Phải chú trọng dạy nhân cách học sinh!

(PLO) - Sáng 5/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với các địa phương về tổng kết nhiệm vụ năm học 2015- 2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017.
Phải chú trọng dạy nhân cách học sinh!

Còn tình trạng né tránh, đổ lỗi

Năm học 2015-2016, với nhiều nỗ lực, ngành GD-ĐT đã đạt được nhiều kết quả về phổ cập giáo dục (GD) các cấp, đẩy mạnh tự chủ đại học (ĐH), đổi mới thi cử, tuyển sinh… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng phải nhìn thẳng vào những tồn tại, khuyết điểm, vướng mắc thì mới có thể đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả, nâng cao hơn nữa chất lượng GD.

Tại buổi tổng kết năm học 2015-2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành GD-ĐT vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là, mặc dù đã phân cấp quản lý nhưng một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình. 

Còn tình trạng né tránh, đổ lỗi cho các cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các hạn chế, tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT của địa phương.Việc quy hoạch lại hệ thống GD quốc dân còn chậm. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD còn nhiều bất cập, trình độ không đồng đều. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Đề án Ngoại ngữ 2020 chưa thực sự phát huy được vai trò nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện nay. 

Mặc dù ngành đã xác định đẩy mạnh tự chủ ĐH và coi đây là phương thức tiên quyết, quyết định tới việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, song thực tế cho thấy việc thực hiện tự chủ của các trường ĐH còn nhiều hạn chế, lộ trình triển khai chậm. 

Công tác GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống. Đây là những hạn chế, tồn tại mà ngành GD đặt mục tiêu phải khắc phục hiệu quả trong các năm tiếp theo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước. 

Riêng trong năm học 2016- 2017, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD trong toàn quốc; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH. 

Dạy học sinh từ nhân cách đến kiến thức

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phân tích sâu sắc về các kết quả đạt được, cũng như từng hạn chế, yếu kém của ngành GD trong thời gian qua. Từ những phân tích đó, với GD phổ thông, Thủ tướng lưu ý: “Chương trình cần vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân, vừa đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà phải toàn diện cả văn, thể, mỹ. Dạy học sinh biết “Tiên học lễ, hậu học văn”; dạy học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dân tộc, yêu đồng bào; những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc cần phải được giữ gìn, phát huy trong đào tạo lớp trẻ.

Chú ý GD thể chất để tạo thế hệ thanh niên khỏe mạnh toàn diện. Cùng với đó, chú ý dạy cho học sinh cái đẹp của quê hương, đất nước, cái đẹp của nghệ thuật, mỹ thuật; chú ý việc dạy học tiếng Anh từ phổ thông. Phải tạo mọi điều kiện để mọi người được học tập, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận GD, nhất là với trẻ nghèo vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người...”. 

Với GD ĐH và GD nghề nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải đảm bảo chất lượng GD ĐH, nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Đẩy mạnh tự chủ ĐH một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với xác định trách nhiệm người đứng đầu, không phải trường tự chủ mà bỏ quên trách nhiệm xã hội. Cần quan tâm chất lượng đào tạo tay nghề thực tế, khẳng định được giá trị “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” qua khả năng tìm việc làm và thu nhập, vị trí xã hội… 

Thủ tướng đồng thời đề nghị năm học mới, toàn ngành GD cần tập trung triển khai sâu rộng các nhiệm vụ trọng tâm; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp; xây dựng các đề án, chương trình; phát triển đội ngũ trên toàn hệ thống chứ không phải chắp vá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT…

Có nên miễn học phí THCS?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với tư cách một người phụ trách ngành GD chia sẻ, để dư luận xã hội hiểu đúng và ủng hộ các bước đi đổi mới của ngành GD, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải đẩy mạnh tuyên truyền để xã hội đồng thuận hơn. Và quan trọng là các bước đi như vậy cần phải phù hợp với thời gian. Ví dụ tự chủ ĐH liên quan đến học phí, nhưng nước ta còn có chính sách với người nghèo, đặc biệt liên quan đến người có công. Tới đây, học phí phải được nghiên cứu theo đúng xu thế. Học phí ĐH thì theo tinh thần như tự chủ các trường ĐH, nên chăng tới đây miễn học phí phổ thông cơ sở? 

Vấn đề dạy thêm, học thêm, ngành GD rất nỗ lực nhưng phụ thuộc nhiều yếu tố. Thực tế là chúng ta không đủ trường lớp để học sinh học 2 buổi 1 ngày. Nếu cho học 2 buổi 1 ngày thì áp lực dạy thêm, học thêm bớt đi. Muốn thực hiện được điều này thì phải có trường, có lớp và việc xã hội hóa trong việc đầu tư. Bộ đang làm và các tỉnh cũng đã quan tâm và đặc biệt là phải có các gói ưu đãi để các trường vay dài hạn, có lãi suất thấp để đầu tư thì trường mới tự chủ được về mặt tài chính.

Đọc thêm