Được đề cử nhưng chưa lần nào đạt giải
Trong cuộc họp báo hôm 24/9, nhà văn Komkov cho biết “Đây thật ra là lần thứ 4 tôi đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Thư được gửi đi ngày 9/9 và Ủy ban Nobel ở Oslo, Na Uy đã nhận được vào ngày 10/9 ở trụ sở của Ủy ban”.
Theo Tass, cũng tại họp báo, nhà văn Komkov đã chỉ trích ý tưởng đề cử giải trên cho lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Komkov cho rằng Navalny không có bất cứ đóng góp nào để xứng đáng với giải thưởng lớn như vậy.
Phát biểu sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, nếu giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho Tổng thống Putin thì sẽ thật tuyệt vời. Tuy nhiên, “nếu không cũng không vấn đề gì”, ông nói thêm.
Năm 2013, nhà văn Komkov từng đề cử Tổng thống Putin cho giải Nobel Hòa bình 2014 vì tham gia giải quyết xung đột ở Syria và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào Syria. Tuy nhiên, ông Putin không được giải năm đó.
Tổng thống Nga Putin. |
Trước Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hai lần được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2021 bởi hai nghị sĩ từ Thụy Điển và Na Uy. Ông Trump gần đây đã gọi điện để cảm ơn hai nghị sĩ này.
Theo Sky News, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được đề cử giải Nobel Hòa bình 2021 nhờ vai trò giúp Israel và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) đạt được thỏa thuận hòa bình.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia, nhiều hơn hầu hết các ứng viên khác được đề cử giải Nobel Hòa bình”, Chủ tịch Phái bộ Na Uy tại Hội đồng Nghị viện NATO Christian Tybring-Gjedde nói.
Trong bức thư đề cử ông Trump gửi đến Ủy ban Nobel, ông Tybring-Gjedde cũng nêu bật vai trò của ông chủ Nhà Trắng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa các quốc gia Trung Đông với nhau. “Với kỳ vọng các quốc gia Trung Đông khác sẽ theo bước UAE, thỏa thuận hòa bình này có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi sẽ biến Trung Đông thành một khu vực của sự hợp tác và thịnh vượng”, Sky News trích một đoạn trong bức thư đề cử viết.
Ông Tybring-Gjedde cũng cho rằng, Tổng thống Trump có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các bên xung đột tiếp xúc, tạo ra động lực mới trong các cuộc xung đột kéo dài khác như tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hay vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình. Hồi năm 2018, chính ông Tybring-Gjedde đã từng đề cử Tổng thống Trump cho giải Nobel Hòa bình 2019 vì những nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. Tuy nhiên, năm đó ông Trump cũng không giành được giải.
Hạng mục gây nhiều tranh cãi
Giải Nobel Hòa bình (tiếng Thụy Điển và tiếng Na Uy: Nobels fredspris) là 1 trong 5 nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel, được trao từ năm 1901 cho các cá nhân và tổ chức có đóng góp nổi bật cho nền hòa bình của thế giới. Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Có nhiều người cho rằng Nobel đã lập ra giải thưởng này trong di chúc như một cách đền bù cho các chất nổ, phát minh của ông vốn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh như dynamit hay ballistite. Thực tế thì ngoại trừ ballistite, không một loại chất nổ nào của Nobel được sử dụng trong chiến tranh khi ông còn sống.
Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10 tháng 12, ngày mất của Alfred Nobel tại thủ đô Oslo của Na Uy. Trong khi phần lớn các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định thì người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra.
Sở dĩ có sự khác biệt này là vì vào thời điểm Alfred Nobel viết di chúc, Thụy Điển và Na Uy gần như là một liên bang, trong đó Chính phủ Thụy Điển chịu trách nhiệm lĩnh vực đối ngoại còn Quốc hội Na Uy chịu trách nhiệm lĩnh vực đối nội. Alfred Nobel chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông lại chọn Na Uy là nước chịu trách nhiệm xét giải Nobel Hòa bình chứ không phải Thụy Điển, nhiều người cho rằng có lẽ Nobel muốn loại trừ việc các chính phủ nước ngoài có thể thao túng giải Nobel Hòa bình, vì vậy ông đã chọn Quốc hội Na Uy, vốn không chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.
Giải Nobel Hòa bình là hạng mục gây nhiều tranh cãi nhất trong hệ thống Giải Nobel. Một trong các trường hợp nổi tiếng nhất là việc cố vấn Lê Đức Thọ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối nhận giải này vào năm 1973. Ngay chính Quốc hội Na Uy, cơ quan có nhiệm vụ cử ra Ủy ban Giải Nobel cũng từng bị chỉ trích vì đã thông qua việc Na Uy trở thành thành viên của NATO năm 1949, vì đồng ý cho phép quân đội NATO đóng trên đất Na Uy và chấp nhận cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ neo đậu ở các hải cảng Na Uy năm 1983.
Không những thế, nhược điểm lớn nhất của việc xét trao giải Nobel Hòa bình có lẽ là việc đánh giá tiêu chuẩn của các ứng cử viên. Nếu như ở các giải Nobel khác như giải Nobel Văn học hay các giải Nobel về khoa học, các ứng cử viên thường chỉ được xét giải sau hai hoặc ba thập kỷ những đóng góp của họ ra đời thì đóng góp của các ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình thường chỉ xét ngay trong năm đó hoặc trong khoảng thời gian ngắn xung quanh thời gian xét giải, phụ thuộc vào những diễn biến chính trị của đóng góp.
Vì vậy, đã có nhiều trường hợp sau khi được trao Giải Nobel Hòa bình, cá nhân hoặc tổ chức nhận giải lại tham gia vào việc phát động các cuộc chiến tranh hoặc chạy đua vũ trang, đi ngược lại với tiêu chí giải thưởng.
Cụ thể là trường hợp của Theodore Roosevelt, Tổng thống Mỹ, được trao giải năm 1906, sau khi được trao giải đã mở rộng không ngừng lực lượng Hải quân Hoa Kỳ và dùng vũ lực đàn áp đẫm máu các cuộc nổi dậy của người dân Philippines chống lại quân đội chiếm đóng Mỹ. Hay một trường hợp khác là Shimon Peres, được trao giải năm 1994, lại được coi là một trong những nhân vật "diều hâu" nhất của chính trường Israel và là người ủng hộ tích cực việc sử dụng vũ lực đàn áp người Palestine.
Ủy ban Giải Nobel Na Uy còn bị chỉ trích vì đã bỏ qua nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng đã có những đóng góp lớn cho hòa bình thế giới, chẳng hạn như Mahatma Gandhi, Steve Biko hay César Chávez. Trong đó, trường hợp của lãnh tụ Ấn Độ Gandhi đã gây tranh cãi không chỉ trong dư luận mà còn trong chính nội bộ Ủy ban.
Mặc dù đã được đề cử rất nhiều lần vào các năm 1937, 1938, 1939, 1947 và chỉ vài tháng trước khi ông bị ám sát năm 1948, Gandhi đã không bao giờ được trao giải. Ủy ban Giải Nobel sau này đã rất lấy làm tiếc vì sự “bỏ qua” này và khi trao Giải Nobel Hòa bình năm 1989, Chủ tịch Ủy ban đã nói rằng một trong những lý do trao giải cho vị Đạt-lại Lạt-ma Tenzin Gyatso (Đăng-châu Gia-mục-thố) là cách tưởng nhớ tới Gandhi.