Tiết lộ bất ngờ: Đại thi hào Nguyễn Du là một Phật tử ngoan đạo và mất do dịch bệnh

(PLVN) - Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du với những thi phẩm nổi tiếng: Truyện Kiều, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn chiêu hồn... đầy giá trị nhân văn và nghệ thuật đỉnh cao. Tưởng nhớ Nguyễn Du dịp tròn 200 năm ngày mất của ông, thông tin thi nhân là một Phật tử ngoan đạo và mất vì bệnh dịch khiến không ít bạn đọc bất ngờ...
Tượng đại thi hào Nguyễn Du

Nguyễn Du là một Phật tử 

Đại Thi hào Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765), có tài liệu nói ông sinh năm 1766. Sự nghiệp của Nguyễn Du lận đận, dù ông được sinh ra và lớn lên trong gia đình quyền quý, có cha làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng). Gia tộc Nguyễn Du nhiều đời được ca ngợi là cầm kỳ thi họa và đều đỗ đạt làm quan. Đến đời Nguyễn Du, thì bước đường công danh có nhiều gập ghềnh, do bởi thời thế không tạo thế cho anh hùng. Do loạn lạc và gia đình tứ tán, Nguyễn Du phiêu bạt nhiều nơi, từng bị Quận công Nguyễn Thận bắt do bỏ trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh. Ông cũng từng chạy theo vua Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc khi quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc, nhưng bất thành. 

Quãng thời gian 10 năm, tính từ 1786 – 1796 được Nguyễn Du coi là “Mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần). Sau 10 năm này, phần đời sau của Nguyễn Du có vẻ đỡ hơn, nhưng với bản chất của một con người quá mạnh về cảm xúc, nội tâm của Nguyễn Du cũng không được vui như người thường. Nguyễn Du từng đưa quân đi đón vua Gia Long, và được phong chức ở trấn Sơn Nam nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Với tài năng cũng như thông thạo về văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc, Nguyễn Du được trọng dụng làm chánh sứ sang nhà Thanh. 

Nhưng có lẽ do tính cách mềm yếu, mà con đường quan lộ của Nguyễn Du không mấy được ca ngợi như văn thơ của ông. Trong hai cuốn Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện đều cho rằng, Du là người ít nói, nhút nhát. 

Toàn cảnh Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du tại quê hương Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) 

Có lẽ Nguyễn Du biết, tài của ông chỉ để sáng tạo văn chương, chứ không phải tranh đoạt quyền chức bằng mọi giá. Có nhà nghiên cứu nói, tâm thế ít nói, nhút nhát của Nguyễn Du hòng để tham quan tiến chức, tôi cho đó là không phải, bởi người như Nguyễn Du thì không cần phải dối lòng mình như vậy chỉ mong được “no cơm, ấm cật” một đời, mà ông nghĩ điều lớn lao hơn thế cho nhiều đời. 

Nên trong thời gian làm quan dưới thời Gia Long, trong Đại Nam chính biên liệt truyện, vua Gia Long đã trách Nguyễn Du: “Nhà nước dùng người, cứ ai hiền tài thì dùng không phân biệt gì Nam với Bắc cả. Nhà người đã làm quan đến chức á Khanh, biết việc gì phải nói để tỏ cái chức trách của mình, có lễ đâu cứ rụt rè sợ hãi, chỉ vâng vâng, dạ dạ hay sao?” 

Trong quãng thời gian 10 năm gió bụi, nhiều tài liệu cho rằng, có một điểm nhấn cực kỳ quan trọng quyết định cuộc đời và tài năng Nguyễn Du sau này, đó là việc ông buông bỏ bụi trần, trở thành sư với pháp danh Chí Hiên. Cậu chuyện bắt đầu năm 1788, khi đó Nguyễn Du mới ngoài 20 tuổi, sau khi tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Du và một vài người nữa do chống Tây Sơn, đã trốn sang Vân Nam (Trung Quốc). 

Tại đây, Nguyễn Du bị ốm liên miên ba tháng “Trúc thưa vườn thuốc lạnh hơi xuân”, không thấy sử liệu chép là ông bị bệnh gì. Chỉ biết rằng, sau khi khỏi bệnh, ông đã trở thành như sư Chí Hiên, từng ở chùa Hổ Pháo bên bờ Tây Hồ thuộc phía tây thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tây Hồ cũng là nơi mà Bạch Cư Dị và Tô Đông Pha từng vãn cảnh và giúp dân chống hạn. 

Trong thời gian ở Hàng Châu, Nguyễn Du có được bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, khi đó ông mới 24-25 tuổi. Nhưng chưa có sử liệu nào khẳng định một cách chắc chắn, Nguyễn Du đã bắt đầu diễn Nôm thành Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Kiều vào lúc mới tuổi ngoài đôi mươi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, rất có thể, với tâm thế của một người đã thoát vòng tục khi còn trẻ, tài năng thiên bẩm, lại đau đáu cho kiếp người, thì Nguyễn Du đã bắt đầu “cựa quậy” diễn Nôm Truyện Kiều từ đây, nhưng để thành hình tinh túy nhất, chắc Nguyễn Du cũng phải mất công sức và thời gian dài sau đó. 

Đó là chưa nói, trong ba năm với việc đi giang hồ khoảng 5 nghìn cây số khắp Trung Quốc, ngắm nhiều cảnh đẹp, chứng kiến nhiều tao đoạn, đặc biệt là thông đọc nhiều kinh Phật, trong đó có Kinh Kim Cương đọc đến hàng nghìn lượt, thì việc ngộ đạo theo Phật và diễn Nôm kinh điển khi mới ngoài đôi mươi thì không có gì phải bàn cãi. 

Đại thi hào qua đời do dịch bệnh

Với thời gian lưu lại ở Trung Quốc “Muôn dặm mũ vàng chiều nắng xế”, “ Giang Nam, Giang Bắc túi tiền không” trong hình tướng nhà sư , Nguyễn Du đã bình tâm để soi xét mọi vấn đề, thấu triệt được nhiều về lẽ đời, về kiếp người đau khổ theo quán chiếu nhà Phật. Có thuyết nói, khi bị bệnh, Nguyễn Du đã phải bán ngựa lấy tiền thuốc thang. 

Nên quãng đường về sau, Nguyễn Du đi bộ, hoặc đi thuyền nhờ. Không biết do chán cảnh chùa, luyến lại cảnh đời, mà cuối năm 1790, sau khi gặp Đoàn Nguyễn Tuấn đi sứ Trung Quốc (Đoàn Nguyễn Tuấn là người thân của cha Nguyễn Du), Nguyễn Du đã trở về Thăng Long nương nhờ anh Nguyễn Nể. 

Trong thời gian gặp nhau ở Hàng Châu, giữa Nguyễn Du và Đoàn Nguyễn Tuấn đã có cuộc trò chuyện gì đó, nên Nguyễn Du mới quyết định về nước, hay bản thân ông đã có ý định từ trước đó, nhưng nay chưa thấy tài liệu nào nêu rõ. Sau khi về nước, Nguyễn Du có mối quan hệ tình cảm với người con gái họ Hồ ở gần nơi ở 3 năm, người ta đồn rằng, đó là Hồ Xuân Hương. Nhưng mối tình này cũng không có hồi kết tốt đẹp. 

Trong thời gian này, Nguyễn Du đã hoàn thành diễn Nôm Đoạn Trường Tân Thanh, như vậy, theo thuyết này, Nguyễn Du hoàn thành Truyện Kiều trong thời gian sát tuổi 30? Được biết, Hồ Xuân Hương không những có mối tình với Nguyễn Du, mà còn có chuyện yêu đương với Phạm Đình Hổ, Phạm Thái...? 

Trong quãng thời gian từ năm 1802 trở đi, kể từ lúc Nguyễn Du đem quân lương đi đón vua Gia Long khi vua ra Bắc, con đường quan lộ của Nguyễn Du thăng cấp dần lên (tuy có lần ông chán nản, lấy cớ bệnh để về quê), cho đến chức Lễ bộ hữu Tham tri (tòng Nhị phẩm) vào năm 1814, khi ông đi sứ nhà Thanh về. 

Năm 1820, tức cách nay (năm 2020), 200 năm, vua Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi, Nguyễn Du khi ấy 54- 55 tuổi, được cử đi sứ nhà Thanh, nhưng do dịch tả hoành hoành, Nguyễn Du là người mắc phải và mất tại Kinh thành Huế, vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch (tức 16 tháng 9 năm Canh Thìn (1820). 

Về trận dịch năm 1820, có tài liệu chép, nó xuất phát từ Xiêm La (tức Thái Lan bây giờ) đến Chân Lạp rồi truyền vào nước ta ở Hà Tiên (Kiên Giang) vào mùa mưa, từ đó lan rộng ra miền Bắc. Trận dịch làm chết 206.835 người. Mặc dù bị dịch tả nặng, nhưng Nguyễn Du không chịu uống thuốc. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết: “Khi bệnh nặng không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân, nói đã lạnh rồi, ông bảo tốt, nói xong rồi mất không trăn trối lại điều gì về sau”. Mặc dù lúc sắp mất, Nguyễn Du không nói gì, nhưng Truyện Kiều và các tác phẩm khác của ông đã nói hộ nỗi lòng thống thiết thay ông.

Đọc thêm