Hàng chục lễ hội bị “bêu tên”
Điển hình như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá, tranh cướp tại Lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại Lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); tình trạng khấn khuê Đền Bà Chùa Kho (Bắc Ninh), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)…
Một số lễ hội lớn vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong lễ hội, vẫn còn để xảy ra hiện tượng bẻ cành cây, xả rác thải bừa bãi, nước thải gây mất vệ sinh, mỹ quan của lễ hội như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) và một số lễ hội Nghinh Ông ở một số tỉnh ven biển.
Theo bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải lễ hội truyền thống của địa phương như: xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội); huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang (Hà Giang); huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), huyện Hớn Quản (Bình Phước); xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái); xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai), xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai); Mai Sơn (Sơn La)… Từ hoạt động chọi trâu dẫn tới các vấn đề xã hội trong lễ hội nảy sinh như: hiện tượng dựa vào lễ hội để bán vé, trục lợi; bán thịt trâu chọi giá cao; vấn đề cá cược trá hình trong lễ hội.
TS Lê Thị Minh Lý cũng chỉ ra có nhiều yếu tố khiến lễ hội đang có nhiều biến đổi. “Không gian lễ hội chật hẹp, lượng người tham gia lễ hội đông vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ… Ban tổ chức lễ hội rút kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức để có kế hoạch, các phương án tổ chức linh hoạt, hiệu quả để những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa sẽ từng bước giảm đi và cuối cùng sẽ giải quyết được dứt điểm”.
TS Lê Thị Minh Lý phân tích thêm, nhiều lễ hội hiện nay việc tuyên truyền, giới thiệu về di tích, lễ hội còn mang tính hình thức, đơn điệu, chưa hấp dẫn để du khách hiểu về các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, công trạng của nhân vật thờ tự và ý nghĩa của lễ hội cũng như cách thực hành nghi lễ, dâng lễ vật đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính.
Các địa phương tìm cách lách… luật
Sở dĩ, các lễ hội vẫn còn tồn tại tiêu cực bởi, cái khó chính là sự lúng túng, thiếu cơ sở để xử lý sai phạm. Mặc dù các hiện tượng như tổ chức bán vé, xẻ thịt trâu bán với giá “trên trời” và vô số những hình ảnh phản cảm từ các hội thi này đã tạo nên diện mạo phản cảm, bạo lực và đi ngược truyền thống nhân ái của dân tộc song giải pháp tháo gỡ vẫn đang chỉ dừng ở mức nhắc nhở.
Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận định, để gỡ bỏ bất cập này cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Một số địa phương đang tìm cách lách các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội để tiếp tục duy trì, tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, vai trò quản lý nhà nước cần tạo được dấu ấn thể hiện bằng thái độ kiên quyết trước những biểu hiện trục lợi, không cấp phép tràn lan cho những lễ hội mới, sai lệch truyền thống.
Bộ trưởng cũng khuyến khích phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở mỗi địa phương. Một khi mỗi người dân ý thức được đó là việc nên hay không nên, phù hợp hay không phù hợp thì tự họ sẽ điều chỉnh hành vi.
Cũng như việc người dân làng Ném Thượng đã tự nguyện từ bỏ hủ tục chém lợn giữa sân đình, hay người dân ở Tam Nông (Phú Thọ) đã đồng thuận tìm hình thức tượng trưng, thay thế hủ tục đập đầu trâu phản cảm, bạo lực.