Tìm hiểu “Thập thiện nghiệp” của đạo Phật

(PLVN) - Theo Phật giáo, con người cần tu tập “thập thiện nghiệp” để làm hành trang cho mình giữa thế gian cát bụi, lắm nghiệt ngã và nhiều khổ đau này. Vậy “thập thiện nghiệp” ấy là gì?

Theo giáo lý nhà Phật, “Thập thiện nghiệp” ấy chính là “10 nghiệp lành” trong đời sống. Chúng sinh hữu tình, các bậc trí giả, thánh nhân, đức Phật... cũng do mười nghiệp lành mà có. Vậy nên tất cả phải nương vào mười nghiệp lành.

Mười nghiệp lành không những ngăn giữ chúng ta khỏi sa lầy vào con đường đau khổ, mà còn mở cho ta cánh cửa thênh thang hạnh phúc an vui của phước báu. Mười nghiệp lành thường quyết định duyên lành, làm cho ta thông minh sáng láng, học hành thành đạt, sự nghiệp hanh thông, gia đình ấm êm và cả trí tuệ thông hiểu.

Nghiệp thứ nhất: Không sát sinh muôn loài

Đạo Phật khuyên người ta sống nhân từ, không sát sinh. "Muôn loài sự sống đều nhau/ Có thân, có thức biết đau như mình/ Nỡ nào giết hại hữu tình/ Ruột mềm máu chảy thương sinh não nùng”.

Theo Phật giáo, tất thảy các loài hữu tình, từ bò, bay, máy, cựa, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân cho đến loài vật có cánh, không cánh, có vây, không vây... ở trên mặt đất, dưới biển, ao hồ, sông rạch, trên hư không... chúng đều có sự sống, có thức tính, biết đau đớn. Vậy nên ta phải biết tôn trọng sự sống, chẳng nên giết hại.

Đạo Phật cho rằng, con người ta nên làm điều thiện, điều lành để tạo phước đức. Nếu không tạo trữ phước lành, cứ tà kiến, ngu si, ác độc làm việc dữ; thì chúng ta cũng phải bị đọa vào các cảnh giới đau khổ ấy. Để tránh khỏi sự khổ báo và trả vay nhân quả, chúng ta chẳng nên sát sanh hại vật; dù sinh mạng chúng bỏ bé.

Ngay với loài cây cối, thảo mộc, giáo lý nhà Phật cũng khuyên chúng ta cũng nên nâng niu sự sống của chúng, không nên chặt phá bừa bãi. 

Gạt bỏ yếu tố mang tính duy tâm, tôn giáo, thì quan điểm không (hoặc hạn chế) việc sát sinh loài vật, cây cối rõ ràng tốt cho tâm lý cũng như cuộc sống, môi trường sống của chúng ta. Ngày nay khoa học đã chứng minh con người biết tôn trọng tự nhiên, sống hòa mình với thiên nhiên, ăn ít thức ăn nguồn gốc từ động vật (điều này đồng nghĩa với việc ít sát sinh, giết hại động vật) sẽ có lợi cho sức khỏe hơn. Con người biết nâng niu mầm sống cỏ cây, biết trồng cây, không phá rừng thì sẽ hạn chế được biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... 

Trong đời sống, càng dễ nhận ra quy luật này. Một con người từ nhỏ đã được giáo dục biết yêu loài vật, yêu thiên nhiên hoa cỏ thì lớn lên sẽ lương thiện, khó có thể làm điều ác. Ngược lại, một đứa trẻ nhỏ đã đánh giết loài vật, chặt phá, bẻ ngọn cây thì dễ làm điều tàn ác sau này... 

Rõ ràng, khi ta không sát sinh tự tâm ta hiền hòa, tâm hồn mát mẻ từ bên trong lan tỏa ra bên ngoài, thấm nhuần khắp cả không gian, người, vật, cây, cỏ... Ấy là lúc mà nghiệp lành thứ nhất ta đã đạt được khiến cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.

Nghiệp thứ hai: Không trộm cắp, gian lận

Của cải, tài sản của mọi người trên thế gian; một phần do phước báu tạo trữ từ nhiều kiếp để lại; còn phần lớn là do con người ta lao động, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu mà có được.

Thực tế, cũng có thứ tài sản, của cải do làm ăn phi pháp, hưởng lợi bất chính mà có. Nhưng ở đời pháp nào duyên ấy, gieo nhân nào gặt quả ấy; vậy nên tài sản hoạnh phát thì hoạnh tàn, có trả có vay. Và sự báo ứng, ngay hiện tại hoặc kiếp sau khó mà tránh khỏi.

Như vậy, của cải, tài sản nếu khởi tâm trộm cắp đã là ý nghĩ bất chính, đã do lòng tham sai bảo. Khi con người tà tâm, trộm cắp là nô lệ của vô minh, ái dục và si mê. Nếu không tỉnh thức, tự chủ, tự chế... thì lòng tham kia sẽ che mờ tâm trí, bịt mắt lương tri, rồi tất yếu sẽ dẫn đến phạm pháp, tù tội. Các tội ác khác, đôi khi cũng từ đó mà đồng loạt nảy sinh; kéo theo những mưu mô, thủ đoạn, ác độc, lừa đảo, thậm chí tham nhũng, hối lộ, chiếm đoạt tài sản, giết người... 

Tất cả là do lòng tham mà ra. Nếu không từ bỏ được lòng tham, thì đôi khi không cứ phải lén lút ăn trộm ăn cắp hay gian lận của ai, mà khi không vơ quàng nhận lấy thứ của cải không phải của mình đôi khi cũng mang họa vào thân đấy. Ví dụ ngẫu nhiên nhặt được túi tiền lớn rồi giữ lấy không trả người mất, không báo cơ quan chức năng thì hành vi đó có dấu hiệu "Chiếm giữ tài sản trái phép"; hoặc vô tình nhặt được hàng cấm hay ma túy mà nổi lòng tham giữ lấy hòng kiếm lợi thì đúng là tự mình tham lam mà rước họa vào thân... 

Vậy nên "không khởi tâm" trộm cắp, tâm ngay thẳng thật thà, từ bỏ vĩnh viễn không lấy tham, lấy cắp đã là một nghiệp lành cao cả, sẽ đem đến an vui, an toàn cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

(Còn nữa) 

Đọc thêm