà chị không hề quen biết.
Sợ rằng thông tin của gia đình bị tiết lộ ra ngoài, nên chị M rất lo lắng. “Tôi đã liên hệ hỏi y tế phường có cung cấp thông tin riêng của chúng tôi sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang không thì nhận được câu trả lời là: không. Cùng ngày, tôi gọi điện đến Tổng đài của Bệnh viện này để trình bày thắc mắc thì nhận được lời giải thích rằng: Sở Y tế Hà Nội dùng tên của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang”, chị M nói thêm.
Sau đó, đại diện bệnh viện Đa khoa Đức Giang lý giải về việc trên rằng: “Đó là quản lý brand name. Đây là chương trình quản lý và theo dõi F0 tại nhà của thành phố và Sở Y tế Hà Nội. Hai đơn vị này mượn brand name của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chứ bệnh viện không điều trị ngoại trú cho ai. Mọi thông tin của bệnh nhân là thành phố và Sở Y tế Nội nắm bắt chứ bệnh viện không nắm bắt”.
Việc lý giải trên của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn chưa thể làm cho chị M và những người trong gia đình chị thôi lo lắng. Bởi theo chị M, chị cảm thấy không yên tâm khi thông tin điều trị F0 của gia đình lại được cung cấp qua bên thứ 3; trong khi đó, những người bị F0 trong gia đình chị không hề điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
“Điều này có thể ảnh hưởng tới các chế độ, xác nhận điều trị của gia đình tôi khi chồng tôi là quân nhân, tôi là nhà báo đang công tác tại một cơ quan báo chí của nhà nước”, chị M lo lắng.
Lời nói, thái độ có đúng chuẩn mực?
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã đặt lịch làm việc đến Bệnh viện Đức Giang. Người tiếp nhận là ông Trần Anh. Tuy nhiên, sau đó rất nhiều ngày, rất nhiều lần trao đổi qua điện thoại, thì ông Trần Anh mới sắp xếp một cuộc gặp với ông Nguyễn Đắc Hanh, bác sĩ chuyên khoa II, hiện là Trưởng khoa khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
|
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh lấy từ web của bệnh viện Đức Giang |
Cuộc hẹn được sắp xếp vào 4 giờ chiều, nhưng hơn một tiếng sau, ông Hanh mới có mặt tại phòng làm việc, lúc này đã ngoài 5 giờ chiều. Trong cuộc gặp, có cả ông Trần Anh, nhưng việc trả lời báo chí lại là ông Hanh.
Ông Hanh cho biết, để làm ra phần mềm dùng để nhắn tin cho bệnh nhân F0 là công sức và sáng tạo. “Quá nhiều năng lượng, quá nhiều công sức trong đó. “Tôi là bác sĩ, tôi không phải là kỹ sư tin học. Tôi cần phóng viên hiểu cái năng lượng làm phần mềm nó lớn. Phải thông cảm chia sẻ với tôi”, ông Hanh nói.
Khi phóng viên hỏi, vì tin nhắn mang tên Bệnh viện Đức Giang, nhưng lại có gắn link Sở Y tế Hà Nội, vậy việc làm này có được Sở Y tế Hà Nội phối hợp không, thì ông Hanh trả lời: “Sẽ gửi văn bản của phó chủ tịch Trịnh Xuân Dũng. Văn bản này gửi cho các quận huyện và Bệnh viện Đức Giang sử dụng phần mềm F0 tại nhà. Trong vòng 24 giờ sẽ có”. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tuần, mà văn bản ông Hanh nói sau 24 tiếng sẽ có vẫn chưa gửi đến cho Báo Pháp luật Việt Nam.
Lý giải về việc tại sao bệnh nhân không điều trị tại Bệnh viện Đức Giang mà vẫn nhận được tin nhắn như đã phản ánh, thì ông Hanh nói: “Đối với F0 trong hệ thống phần mềm này, nếu ông không khai báo thì sẽ không có tin nhắn. Còn ai đó mà vô tình, như anh biết số điện thoại của chú, mà anh chơi với chú, anh khai báo cho chú, thì hệ thông nó không hiểu…
Hoặc là F0 khai báo mà quên, hoặc là ai đó sử dụng điện thoại F0 để khai báo F0 thì tin nhắn sẽ trở về. Chứ không có chuyện phần mềm lấy số điện thoại của F0. Dựa vào hoàn toàn F0 khai báo trên hệ thống. Đây có thể là một người khác nhầm điện thoại F0, hoặc con của F0 khai báo, như một ông cụ 60 tuổi, con trai lấy điện thoại khai báo phần mềm, mà bố không hề biết”.
Tại cuộc trao đổi với phóng viên, ông Hanh cũng cho biết, phần mềm nhắn tin trên được phủ sóng tất cả 704 trạm y tế. Sở Y tế và thành phố Hà Nội không có quyền để nhập liệu F0. Còn việc trạm y tế đã từng trả lời với bệnh nhân F0 là trả lời sai.
Mặc dù phóng viên chỉ hỏi những câu hỏi xung quan việc được phản ánh, nhưng ông Hanh lại nói rằng: “Anh cố tình hỏi những câu buồn cười. Câu hỏi nó nhỏ như thế, hỏi câu hỏi to đi. Mệt quá. Hỏi vậy là gây bực cho người trả lời.
Ông chả hiểu cái mẹ gì, từ nãy đến giờ trình bày mỏi cả mồm. Người ta sử dụng cái brank name của Đức Giang để hệ thống phần mềm trả lời, còn Đức Giang không hề trả lời cái gì cả. Tin nhắn này là tin nhắn tự động. Bệnh viện Đức Giang không liên quan, chỉ có điều, để có trả lời được thì phải gắn cái tin nhắn Bệnh viện Đức Giang vào phần mềm, chứ Bệnh viện Đức Giang không có liên quan đến toàn bộ dữ liệu này”.
Khi phóng viên hỏi Bệnh viện Đức Giang đã nhắn được cho bao nhiêu người, bao nhiêu tin nhắn, thì ông Hanh nói: “Có nhất thiết phải trả lời câu hỏi này không. Tôi có đủ. Bởi vì liên quan đến tiền của thành phố chi. Tôi chả giấu ông cho nó mệt ra. Tính tôi nói thẳng luôn. Nhìn đây, tôi là bác sĩ, tôi chả có gì để mất, các ông cứ thích cho tôi chết thì tôi cũng đồng ý, nhưng mà, chúng ta phải làm bằng trái tim… Các bạn mà viết cái gì không ổn, mình thách thức luôn”.
Liên quan đến việc này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ đến UBND phường Hàng Mã, nhưng đơn vị này sau nhiều ngày vẫn chưa có hồi đáp lại. Còn phía Sở Y tế Hà Nội, mặc dù phóng viên cũng đặt lịch làm việc từ lâu, cũng như đã có liên hệ qua điện thoại với bà Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thì bà Hà cho số và hướng dẫn liên hệ làm việc với Chánh văn phòng hoặc Phó chánh văn phòng Sở này. Nhưng đến nay, phía Báo vẫn chưa có buổi làm việc chính thức với Sở Y tế Hà Nội.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.