Tìm hiểu Tam pháp ấn của đạo Phật

(PLVN) - Tam pháp ấn là học thuyết mang tính pháp định trong hệ thống giáo lý nhà Phật gồm: Vô thường, khổ và vô ngã. Đây là ba dấu ấn xác định, chứng nhận tính chính thống của giáo lý đạo Phật; là ba chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi vào giải thoát, là ba phương pháp quán niệm để chuyển hóa tự thân. 
Tìm hiểu Tam pháp ấn của đạo Phật

Kỳ 1: Pháp ấn thứ nhất: Vô thường

 Trong kinh Tương Ưng III, Đức Phật đã có lần hỏi các thầy Tỳ kheo: «Này các thầy, cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường? Là vô thường, bạch Thế Tôn. Cái gì vô thường là khổ hay vui? Là khổ, bạch Thế Tôn. Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thì có thể khởi lên suy nghĩ: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"? Thưa không, bạch Thế Tôn (vô ngã).

Như vậy, vô thường, khổ và vô ngã là ba dấu ấn xác định, chứng nhận tính chính thống của giáo lý đạo Phật. Mọi giáo lý của đạo Phật đều phải mang ba dấu ấn đó. Chính vì tính chất quan trọng này mà Tam pháp ấn luôn được nhắc đến trong hầu hết kinh điển của Phật giáo. 

Ấn là chiếc ấn hay khuôn dấu. Pháp có nghĩa là chánh pháp hay toàn bộ hệ thống tư tưởng trong lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong ba tạng thánh điển. Pháp ấn có nghĩa là khuôn dấu của chánh pháp.

Tam pháp ấn là ba khuôn dấu của chánh pháp gồm vô thường, khổ và vô ngã. Ba khuôn dấu hay tính chất này xác định tính chính thống và đích thực của giáo lý đạo Phật nhằm đảm bảo mọi suy tư, ngôn thuyết, diễn giải, thực hành của con người không vượt ra ngoài mục tiêu giải thoát mà Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết.

Trong kinh tạng A Hàm, đôi khi Đức Phật cũng dạy về Tứ pháp ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết bàn. Tuy nhiên, đấy chỉ là sự triển khai của Tam pháp ấn. Bởi lẽ, Niết bàn chỉ là tên gọi khác của vô ngã. Niết bàn là một cái gì tuyệt đối không dung ngã... Có thể xem vô thường, khổ và vô ngã là một định thức chuẩn mực, tổng quát của Tam pháp ấn.

Pháp ấn đầu tiên hay khuôn ấn đầu tiên là vô thường. Vô thường, tiếng Phạn là Anitya, hàm nghĩa sự biến đổi, thay đổi, không cố định. Mọi giáo lý, học thuyết nào không mang dấu ấn này thì không phải là Phật pháp.

 

Theo đạo Phật, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian do các tập hợp duyên sanh đều mang tính vô thường. Nói cách khác, vô thường nghĩa là sự vật không mang tính đồng nhất bất biến. Con người chúng ta từ khi được hoài thai, chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, đến khi chào đời, quá trình khôn lớn, trưởng thành, về già trở về cát bụi đều vận động không ngừng cả theo nghĩa tự nhiên, sinh học lẫn về tâm lý, sinh lý.

Ngay một cái cây, từ cái hạt nảy mầm, lớn lên, già cỗi trở về đất đều luôn biến đổi, không bao giờ có tính đồng nhất và phải chịu sự tác động của vô thường. Mọi sự, mọi vật trong thế giới hiện tượng từ các vật thể vĩ mô đến các thế giới vật chất hạt cực nhỏ vi mô như nguyên tử, hạt proton, hạt neutron... luôn biến chuyển, thay đổi liên tục không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, không chỉ trong thế giới vật chất mà ngay cả trong thế giới tâm thức, vô thường vẫn luôn có mặt.

Trong đạo Phật, con người là sự cấu hợp của hai thành phần Danh và Sắc, hay phần tinh thần - các trạng thái tâm lý và phần vật chất - thân thể sinh-vật lý, và hai thành phần này luôn ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi như một dòng suối chảy mãi không ngừng trong đời sống con người.

Nó giống như giọt sương tan đi khi mặt trời lên, đám mây gặp đối lưu không khí tan thành mưa, như dòng thác cuốn trôi đi tất cả những gì nó gặp và trôi chảy mãi không ngừng. Mọi hoạt động, vận hành tâm lý: cảm giác, tri giác, tình cảm, tư duy... của con người luôn tồn tại trong khoảng thời gian cực ngắn mà đạo Phật gọi là sát-na. Trong khoa tâm lý học, các biến chuyển trạng thái tâm lý theo thời gian được chia làm hai loại là thường biến tâm lý và đột biến tâm lý.

Thường biến tâm lý là sự thay đổi các trạng thái tâm lý theo những phản xạ chức năng của ý thức và tập quán nghiệp. Ví dụ như vui thì cười nhưng sau đó buồn thì khóc lóc, ưu sầu. Thành đạt thì vui mừng, thất bại thì đau khổ, buồn rầu...

Đột biến tâm lý là sự biến đổi tâm trạng đột ngột trong khoảng thời gian rất ngắn. Tần số dao động tâm diễn ra rất nhanh. Ví dụ như trạng thái tâm dao động, tán loạn trong khi gặp các sự cố nguy hiểm: nhà cháy, người thân qua đời.... Thường biến hay đột biến tâm lý đều phản ánh tính vô thường trong phương diện tinh thần của đời sống con người.

Thế nhưng hiện tượng vô thường không tất yếu đưa đến khổ - pháp ấn thứ hai. Trong đoạn kinh ở phần dẫn nhập, nếu chỉ hiểu đơn giản rằng hễ vô thường là khổ, thì khi đó giáo lý vô thường không còn là một khuôn dấu của chánh pháp nữa. Trong thực tế, nếu không có vô thường thì sẽ không thể có sự sống và không thể có sự phát triển.

Như lời một bài hát thiếu nhi cũng ẩn chứa những ý nghĩa triết học Phật giáo sâu sắc: "Quả trứng mà không mang ấp/ Thì vẫn là quả trứng mà thôi/ Quả trứng mà đem đi ấp/ Thành chú gà con ra đời... Phép lạ cuộc đời, thần tiên giấu trong đôi bàn tay/ Hôm qua là hạt mầm, hôm nay đã thành cây..." Nếu sự vật không vô thường thì không thể thúc đẩy được lịch sử tiến hóa của nhân loại, sẽ không thể có nền văn minh nhân loại.

Và nếu không có sự tác động của vô thường thì chúng ta sẽ không bao giờ có hy vọng đoạn tận các tập khí tham ái phiền não đang tiềm ẩn sâu kín trong nội tâm chúng ta. Do vậy, giáo lý vô thường đem lại niềm tin cho mọi nỗ lực sáng tạo và phát triển của con người. Vô thường chính là đặc chất đích thực của sự sống.

(Đón đọc: Pháp ấn thứ hai: Khổ) 

Đọc thêm