Trái châu trị giá 350 triệu, kẻ trộm chỉ bán 13 triệu đồng
Ngày 14/9, Công an TP HCM phát đi thông tin về việc Công an quận Bình Thạnh đang tạm giữ hình sự đối với đối tượng Trần Văn Thọ (SN 1991, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản và đối tượng Trần Hiền Sĩ (SN 1990, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) để điều tra về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Theo cơ quan công an, khoảng 10h ngày 3/9, Công an phường 1 (quận Bình Thạnh) nhận được tin báo của Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt về việc trên nóc bia đình trước phần mộ lăng Lê Văn Duyệt bộ lưỡng long tranh châu bị mất trái châu làm từ chất liệu đất nung, tráng men.
Nhận tin báo, cơ quan công an đã có mặt khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng để điều tra truy xét. Bằng nghiệp vụ, lực lượng công an xác định đối tượng Trần Văn Thọ là người đã trèo lên nóc bia đình lấy trộm trái châu vào lúc 0h10 ngày 29/8. Sau đó, Thọ đã bán cho Trần Hiền Sĩ với giá 13 triệu đồng.
Khám xét nơi ở của Sĩ, lực lượng công an thu giữ một bộ hỏa châu, một bình hồ lô, một bông hoa bằng gốm sứ. Ngoài ra, tại nhà Sĩ, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 155 đồ vật sành, sứ, gốm không rõ nguồn gốc.
Sĩ khai mua một bộ hỏa châu, một bình hồ lô, một bông hoa bằng gốm sứ của Thọ vào khoảng giữa tháng 8/2020 với giá 2,8 triệu đồng. Số đồ vật này Thọ lấy trộm ở một ngôi chùa tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Công an quận Bình Thạnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức giám định, xác định giá trị ban đầu của trái châu trị giá khoảng 350 triệu đồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, trái châu đã được trao trả cho Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt để gắn vào vị trí cũ. Hiện, cơ quan công an đang điều tra mở rộng vụ án.
Trái châu bị mất trộm trị giá khoảng 350 triệu đồng. |
Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt cho biết, ngày 2/9, nhân viên ở di tích bất ngờ phát hiện trái châu nằm giữa đôi rồng trong đồ án lưỡng long tranh châu trên nóc mái nhà văn bia lăng Lê Văn Duyệt bị mất. Do đó, Ban Quản lý Di tích đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng, đồng thời trích xuất hình ảnh camera an ninh trong khuôn viên di tích để tìm kiếm thông tin thủ phạm.
“Ngay sau khi thu hồi được trái châu quý, cơ quan công an đã tổ chức trao trả lại cho phía di tích. Ngày 12/9, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt đã báo cáo và nhờ chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP HCM hỗ trợ về chuyên môn để gắn cổ vật này lại vị trí cũ”, bà Oanh cho biết.
Theo bà Oanh, cũng như đôi rồng trong bộ lưỡng long tranh châu, trái châu được chế tác từ gốm chứ không phải đá quý. Đây là sản phẩm gốm thuộc dòng gốm Cây Mai nổi tiếng của Sài Gòn xưa có niên đại từ những năm 1922.
“Việc trái châu trở về lại được lăng Lê Văn Duyệt là một điều đáng mừng cho lễ giỗ lần thứ 188 Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sẽ diễn ra vào ngày 29/7, 1 và 2/8 âm lịch (tức ngày 16, 17, 18/9) sắp tới”, bà Oanh nói.
Lăng Lê Văn Duyệt có hệ thống phù điêu, tượng với kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ… độc đáo. Chính vì thế rất nhiều lần các món đồ trên nóc lăng bị trộm và đây là lần đầu tiên được tìm thấy sau khi bị trộm.
Thời điểm trộm thường rơi vào những ngày cuối các đợt trùng tu lớn tại lăng. Trái châu bị mất khi công trình phục dựng cổng và tôn tạo hàng rào lăng Lê Văn Duyệt chuẩn bị hoàn thành.
Trước đó, trong đợt trùng tu hệ thống chiếu sáng sân vườn lăng Lê Văn Duyệt vào năm 2018, di tích này đã bị mất 7 phù điêu là 7 vị tiên trong bộ 8 vị tiên (bát tiên) trên đỉnh tiền điện. 7 vị tiên được trộm gỡ liên tục trong 2 ngày. Cũng trong đợt này, phù điêu phượng hoàng ngậm thư cũng bị gỡ mất một con, hiện di tích chỉ còn một.
Đợt trùng tu năm 2012, liên tục 2 tượng con nghê ở cổng lăng Lê Văn Duyệt mặt đường Phan Đăng Lưu bị gỡ trộm. Đợt trùng tu năm 2010, một dĩa kiểu cổ trang trí ở song nhà hương cũng mất. Năm 1995 - 1996, cặp tượng ông Nhật bà Nguyệt ở nhà hương cũng bị mất.
Kiến trúc nghệ thuật đặc sắc
Nằm trong khuôn viên rộng 18.500m2, lăng Lê Văn Duyệt tọa lạc tại phường 1 (quận Bình Thạnh), có tên là Thượng Công miếu, tục gọi là lăng Ông. Do nằm kế bên hông chợ Bà Chiểu nên người dân quen gọi chung là lăng Ông Bà Chiểu (tức Lăng Ông ở Bà Chiểu) để chỉ khu vực này.
Lăng Lê Văn Duyệt được bao quanh bởi cây xanh, trên một gò đất cao hình lưng rùa, được cho là vị thế “đắc địa”. Đây là công trình kiến trúc có giá trị văn hoá, nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Nam bộ. Lăng được xây từ 1848 và được xây thêm nhiều năm sau với cấu trúc khu lăng xây dựng trên một trục đường chính. Ngày 6/12/1989, lăng được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lăng có 4 cổng, trong đó cổng chính ở phía Nam (mở ra đường Vũ Tùng) được thiết kế theo kiểu tam quan, phía trên khắc 3 chữ “Thượng Công miếu”. Từ cổng tam quan vào qua một khu vườn cảnh, du khách có thể thấy rõ trục kiến trúc của lăng là 3 phần chính, gồm: nhà bia nơi đặt bia đá ghi công đức; mộ tả quân và vợ (có bình phong và tường bao quanh); miếu thờ gồm tiền điện, trung điện và chính điện.
Lăng Lê Văn Duyệt nhìn từ cổng tam quan. |
Theo các nguồn sử liệu, việc thờ cúng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) chỉ chính thức công khai khi ông được minh oan năm 1849, rồi vua Tự Đức ban chiếu trùng tu và lập miếu thờ. Đến năm 1914, việc thờ cúng được mở rộng bằng sự ra đời của Hội Thượng Công Quý Tế, một tổ chức gồm những người tự nguyện, am hiểu phong tục đảm trách việc thờ tự, trùng tu và kiến thiết lăng miếu.
Hàng năm, tại lăng đều có tổ chức lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt long trọng, vào các ngày 29 hoặc 30/7, 1 và 2/8 âm lịch. Lễ giỗ được cử hành theo nghi thức cấp tiểu cung đình triều Nguyễn. Khi ông mất, dân gian xem ông như một vị thần, vì vậy việc thờ cúng và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức thờ thần và tế thần.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt có nguồn gốc tổ tiên từ Quảng Ngãi, đến đời nội tổ thì vào Nam định cư lập nghiệp tại Tiền Giang. Ông là nhân vật lịch sử đặc biệt, một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn và được bình chọn là “Võ công đệ nhất”.
Ông đóng vai trò quan trọng trong buổi đầu của chính quyền vương triều Nguyễn. Từ một thái giám, ông theo chúa Nguyễn Ánh tham gia xây dựng lực lượng ở Gia Định (1790 - 1802), rồi làm Tổng trấn thành Gia Định 2 lần (1813 - 1816 và 1820 - 1832) có uy tín và được dân yêu kính. Khi mất, ông còn được vua Minh Mạng truy phong hàm Thái Bảo.